Các cơ quan chức năng vẫn chưa công bố kết luận nguyên nhân vụ cháy chung cư tòa nhà CT4 (khu đô thị Xa La, Hà Nội), tuy nhiên, dù nguyên nhân là gì thì để tránh những vụ việc tương tự xảy ra, các bên liên quan đều có trách nhiệm thực hiện đúng chức trách của mình.
Phải biết rằng để một khu căn hộ đi vào hoạt động, thủ tục không hề đơn giản. Riêng trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, theo quy định, song song với xin giấy phép xây dựng, chủ đầu tư dự án phải xin giấy phép thẩm định phòng chống cháy nổ do Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy cấp. Cơ quan này sẽ thẩm định xem năng lực của đơn vị thiết kế trong hồ sơ xin phép của chủ đầu tư có đáp ứng đủ điều kiện hay không, thiết kế có đúng quy chuẩn không, trên cơ sở đó ra văn bản chấp thuận phương án thẩm định phòng cháy chữa cháy. Sau đó, trong quá trình đầu tư thi công xây dựng công trình, các chủ đầu tư phải đầu tư thực hiện đúng với phương án thiết kế phòng cháy chữa cháy đã được cấp phép. Khi công trình hoàn thành, phải lập hội đồng nghiệm thu do Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy chủ trì. Nếu đủ điều kiện, hội đồng nghiệm thu sẽ cấp biên bản đã nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, sau đó chủ đầu tư mới được bàn giao nhà cho cư dân và đưa công trình vào hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế ở nhiều địa phương, quy trình này đã bị xem nhẹ.
Có thể thấy, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về chủ đầu tư, cả trong quá trình xây dựng lẫn vận hành khi khu căn hộ đi vào hoạt động. Họ phải tuyệt đối tuân thủ những quy định về phòng cháy chữa cháy, trước và sau khi khu căn hộ đi vào hoạt động. Về nguyên tắc, khi có 5% dân vào ở tại chung cư, chủ đầu tư phải lập ban quản lý để lo các vấn đề an ninh, an toàn, cung cấp các dịch vụ cần thiết cho người dân như điện, nước, đảm bảo trực chống cháy nổ và hỏa hoạn cho người dân. Tuy nhiên, nhiều khu căn hộ hiện nay dù đã có người vào ở một thời gian vẫn chưa có ban quản lý. Thậm chí, khi có ban quản lý rồi, các quyền lợi tối thiểu của người dân cũng không được đảm bảo. Việc mua bảo hiểm cháy nổ đối với khu căn hộ là rất cần thiết, tuy nhiên nhiều chủ đầu tư và ban quản trị tòa nhà vẫn không mua để tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí đóng góp. Hệ thống phòng cháy chữa cháy của nhiều tòa nhà không được đầu tư, bảo trì dẫn đến thiếu hụt, hỏng hóc, khi có sự cố thì không hoạt động được.
Các cơ quan chức năng cũng phải chịu trách nhiệm khi không nghiêm khắc trong vấn đề cấp phép, kiểm tra, chế tài và xử lý các đơn vị vi phạm theo luật định. Trên thực tế, có nhiều công trình đã đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa được thẩm duyệt hoặc nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Tình trạng nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy của các dự án chậm hằng tháng so với thời điểm bàn giao nhà cho người mua diễn ra khá phổ biến, vì chủ đầu tư lo ngại việc chậm tiến độ sẽ phải bồi thường hoặc phát sinh khiếu kiện. Hay việc xử phạt bằng tiền rồi cho qua khi chủ đầu tư vi phạm là không hợp lý. Cần phải xử lý cương quyết hơn, thậm chí chủ đầu tư vi phạm phải đối mặt với luật pháp.
Cuối cùng, đó là ý thức trách nhiệm của những người sống trong khu căn hộ nói riêng và cả cộng đồng nói chung. Họ phải có ý thức bảo vệ sự an toàn cho chính mình và cho cộng đồng, cương quyết phản ánh những vi phạm về quy định phòng cháy chữa cháy nếu có để ban quản lý khu căn hộ và chính quyền địa phương biết và khắc phục. Trên thực tế cũng có một số vụ cháy nổ tại các khu chung cư, tòa nhà cao cấp với điều kiện phòng cháy, chữa cháy tốt mà nguyên nhân đến từ sự bất cẩn của các cá nhân, hộ gia đình. Người dân cũng nên lưu ý rằng, ngay cả khi ban quản trị chung cư đã mua bảo hiểm cháy nổ nhưng nếu không có điều khoản bổ sung trách nhiệm đối với tài sản trông giữ thì công ty bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm đối với những tài sản của chủ đầu tư. Xe gửi trong hầm không phải là tài sản của chủ đầu tư nên không thuộc phạm vi bảo hiểm của công ty bảo hiểm mà thuộc trách nhiệm của ban quản lý tòa nhà.
Một khi tất cả đều ý thức được trách nhiệm của mình, những vụ việc và thiệt hại do cháy nổ gây ra tại các khu căn hộ sẽ được giảm thiểu.
Hồng Thuận (DNSGCT)