Báo cáo “Việt Nam năm 2035 – Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” gồm bảy chương, nghiên cứu sâu về ba trụ cột phát triển với sáu chuyển đổi lớn để đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035, tuần qua được dư luận chú ý và cũng là đề tài thu hút nhiều chuyên gia mổ xẻ.
Buổi công bố báo cáo do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim chủ trì với sự tham dự của nhiều thành viên chính phủ, quan chức cao cấp của WB, các đại sứ, khách mời quốc tế, cho thấy “sức nặng” của tài liệu mà việc soạn thảo được cho là rất công phu.
Báo cáo gồm bảy chương nghiên cứu sâu về ba trụ cột phát triển với sáu chuyển đổi lớn, đề xuất nhiều kiến nghị quan trọng để đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035, cụ thể là hai mươi năm sau, thu nhập bình quân đầu người của chúng ta lên đến 7.000 USD, tương đương 18.000 USD nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), tức là bằng Malaysia năm 2010. WB đánh giá mục tiêu này là khả thi do thu nhập bình quân đầu người VN nay đã lên đến hơn 2.000 USD, bên cạnh đó là tốc độ tăng trưởng từ 1990-2014 đạt mức trung bình 6,9%.
Ba trụ cột được nghiên cứu là:
- Thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững môi trường với bốn nội dung (i) phải có mức tăng trưởng 8% ổn định liên tục trong 20 năm, mà con đường duy nhất là phải tăng năng suất lao động, (ii) tập trung cao độ phát triển doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, (iii) tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.
- Bình đẳng cho mọi người qua việc đặt trọng tâm vào việc cải cách thể chế mang lại cơ hội phát triển cho mọi người.
- Nâng cao trách nhiệm và giải trình của Nhà nước, chính phủ được tổ chức tốt với công chức thực tài và có kỷ luật, tạo không gian cho công dân tham gia vào quá trình quản trị Nhà nước.
Hợp tác với Ngân hàng Thế giới xây dựng một báo cáo phát triển có tầm nhìn 20 năm là rất cần thiết và nhiều nước từng làm, chẳng hạn như Malaysia vào năm 2000 hay Trung Quốc năm 2010, căn cứ trên những thông tin và số liệu sát với thực tế.
Về mặt này công tác thống kê của chúng ta với nhiều hạn chế và cách tính toán chủ quan đã gây hoài nghi về độ chính xác. Điều này giải thích tại sao nhiều ý kiến của chuyên viên cho rằng “Báo cáo Việt Nam 2035 – Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” do chuyên viên Ngân hàng Thế giới và Việt Nam thực hiện quá lạc quan, không đi sâu vào những trở lực khiến kinh tế chậm phát triển.
Báo cáo cũng nói đến sự cần thiết phải cải cách thể chế nhưng không cho thấy sự thay đổi theo quỹ đạo nào, cũng như đâu là sự vận hành của nền kinh tế thị trường thực thụ. Dẫn chứng từ số liệu dự báo cho thấy, nếu không mạnh dạn cải cách thể chế, thu nhập bình quân đầu người VN năm 2035 cũng khó vượt mức 4.500 USD.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, vốn thẳng thắn khi nhìn về sự phát triển đất nước, đã đưa ra một so sánh rất đáng buồn: Vào đầu thế kỷ XIX Việt Nam đã có vị thế rất đáng nể về dân số cũng như quy mô kinh tế lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại, gấp 1,5 lần so với Thái Lan. Thu nhập bình quân đầu người của chúng ta vào lúc ấy xấp xỉ mức trung bình của thế giới. Vậy mà đến nay GDP/đầu người của chúng ta chỉ 1/5 của thế giới, bằng 1/3 của Thái Lan và hơn 1/5 của Malaysia.
Tất nhiên chúng ta có thể lý giải vì lý do chiến tranh, nhưng đó không phải là tất cả bởi chúng ta đã sống 40 năm trong hòa bình và 30 năm đổi mới. Nếu không tiếp tục đổi mới hơn nữa chúng ta sẽ tụt hậu. Hiện chúng ta vẫn chưa vượt qua được những thách thức về năng suất, áp lực nợ công, tình hình tham nhũng tràn lan, bộ máy hành chính thiếu hiệu quả, nền kinh tế vẫn dựa vào nông nghiệp còn công nghiệp phát triển chậm. Như vậy liệu mục tiêu thịnh vượng 20 năm tới có đạt được không?
Bức tranh dầu khí trong năm 2016 dự báo nhiều gam màu xám khi diễn biến giá dầu thế giới liên tục giảm mà chưa có dấu hiệu phục hồi. Là một nước xuất khẩu dầu quy mô nhỏ nhưng giá dầu xuống đến mức 30 USD một thùng cũng tác động vào ngân sách của chúng ta. Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách qua đề tài “Tác động của diễn biến giá dầu tới ngân sách” cho thấy, nếu giá dầu giảm 1 USD thì thu ngân sách giảm khoảng 2.100 tỉ đồng.
Tuy tỷ trọng đóng góp của dầu thô vào ngân sách không cao, nhưng đây vẫn là nguồn thu quan trọng. Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy thu ngân sách từ dầu thô tính đến cuối năm 2015 đạt hơn 62 nghìn tỉ đồng, chiếm 7,1% nguồn thu ngân sách, chỉ bằng 67% so với mức dự toán đầu năm do giá dầu thô giảm mạnh. Theo dự toán ngân sách 2016, nguồn thu dầu thô sẽ giảm 7.900 tỉ đồng và chỉ chiếm 5,4% ngân sách. Diễn biến bất lợi của thị trường dầu thô đang tạo ra những áp lực lớn trên mục tiêu giữ mức thâm hụt ngân sách dưới 5% GDP. So với mức giá dự toán 60 USD/thùng cho năm 2016, nếu giá xuống đến 40 USD/thùng, ngân sách sẽ bị suy giảm 40.000 tỉ đồng. Nếu giá dầu đứng quanh quẩn mức hiện tại 32 USD/thùng trong năm nay thì ngân sách giảm 60.000 tỉ đồng.Trong trường hợp xấu nhất giá dầu xuống mức 20 USD, ngân sách có thể giảm gần 85.000 tỉ đồng.
Hiện ngành dầu khí đang thắt lưng buộc bụng tìm cách giảm khó khăn, nhiều doanh nghiệp của ngành cắt giảm nhân sự, riêng Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro đã giảm 400 biên chế.
Trong khi đó hình ảnh được công bố trên diễn đàn Dầu khí Việt Nam cho thấy ba dàn khoan tự nâng của Công ty Khoan và dịch vụ khoan dầu khí đang nằm phơi nắng, chỉ có một dàn khoan đang hoạt động.
Gia Minh (DNSGCT)