Trong thời buổi thông tin như bây giờ, giữ được “tâm như nước trong” quả có… thánh! Không chỉ ra đường mới gặp sự bực mình mà ngồi nhà thôi cũng đủ “tham sân si”. Người mẹ ở nhà, xong việc, rảnh rang mở mạng lướt xem vài tin tức trong khi chờ con cái về đông đủ cơm chiều.
Đập vào mắt là các kiểu tai nạn. Cô gái đi xe máy, dừng lại bên đường nghe điện thoại liền bị cuốn vào xe tải; anh thanh niên chỉ vì va quẹt chút xíu mà phải nhập viện vì bị đánh trọng thương… Chưa kể hận tình chém giết, hay một tay trưởng phòng mà có đến 40 căn hộ… Không nộ khí xung thiên cũng thở dài ngao ngán. Thờ ơ cách mấy cũng bắt đầu thấy… lạnh gáy. Không biết đâu mà lần!
Bây giờ hầu như ai cũng có tài khoản Phây (Facebook), chỉ cần lướt trang chủ đã có bao tình huống phơi bày, từ thương yêu cho đến hận thù. Một ông bố chia sẻ cảnh vợ vượt cạn và niềm hạnh phúc đón thiên thần chào đời thì liền ngay bên dưới một câu trạng thái hận đời đen bạc của ai đó.
Dân văn nghệ mới “vui”. Đại hội kiểm tra kỹ lưỡng, chặt chẽ hai ngày đầu tiên, phải có thẻ mới vào, cánh nhà báo miễn tiếp. Vậy mà, tin tức mỗi ngày tuồn ra tha hồ trên Phây. Từ chuyện một ông vào đại hội ngủ khò đến khi người ta phát hiện tưởng ông bị ngất, xúm lại, hóa ra không phải! Phái nữ thì như đại hội váy áo, ngày hai, ba bộ, tranh thủ chụp hình khoe trên Phây.
Rồi chuyện cãi nhau như chợ vỡ… Dân tình đọc, lại thêm phẫn nộ, Nhà nước cấp tiền vé máy bay, ăn, ở cho đi đến đại hội cũng là tiền thuế của dân, tưởng là thảo luận viết thế nào cho hay, nhân văn, hữu ích… chứ đâu tầm phào đến vậy!
Muốn tránh sân si, cương quyết đóng máy tính, điện thoại mà yên ư? Ngồi không, nghĩ ngợi lại đâm lo. Thằng con sao giờ này chưa về? Con gái sáng nay nói làm xong, rồi đi liên hoan với cơ quan, có thể thêm chầu karaoke, về khuya là chắc. Cũng trên Phây đó, một người nổi tiếng kể chuyện nửa khuya đi ăn bị giật giỏ phải nhập viện phẫu thuật. Không nghĩ thì thôi, càng nghĩ càng rối! Làm gì bây giờ đây?
Thôi thì “tam thập lục kế”, phải tập bình tĩnh và bình thản. Tập cho tâm sẽ như nước trong bằng cách thiền tại nhà. Một bài viết được dịch từ nguyên tác tiếng Anh Tibetan Meditation Instructions, nói về thiền Tây Tạng do Đức Đạt Lai Lạt Ma đời 14 viết cho ấn bản điện tử của Tricycle, một tạp chí Phật giáo tại Hoa Kỳ.
Theo bài báo, pháp thiền này là hãy để tâm vào trạng thái tự nhiên và hãy quan sát tâm này. Để chuẩn bị tập thiền, trước tiên hãy sửa soạn tư thế: xếp chân ở vị trí thoải mái nhất; xương sống thẳng như mũi tên. Đặt hai bàn tay vào thế quân bình. Nghiêng cổ xuống chút xíu, để miệng và răng như bình thường, với đầu lưỡi chạm vào vòm trên của miệng gần các răng phía trên.
Hướng mắt nhìn xuống thả lỏng. Không mở mắt quá lớn mà cũng đừng nhắm mắt, hãy để mắt mở hé chút xíu làm sao cho sự vật trước mắt không quấy rối bạn. Hãy cố gắng để tâm trong trạng thái tự nhiên một cách sinh động, không nghĩ gì về chuyện quá khứ hay về chuyện tính làm trong tương lai, không khởi lên bất kỳ một khái niệm nào.
Nếu chịu khó và kiên trì tập luyện, bạn sẽ có thể nhận ra hay được cảm nhận ý thức như một thực thể của ánh sáng thuần khiết. Hãy để tâm trôi chảy tự nhiên mà đừng phủ lên khái niệm hoặc một định kiến, một suy nghĩ nào. Hãy để tâm an nghỉ trong trạng thái tự nhiên và quan sát nó. Lúc đầu, khi bạn chưa quen với phương pháp này, việc tập luyện có thể gặp nhiều khó khăn. Nhưng dần dần tâm sẽ xuất hiện như nước trong.
Hãy tập pháp thiền này vào mỗi buổi sớm mai. Chọn một nơi im ắng, tĩnh lặng, thoáng đãng. Có thể là góc vườn, góc ban công, góc phòng gần cửa sổ… Vào sáng sớm, chỉ cần ngồi như thế, 10-15 phút hoặc nửa giờ. Tự khám phá tâm nội tại của mình, sức mạnh tiềm ẩn bên trong cơ thể và tự tìm cho mình một khoảng lặng trong tâm hồn, nhẹ nhõm và bình an.