Phong thủy hiện đại quan niệm: cách “khoe” hay “che” không đúng chỗ, đúng nơi sẽ dễ gây rối loạn về trường khí, bất tiện trong sử dụng. Đối với không gian riêng tư như phòng ngủ. Thay vì tranh luận khoe gì hay che gì, cần lưu tâm nhiều hơn đến các khoảng trống, khéo sử dụng chất liệu và màu sắc phù hợp để đem lại hiệu quả về sử dụng, tạo nguồn sinh khí dồi dào hơn cho nơi cư ngụ.
“Tốt khoe – xấu che” vốn thành nếp ứng xử lâu nay trong dân gian. Từ khoe chữ (bình phong, câu đối) mang nét văn hóa truyền thống, rồi khoe bộ ghế quý, khoe giàn âm thanh thời hiện đại, đến che đi khu vệ sinh, che bếp, che phòng riêng… được thể hiện khá nhiều trong không gian sống, với cả nhiều mặt ưu lẫn nhược.
Cũng cần minh định rõ ràng: khái niệm “khoe” trong bài trí nhà cửa không phải nói về chuyện phô trương, chụp hình “tự sướng” hay khoe của, mà là cách thức làm nội thất thiên về biểu hiện hình thức, dùng màu sắc, ánh sáng… thuần túy theo ý thích cá nhân và trang trí thiếu sự tiết chế cho hợp bản chất không gian. Ứng xử hợp phong thủy vì thế không phải “toa thuốc” chỉ định hay chống chỉ định cho người dùng kiểu nào tốt, mẫu nào xấu, hoặc kiêng kỵ mê tín. Hiểu đúng để vận dụng hòa hợp chứ không rập khuôn cứng nhắc hay e ngại thái quá.
Dụng ở chỗ không, liên thông Nội Khí
Triết lý Đông phương có câu “Đạo trời theo quy luật thừa thì bớt đi, không đủ thì bù vào”(*) nhằm tạo lập không gian trống mới có thể đắc dụng được. Đó cũng là quan điểm cơ bản của văn hóa ứng xử hòa hợp: khoe cần cân nhắc, che tránh cực đoan. Ví dụ khu vệ sinh hay khu bếp nếu muốn bố trí kiểu thoáng mở thì cần xem xét tính chất nấu nướng, thói quen sinh hoạt có tiện hay không khi “khoe” không gian, nhằm giảm chuyện lan tỏa khói mùi, độ ẩm hay lộ ra các vật dụng mang tính riêng tư. Việc che chắn cũng vậy, đôi khi xuất phát từ thói quen hàng ngày bừa bộn, nhiều nhà thích ngăn chia nhiều để tạo nên những chỗ “khuất mắt” kín đáo, nhưng càng làm vậy sẽ càng khiến nhà ngột ngạt, giảm thông thoáng, xuất hiện ngóc ngách và hao tốn diện tích.
- Xem thêm: Phòng ngủ bao nhiêu là đủ an yên?
Phòng ngủ là dạng không gian nhiều điểm cố định bởi vật dụng và công năng, như vị trí giường, kệ tivi, bàn làm việc… ít xê dịch thay đổi, nên giữ được các khoảng trống còn lại rất quan trọng, thậm chí quyết định đến thần thái của nội thất. Thói quen “khoe đồ” vô tình lấy đi những khoảng Nội Khí hiếm hoi, khiến một số phòng ngủ thành cái kho, nơi chất chồng đủ thứ vật dụng, hình ảnh, đồ lưu niệm… theo kiểu “bỏ thì thương, vương thì tội”. Điều này ngôi nhà hiện đại cần học hỏi nếp nhà truyền thống: dù điều kiện kinh tế và tiện nghi thuở xưa không cao nhưng rất khéo giữ gìn các khoảng trống, khoảng thở, khoảng luân chuyển khí trong và quanh nhà.
Cũng bởi các khối cố định như khối giường ngủ (liên quan với tường đầu giường, trần bên trên, sàn bên dưới) hay khối tủ đồ, khối bàn làm việc… nên trong tư duy bố trí phòng ngủ của kiến trúc – nội thất theo kiểu Đông và Tây sẽ có khác nhau(**). Thủ pháp tạo hình chủ yếu trong kiến trúc và nội thất Á Đông là tuyến, nên động hơn, minh chứng thực tế chỗ ngủ trong nhà truyền thống Việt khá đơn giản, liên thông với toàn nhà (bộ khung gỗ, mái dốc, cấu trúc cột, xà), còn phòng ngủ cổ điển phương Tây là diện và mảng khối, phòng ngủ khép kín và tách biệt với toàn nhà, bố trí giường tủ cân xứng, hệ gờ chỉ, trần và tường, treo đèn và rèm, tranh ảnh… cân đối, chuẩn mực. Mỗi gốc văn hóa đều có ưu khuyết, nếu áp dụng theo thì cần hiểu rõ hệ thức và nguồn gốc cấu trúc.
Phong thủy hiện đại không phân chia giải pháp theo phong cách Đông hay Tây, mà xác lập quan niệm: làm sao để con người hô hấp, đi lại, sử dụng… tốt trong phòng ngủ, chứ không phải mức độ xấu đẹp nhiều ít. Thực tế không ít nhà thiết kế trẻ tuổi tỏ ra khó chịu khi chủ nhà đòi bớt đi các mảng miếng theo họ là không cần thiết, cũng như nhiều gia chủ không “đồng cảm” với bên thiết kế khi họ không chiều ý mình để trang trí cầu kỳ, tô điểm phức tạp… Đôi bên đều cần nhìn nhận lại từ triết lý “dụng ở chỗ không” của Đạo học phương Đông, bởi suy cho cùng văn hóa ăn ở vẫn là cho người Việt, trên đất Việt với thời tiết, môi trường, văn hóa và xã hội có gốc Á Đông.
Âm Dương bù trừ, Ngũ Hành bổ khuyết
Yếu tố Âm Dương trong phòng ngủ là các vùng tĩnh hoặc động, tối hay sáng… Bố trí hợp Dịch Lý là bù âm (hay dương) cho các vùng thái quá (hoặc thiếu quá). Vì trường khí phòng ngủ về cơ bản thuộc âm, cần tĩnh lặng, chủ yếu đối nội… nên mở cửa sổ vừa đủ, tránh bị nắng xiên, mưa tạt, không nhất thiết phải mở cửa ra sảnh hay cửa chính. Tức là yếu tố Dương có thể giảm và Âm có thể tăng trong khu vực phòng ngủ, giường ngủ… so với các không gian khác.
- Xem thêm: Phòng ngủ “ngon” và hơn thế nữa
Tuy nhiên để xác định thế nào là Âm Dương đầy đủ thì không có tiêu chí cho mọi nhà, mà phải tùy tình huống cụ thể. Ví dụ, phòng ngủ có ít nhất một cửa sổ thông thoáng ra ngoài, ban ngày không phải bật đèn suốt, không kề bên lối đi lại xuyên qua ồn ào… tức là tương đối đạt yêu cầu về Âm Dương. Khi xem xét bố trí đồ đạc hạn chế chen chúc đè nén, giảm thiểu màn hình tivi, máy tính, gương soi, máy lạnh thổi chiếu trực diện vào đầu… thì sẽ ổn về nội khí Tĩnh cho chỗ ngủ. Phòng ngủ trẻ em có thể dùng loại giường tầng bên dưới đặt bàn học (nếu đủ chiều cao thông thủy), hay kiểu giường gấp tận dụng diện tích, ban ngày mở lên làm chỗ sinh hoạt thoáng, ban đêm hạ xuống làm chỗ ngủ… khá phù hợp cả về tính chất tiện nghi lẫn cân bằng Âm Dương, vì trẻ em cần nhiều khoảng trống vui chơi, chạy nhảy.
Những vùng phòng ngủ bị Thuần Âm (do bị khuất, ít tiếp xúc được với bên ngoài) hay Thuần Dương (do sát cửa, nhiều đi lại giao tiếp nên thường va chạm, bụi bặm) đều cần giữ vùng đệm để cân bằng lại Âm Dương. Nếu phòng ngủ nằm sát ban công, mặt tiền bên ngoài nhiều ánh nắng (Dương thịnh) thì nên dùng màu trầm và sậm để giảm phản xạ gay gắt, kết hợp hệ rèm chống chói và bề mặt ít tính phản xạ ánh sáng. Ngược lại, các phòng ngủ nằm sâu trong nhà, thiếu Dương quang trực tiếp (Âm thịnh) thì nên chọn bổ sung những màu trung tính và sáng sủa như màu xanh nhạt, lam ngọc, trắng kem… cũng như gắn gương khéo léo để phản xạ ánh sáng tốt hơn, đem lại cho các vị trí âm tính cảm giác nhẹ nhõm, thoáng rộng và thư giãn hơn. Tuy vậy các màu chói và tươi quá như vàng, cam hay hồng nên cân nhắc để tránh gây mất ngủ do kích thích thị giác.
Việc áp dụng Ngũ Hành trong xử lý nội thất cũng cần tránh thiên lệch, dùng đầy đủ ngũ hành theo thứ tự ưu tiên sẽ giúp nội khí cân bằng hơn. Ví dụ bản mệnh gia chủ là Thổ, thì thứ tự ưu tiên nên là Thổ – Hỏa – Thủy – Kim – Mộc, trong đó các hành ưu tiên (Thổ, Hỏa) thì dùng nhiều, hành hạn chế do tương khắc thì dùng điểm xuyết, không cực đoan, không thiên lệch. Điều này tương tự nguyên tắc ăn uống hợp dưỡng sinh Á Đông: không dùng hoài một loại thức ăn nào quá mức, mà nên kết hợp, xen kẽ, điều chỉnh linh hoạt, thay đổi theo không gian và thời gian, mùa nào thức nấy.
- Xem thêm: Không có màu nào xấu…
Sử dụng chất liệu, đường nét phù hợp bản mệnh cho phòng ngủ cũng giúp liên kết không gian. Tuy nhiên vẫn cần tạo các điểm nhấn quan trọng cho thị giác, thậm chí làm tương phản (so với tông màu chung) để kích hoạt Trường Khí, tránh tình trạng trì trệ lâu ngày. Ví dụ một căn hộ dùng nhiều vật dụng bằng gỗ, sàn và tường sậm màu (thiên về Mộc, Hỏa) thì phần giường ngủ và lân cận có thể điểm xuyết vật dụng, đồ trang trí có màu tươi tắn như trắng, xanh… hoặc treo tranh, dùng phụ kiện gối nệm có hoa văn, họa tiết tự nhiên, mềm mại (thuộc tính của Kim, Thủy, Mộc) để tăng tính sinh động. Ngược lại, dạng nội thất thuần trắng, gam màu lạnh, xám đen kiểu hiện đại (Kim, Thủy) thì nên cân nhắc thêm vào chất liệu mộc mạc, đồ mây, vải và giấy dán tường chi tiết hoa lá… như một cách bổ sung Mộc, Hỏa cần thiết.
Trong ngôi nhà nhiều thế hệ không dễ dung hòa ý kiến, quan điểm phong thủy- kiến trúc hiện đại là “khoe đúng – che đủ” để tránh va chạm lợi ích của nhau. Phòng ngủ là không gian riêng tư nên cũng dễ lựa chọn hơn so với các không gian chung khác. Cách sắp xếp theo lối “điền vào chỗ trống” thường khiến Nội Khí phong thủy bị đình trệ, nhưng nếu áp dụng lối thiết kế tối giản quá mức thì không phải ai cũng quen dùng trong không gian quá trống trải.
Vì thế, nên tham khảo dạng nội thất mang tính linh hoạt và đa nùng: định vị đúng và đủ các khối chức năng cơ bản; kiểm soát khoảng trống đi cùng khả năng thay đồi nhờ linh hoạt sắp xếp; rồi chọn một vài điểm nhấn nhá nổi bật bằng vật dụng để giúp nội thất tăng sinh khí. Tất cả sẽ giúp chủ nhân mỗi khi bước vào góc riêng nghỉ ngơi của mình luôn cảm thấy thoải mái và thú vị, tận hưởng và kiểm soát tốt không gian sống của mình.
– Ảnh Xuân Trang