Sân là một không gian quan trọng nhưng thường bị xem là thành phần phụ; có thì dùng, không có không sao, dẫn đến các bố trí tùy tiện về diện tích, thông thoáng… đến khi gia chủ nhận ra rằng nhà mình thiếu sân hoặc khoảng sân bị xâm lấn quá nhiều thì mới nhận ra những mặt bất lợi. Vấn đề là xử lý phong thủy thế nào để tránh tình trạng “thua trên sân nhà”?
Hầu hết các ngôi nhà đáng mơ ước trên thế giới, từ Đông sang Tây đều tọa lạc nơi bao cảnh chung quanh đẹp đẽ, có được sân trước, sân sau hay sân bên. Nguyên lý kinh điển về phong thủy Hình Thế cũng đề cao mối quan hệ giữa chủ thể và phương vị trước sau phải trái. Phong thủy Lý Khí cũng đặt lên hàng đầu chuyện tọa hướng cửu tinh, luận bàn cát hung dựa vào hình thế nhà đất để bố cục, sắp xếp không gian tương ứng thời vận. Tức là dù có theo trường phái phong thủy nào thì quan hệ của nhà và khoảng không chung quanh luôn quyết định đến thông thoáng, chiếu sáng, bố trí công năng, tốt xấu cũng từ đó mà ra.
- Xem thêm: Lập hướng phong thủy từ nhà ra vườn
Vị, Hướng, Thế quyết định Nội Khí
Đấy là ba tiêu chí xem xét tương quan sân và nhà, hay nói rộng ra là giữa khoảng đặc và rỗng, phòng ốc và khoảng sân trong tổng thể. Dù cho Địa Thế ngôi nhà thuận lợi nhưng nếu khoảng sân không hợp lý cũng không thể giúp Tàng Phong Tụ Khí được. Thực tế những nơi ven biển, đồng trống hay đồi dốc gió thổi lồng lộng thường chỉ là chỗ tham quan ngắn hạn, không thể định cư lâu dài được vì tốc độ gió mạnh hơn nhịp sinh học bình thường của con người.
Cũng dễ thấy nếu nhà trong hẻm nhỏ lại xây san sát, không chừa chỗ để gió luân chuyển thì triệt tiêu Phong Thế, tù hãm Nội Khí, cư trú bất lợi. Cha ông ta từ xưa đã biết điều chỉnh Phong Thế nhờ những khoảng trống hợp lý quanh nhà. Hướng nào gió xấu gió lạnh (như đông bắc, tây bắc) thì bổ sung cây cối lá dày, mảng tường che chắn bớt.
Ngược lại hướng nắng tốt gió lành thì mở đón bằng sân trống, bố trí quang đãng đón gió vào, dẫn gió vòng quanh. Ngôi nhà truyền thống lý tưởng luôn có sân lân cận hướng nam gió nhẹ hiu hiu, hơi mát trong lành (do có hồ nước), giảm nhiệt độ bức xạ bề mặt, là thế phong thủy rất hợp khoa học môi trường bền vững.
- Xem thêm: Nhìn nắng gió, ngó cây xanh
Nhà cửa thời hiện đại san sát nhau với diện tích nén chặt tối đa khó lòng tạo được dạng sân Minh đường, nhưng vẫn có thể xử lý sân tương hỗ hiệu quả nhờ chú ý đến vị trí, hướng nắng gió và hình thế của sân. Hệ thống cửa và lối dẫn khí này liên quan mật thiết đến sự nối kết nhà và vườn mà Phong thủy hiện đại có hai thủ pháp chính sau đây:
1. Đưa Nội ra Ngoại
Cách nối kết này lấy tư tưởng giao hòa thiên nhiên của triết học Đông phương, với bố cục phân tán các khu chức năng của nhà sao cho lẩn khuất, xen kẽ vào thiên nhiên, thậm chí một số chỗ chỉ làm mái và ngăn tối thiểu chứ không vây tường kín mít (như bếp, bàn ăn, hiên…). Không gian chủ yếu dựa vào bối cảnh của sân vườn, thêm chút sắp đặt.
Dĩ nhiên để cân bằng Âm Dương, phần tiếp xúc trực tiếp thiên nhiên chủ yếu dành cho các hoạt động vào ban ngày, mang tính Dương và Động, kề cận với mặt nước (Âm – Thủy) và cây xanh, như bàn tiếp khách, nơi thư giãn. Đưa nội ra ngoại còn áp dụng ở khu vệ sinh phụ, cần thoáng đãng và tránh Tụ Ẩm, nên có thể làm theo cách bán lộ thiên với các vật liệu nguồn gốc thiên nhiên như gạch, đá, gỗ… kết hợp cây xanh thấp thoáng.
2. Đưa Ngoại vào Nội
Khi nhà có sân không đủ rộng hoặc môi trường lân cận chưa đạt lý tưởng (gần đường sá hay nhà bên) thì có thể làm theo dạng sân một phần hở một phần có mái, và đưa các yếu tố thiên nhiên vào nội thất. Về nguyên lý thì bất kỳ chỗ nào cũng đưa thiên nhiên vào được, nhưng tốt hơn cả là sử dụng sân trong (Thiên Tỉnh) dù nhỏ, có thể ở khoảng giữa nhà mà thông thiên tốt như nhà ống ở phố cổ Hội An, Hà Nội.
Với cách này, cần chú ý chống ẩm và thoát nước tốt cho các khoảng trồng cây trong nhà, tránh muỗi và côn trùng xâm nhập. Đưa ngoại vào nội cũng nhờ chất liệu theo Ngũ Hành để bổ sung yếu tố Khắc – Thừa. Ví dụ nhà làm bằng gạch thô nhiều (Thừa Thổ) thì nên bổ sung đồ mây tre gỗ lá (để Mộc khắc bớt Thổ). Nếu nhà sàn bằng gỗ thì Mộc vượng quá dễ sinh Hỏa, cần làm thêm hồ nước bên cạnh để có Thủy khắc chế.
Tạo sân cho nhà hẻm, nhà phố nhỏ
Cho dù ở trong điều kiện nào thì sân nói chung chính là khoảng thở cho nhà, khoảng nạp khí cũng như thoát khí, chứ không phải là bỏ diện tích lãng phí như một số suy nghĩ theo kiểu “tấc đất tấc vàng”. Điều kiện nhà ống, nhà hẻm nhỏ thường thiếu không gian bố trí sân, nên để đảm bảo hài hòa phong thủy, cần lưu ý một số giải pháp như đan xen, gián tiếp hoặc vay mượn không gian.
Do thiết kế sân vốn không bắt buộc như phòng ngủ hay vệ sinh phải phụ thuộc vào tiêu chuẩn sinh hoạt và tỷ lệ nhân trắc học, mà chủ yếu làm khoảng trống, nên phong thủy không quy định hình thế tốt xấu cụ thể cho sân, có thể sáng tạo tùy điều kiện. Thực chất bố trí sân gần với kiểu không gian giao thông như hành lang, cầu thang, lối đi lại trong nhà, tùy theo vị trí là sân xuyên qua hay sân dừng lại mà thôi.
Sân dừng lại là sân cuối nhà, sân một bên, sân trong khép kín (Trường Khí Tĩnh, hướng nội). Một sân sau nhỏ gọn hoàn toàn có thể là điểm tựa Hậu Chẩm vững chãi cho nhà phố nếu khéo bố trí mảng tường, sàn nước, trồng cây, kết hợp nơi sinh hoạt nội bộ khá tốt. Còn sân xuyên qua là sân trước, sân để xe, sân trong nhà ống hẹp mà dài để vừa làm lối dẫn gió, vừa giúp chuyển hướng giao thông, mang tính chất Trường Khí Động.
Khi diện tích eo hẹp thì sân xuyên qua có thể kiêm khoảng thông tầng, nơi đặt bàn ăn, khu bếp, khoảng phụ trợ tiếp khách hay nơi giải trí tùy nhu cầu. Các phòng ốc trên lầu có thể hướng vào sân làm điểm lấy gió và ánh sáng, lấy Dương bù Âm cho phòng ngủ và khu vệ sinh giữa nhà.
Kiểu bố trí sân gián tiếp cũng hay được dùng khi nhà trong hẻm nhỏ, ít thông thoáng. Sân gián tiếp tức là mưa nắng không ra vào trực tiếp, sân có thể chỉ có một mặt tiếp giáp với bên ngoài và không thông suốt các tầng để tránh lãng phí diện tích. Sân gián tiếp còn được biến tấu qua kiểu giăng lưới hoặc khung thép bên trên để có thể làm diện tích mở rộng cho nơi sinh hoạt khi cần thiết mà vẫn thông thoáng theo chiều đứng được.
- Xem thêm: Làm gì nơi hàng hiên – tiền sảnh?
Thủ pháp đan xen còn có thể “vay mượn” khoảng thiên nhiên bên ngoài đưa vào nhà qua cách mở tầm nhìn, dùng hồ thủy sinh… mà các căn hộ chung cư hiện nay cũng dùng nhiều. Nếu khéo dùng gương soi mảng lớn, các khoảng thông thoáng nhỏ có thể phản xạ nhiều ánh sáng hơn và tạo cảm giác kéo giãn không gian khá hiệu quả.
Đưa thiên nhiên vào nơi ở trên cao
Trên các chung cư cao tầng, không gian căn hộ được tổ chức khác với kiểu không gian kiến trúc truyền thống đã gắn bó lâu năm với con người dựa trên cơ sở của văn hóa và cách ứng xử phù hợp với môi trường. Tầng cao làm người ta mất đi cảm giác tự nhiên, mặt đất, âm thanh, mùi vị của thiên nhiên. Vấn đề chuyển tiếp giữa môi trường bên trong và bên ngoài chưa được giải quyết tốt, sự khác biệt quá lớn, ít có sự chuyển tiếp hợp lý dễ gây nên sự mất cân bằng về nhịp sinh học của con người.
Các thiết kế chung cư hiện nay đều tính toán đến từng mét vuông diện tích sử dụng, nên một khoảng ban công hay loggia của căn hộ cũng đều gánh thêm không ít chức năng về kỹ thuật và sử dụng. Vì vậy, những khoảng trống, khoảng đệm hiếm hoi quanh căn hộ ngày càng quan trọng, cần tránh mua chung cư theo kiểu chui vào cái hộp bít bùng, hoặc mở ra gặp toàn gió lùa, nắng gắt thì rất bất lợi cho sức khỏe.
Nơi ở trên cao rất cần tạo được cảm giác gần gũi thiên nhiên qua cách tổ chức tiểu cảnh, tạo âm thanh và màu sắc tự nhiên của cây xanh, tiếng nước chảy, chim hót, v.v… tại các lớp không gian đệm, không gian nửa trong nửa ngoài của căn hộ như hành lang, ban công, loggia… trong giới hạn quy định của chung cư cho phép.
- Xem thêm: Nơi tiếp khách, từ nhà ra sân
Bên cạnh đó, việc tăng tỷ lệ dùng vật liệu tự nhiên hoặc gần với tự nhiên (gỗ, đá, gạch trần…) cho một số không gian cần thiết như góc thư giãn nghỉ ngơi, phòng sinh hoạt chung, ban công, cũng giúp căn hộ gần gũi với điều kiện nhà ở dưới mặt đất nhiều hơn. Cố gắng giảm việc ngăn chia kín giữa bên trong và khoảng đệm bên ngoài với vách xây đặc, mà nên tạo thêm khoảng hở toàn phần hay bán phần để tăng góc quan sát và khả năng thông khí cho nội thất bằng cách dùng gạch bông gió, lam đục lỗ, tủ kệ hở, vách kính mở hoặc trượt để có thể kết nối nội khí tốt hơn.
Trong điều kiện cư trú ngày càng bị đô thị hóa như hiện nay, thiếu vắng các “góc sân và khoảng trời”, mỗi ngôi nhà cần chủ động tạo nên những khoảng trống để liên kết Khí tốt hơn. Nếu khéo chọn lựa cách bố trí sân sao cho hài hòa Âm Dương và phối hợp tốt Ngũ hành thì không những đem lại thẩm mỹ cao mà còn thúc đẩy Sinh khí Hưng Vượng cho nơi cư ngụ.