Trong quá trình sắp xếp phong thủy, phân cung điểm hướng cho nhà cửa, một số ý kiến gia chủ và cả giới chuyên môn không đồng ý quan niệm xếp chỗ để xe, thuộc về vùng xấu, tại không gian Hung. Vấn đề đặt ra: thời xưa chưa có phương tiện giao thông hiện đại nên lý thuyết phong thủy chỉ sơ khai, còn thời nay các nước phát triển đều ưu tiên không gian cho garage thì phong thủy nên xét chỗ này thế nào cho hợp với nhu cầu thời đại?
Vấn đề này gợi mở ra những hướng tranh luận và giải quyết từ quan niệm chung cho đến xử lý riêng của cả một khu dân cư, ngôi nhà… xét nhiều mặt, từ góc độ tiện ích, kỹ thuật và cả về văn hóa sử dụng không gian để xe như thế nào.
Từ “con trâu là đầu cơ nghiệp”
Tiện ích thay đổi dẫn đến không gian thay đổi là lẽ tất yếu mà mọi nơi đều trải qua theo từng giai đoạn khác nhau của con người, xã hội. Giữ phong thủy tốt cho ngôi nhà không có nghĩa giữ mãi kiểu ăn ở xưa cũ. Thời trung cổ đến cận đại, cả phương đông lẫn phương tây đều đi bộ, đến thời đi xe ngựa xe bò thì “garage” chính là cái chuồng bò, chuồng ngựa.
Nhiều câu ca dao tục ngữ Việt Nam nói lên tầm quan trọng sức ngựa và nơi giữ ngựa cột trâu như “tậu trâu cưới vợ làm nhà, con trâu là đầu cơ nghiệp, mất bò mới lo làm chuồng…”. Ở miền viễn tây nước Mỹ thời đổ xô tìm vàng thì tội trộm ngựa bị xử nặng hơn nhiều trọng tội khác!
- Xem thêm: Hiểu Cát Hung để giảm Trực Xung
Nhiều cư xá, nhà tập thể ở Việt Nam xây dựng giai đoạn 1955-1980 đều không có chỗ để xe, bởi thời đó xe hơi và xe máy khá hiếm, đa số dân chúng đi xe đạp nên nhiều công trình đã làm cả dốc dắt xe đạp (thậm chí xe máy) lên đến lầu 3 lầu 4, phản ánh đúng thực tế xã hội bấy giờ.
Bên các khu phố cổ, khu phố cũ ở Paris, London, Singapore… cũng không đủ chỗ để xe riêng cho từng nhà, nhưng họ đã phát triển tốt giao thông công cộng và khu để xe tập trung (trong bán kính đi bộ phù hợp khoảng 5 đến 10 phút). Còn các nước phát triển xe đạp như Hà Lan, Đan Mạch thì không gian nào cũng phải dành chỗ cho xe đạp, từ làn đường riêng đến bãi đậu xe đạp.
Từ chỗ không có xe cộ, đến xem trọng xe cộ, có lẽ cũng chỉ mới hơn trăm năm nay, khá ngắn ngủi so với mấy ngàn năm văn minh vật chất của loài người, nhưng tinh thần thì không khác biệt nhiều… Cái chuồng ngựa thời xưa, đến nhà để xe thời nay về bản chất đều là không gian phục vụ cho nhu cầu đi lại, nên khi xét về triết lý ứng xử thế nào trong không gian sống, nơi để xe không phải là đối tượng cốt yếu như nơi ăn chỗ ngủ, cần xem xét toàn diện theo triết lý đông phương vạn vật luôn biến đổi. Để tránh sự thiên vị hay xem thường dẫn đến xáo trộn, cần lưu tâm nguyên tắc hài hòa các thành phần và thuận theo các quy luật tự nhiên.
Đến “góc sân và khoảng trời” đặc thù
Chính vì tính chất riêng biệt như vậy mà khi bố trí mặt bằng nhà ở, khu vực để xe hay bị phân vân giữa chính và phụ, giữa nhu cầu thực tế trước mắt và tương lai. Để xe ngoài sân, trong nhà, dưới hầm, hay thậm chí làm nguyên cái nhà chỉ để dành cho xe… sẽ tùy hoàn cảnh, tùy quy mô đầu tư của gia chủ.
Nhưng chắc chắn vị trí để xe không thể nào bị khuất lối ra vào hoặc chật hẹp được. Vì đặc trưng sử dụng không gian này liên quan đến phương tiện đi lại, nên chịu chi phối của tiêu chuẩn kỹ thuật, như chiều rộng tối thiểu, khoảng mở cửa, góc quay và bán kính quay xe, độ dốc không bị đụng gầm…
Sức ép từ các “chỉ định phong thủy” khiến một số gia chủ băn khoăn, không biết nhà xe nên gọi là Hung hay Cát, bỏ chiếc xe tiền tỷ vô đó mà Hung sao được? Nhưng nhà xe mà Cát thì lại như phòng ngủ, phòng khách à?
Làm nhà xe cũng tương tự các không gian khác, từ làm đủ rồi làm đúng, đạt chuẩn rồi mới tính toán sao cho đáng (tương ứng chi phí, khai thác hiệu quả, không lãng phí) và đến làm đẹp, thậm chí làm độc đáo thì quả là hiếm gặp. Theo nguyên lý Âm – Dương thì những chỗ có giao tiếp nhiều và thay đổi thường xuyên (Dương thịnh) thì nên có sự điều chỉnh linh hoạt và có thể thêm bớt các bố trí mang tính Dương.
Về bản chất sử dụng thì nhà xe vẫn là một loại kho (chứa phương tiện giao thông). Cho dù kho chứa đồ quý hay đồ bỏ, kho rộng hay hẹp, thì cần phải đáp ứng đúng công năng bảo vệ đồ chứa (xe cộ) bên trong, sử dụng thuận tiện, an toàn, kết nối thông suốt với các không gian khác.
Có cần “thủ kho to hơn thủ trưởng”?
Như vậy, nhà xe chứa gì thì cũng là dạng kho, không thay thế và không đảo lộn vai trò với các công năng khác được. Trong phái Bát Trạch, sau khi Phối mệnh chủ với tám hướng để ra Bát San tốt hay xấu, yếu quyết cơ bản là “tốt về cung tốt, xấu về chỗ xấu” thì hợp lẽ, không gây đảo lộn, bất an.
Tốt hay xấu (Cát Hung) trong phong thủy mang tính quy ước, không phải là quan niệm tốt xấu về đo lường thẩm mỹ hay giá trị vật chất. Ví dụ như căn bếp hiện nay đầu tư tốn kém rất nhiều so với phòng làm việc, nhưng vẫn phải bố trí Tọa Hung (nằm ở vùng xấu theo phối mệnh chủ).
Tương tự khu vệ sinh nhiều gia đình lắp đặt thiết bị cao cấp, đầu tư phòng vệ sinh như nơi thư giãn chất lượng cao, nhưng không vì thế mà về mặt phong thủy bố trí la bàn Bát Trạch cung tốt cho khu vệ sinh! Nói cách khác, không quan niệm “thủ kho to hơn thủ trưởng” chỉ vì nhà xe (kho) có chứa đồ giá trị cao hơn phòng ngủ, đúng với các cấp độ Môn Táo Chủ trong dương trạch tam yếu đã xác định khá rõ.
Xét về gốc văn hóa, do tây phương thuộc Kim trọng lí trí, ưa tìm tòi khoa học, phát minh, nên họ luôn làm garage rộng và tiện dụng chứ không phải chỉ là chỗ để xe. Thậm chí có nhà làm garage như một “cơ xưởng tại gia”, chỗ sửa chữa đồ đạc, nơi trẻ con được “học mà chơi” qua các công việc sắp xếp và lắp ráp máy móc.
- Xem thêm: Tiện nghi hướng tới an lành
Điều này khác với Việt Nam khi garage vẫn chỉ là nhà để xe thuần túy. Có lẽ do đặc tính văn hóa, xã hội, thói quen sinh hoạt khiến nhà xe ở Việt Nam ít khi là nhà xưởng thú vị và hiệu quả, để cho các gia đình trải nghiệm các công việc máy móc, hình thành kỹ năng sống tốt hơn cho trẻ nhỏ.
Dùng đúng chất liệu, hài hòa Âm Dương
Có thể thấy ngôi nhà truyền thống xưa kia nghiêng về tính Âm nhiều bởi vật liệu sử dụng chủ yếu nguồn gốc thiên nhiên, bề mặt thô nhám, ít lớp phủ. Còn những không gian hiện đại ngày nay, cụ thể khu nhà xe luôn có sự năng động, giao tiếp đối ngoại mạnh mẽ… thiên về dùng vật liệu tính Dương nhiều hơn, tông màu thuộc nhóm Kim – Thủy là trắng – xám – đen khá được ưa chuộng. Xu hướng phong thủy hiện đại là cân bằng, hài hòa các phần Âm – Dương khi sử dụng vật liệu để tạo sự thân thiện hơn.
Khoa học hiện nay đã chứng minh vật liệu đóng vai trò chủ yếu trong Dẫn Truyền Khí bên trong cũng như bên ngoài nhà. Những vật liệu xốp, màu sắc đậm và tối, bề mặt nhám… thường mang nhiều tính Âm hơn và làm chậm dòng di chuyển của khí động, sẽ bổ sung cân bằng hơn cho không gian nhà xe vốn hay nhiều chuyển động ra vào, tiếng ồn và mùi xăng dầu.
Kim loại khi phối cùng với gạch đá giúp làm nên bộ Thổ Kim tương sinh, nâng đỡ và điều tiết lẫn nhau. Do vậy, một khoảng sân đậu xe hoặc nhà xe có mái sẽ hiệu quả với cách phối kết khung kim loại đi cùng đá nhám chống trơn, gạch ốp cao để dễ vệ sinh. Khi bố trí nhà xe dưới hầm hoặc sát nhà chính cũng cần đặc biệt lưu ý khả năng thoáng khí, hạn chế vật liệu dễ cháy (gỗ, vải…) và bố trí hệ thống phòng cháy chữa cháy đầy đủ để tránh hỏa hoạn (Hỏa khắc Kim).
Từ quan niệm đúng về khai thác và sử dụng, có thể xác lập các tiêu chí cần có để khi thiết kế, xây dựng và sử dụng nhà xe không bị dồn nén chật chội hoặc dư thừa tốn kém lãng phí. Tốt nhất nhà xe cần có khoảng không gian đậu và rửa xe, kho chứa dụng cụ và thiết bị phụ trợ. Trường hợp nhà phố không rộng rãi thì có thể kết hợp chỗ để xe với khoảng tiếp khách tạm thời, có khả năng mở rộng chức năng khi nhà có sự kiện đông người. Do vậy không gian này cần tránh các kiểu cách bố trí cầu kỳ, ngóc ngách, mà nên ưu tiên “ăn chắc mặc bền” và dễ lau dọn, bảo trì.
- Xem thêm: Mát nhờ đặc rỗng
Theo dòng phát triển của thời đại sẽ có những thiết bị, tiện ích mới ra đời, thay thế hệ thống cũ, ví dụ như máy bay không người lái, nhà tự động thông minh… để nhằm phục vụ tốt hơn cho con người, chủ thể chính của mọi giải pháp. Phong Thủy xưa hay nay thì vẫn luôn là triết lý về nơi cư ngụ an lành, bền vững, nên không phải là tiêu chuẩn nhất thời bất biến, cũng không là nguyên tắc duy nhất làm cơ sở cho thiết kế. Phong Thủy cho nhà xe cũng vậy, vừa phải đáp ứng nhu cầu sử dụng, vừa cần phải điều chỉnh, dung hòa giữa triết học phương đông với khoa học tây phương để giúp giảm xấu – tăng tốt cho không gian sống nhiều hơn.
– Ảnh Xuân Trang