Năng lượng của trẻ em dường như vô tận khiến cha mẹ chúng mệt muốn đứt hơi để quan sát, chăm nom chúng. Các nhà khoa học đã chứng minh sức chịu đựng của trẻ em tương đương với sức dẻo dai của các vận động viên thường xuyên tập luyện, và thậm chí trẻ em có thể hồi phục sức còn nhanh hơn các vận động viên.
Mọi người đều biết rằng trẻ em chạy nhảy, đùa giỡn suốt ngày mà hầu như không nghỉ ngơi. Sức dẻo dai của trẻ đã làm kiệt sức hầu hết phụ huynh và thầy cô giáo dạy thể dục.
Đã từ lâu, sức chịu đựng của trẻ em là đề tài tranh luận của các khoa học gia: sức dẻo dai của trẻ em liên quan đến thể chất của trẻ hay có nguyên nhân nào khác?
Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Clermont Auvergne của Pháp và Trường Đại học Edith Cowan của Úc vừa công bố kết quả một nghiên cứu được thực hiện gần đây.
Theo đó, họ đã kiểm tra sự mệt mỏi và hồi phục sức ở trẻ em và người lớn trong bài tập đạp xe tốc độ cao.
Nghiên cứu cho thấy trẻ em không chỉ đạt được “thành tích” tốt hơn hầu hết người lớn mà còn có thể tranh đua với những vận động viên dai sức và trẻ em cũng hồi phục sức nhanh hơn.
Cơ bắp trẻ em khác với người lớn
Một số thí nghiệm ghi nhận cơ bắp của trẻ em mệt mỏi chậm hơn người lớn. Kết quả này dường như thách cthức tính lôgic của khoa học.
Trẻ em có đôi chân nhỏ hơn người lớn và do đó, khi vận động, chúng phải thực hiện nhiều động tác hơn. Cho nên, về lý thuyết, trẻ em tiêu hao nhiều calo hơn.
- Xem thêm: Nên cho trẻ chơi thể thao đồng đội
Trẻ em cũng không có quy trình tối ưu về dự trữ và phục hồi năng lượng của hệ dây chằng, gân. Nói cách khác, hệ dây chằng của chúng dự trữ ít năng lượng có khả năng tái sử dụng trong các pha chạm, nẩy trên mặt đất.
Cuối cùng, vì thiếu kinh nghiệm, chúng thường vận động cơ bắp theo hướng ngược lại với động tác. Kết quả là chúng tiêu hao nhiều năng lượng hơn. Vậy thì tại sao trẻ em lại dai sức hơn?
Ứng lực hiếu khí và kỵ khí
Sức bền đáng chú ý này được giải thích một phần bằng cách sử dụng các con đường trao đổi chất khác nhau.
Các ứng lực kỵ khí sản xuất ra nhiều năng lượng trong thời gian ngắn nhưng lại làm cho cơ bắp mệt mỏi nhanh hơn. Những vận động viên chạy nước rút sử dụng cách này để tăng tốc trong khoảng cách ngắn.
Ứng lực hiếu khí (aérobic) tạo ra ít năng lượng trong thời gia ngắn, nhưng cho phép vận động lâu hơn, như trong cuộc đua marathon. Khoa học đã chứng minh trẻ em sử dụng nhiều năng lượng hiếu khí hơn người lớn.
Điều này làm giảm một phần sự kỵ khí tạo ra mệt mỏi. Sự chuyển hóa hiếu khí của trẻ cũng kích hoạt nhanh hơn so với người lớn, vì vậy chúng sử dụng ít ứng lực kị khí vào gia đoạn đầu vận động.
Lợi thế này có được một phần là do trẻ em có tỷ lệ cao sợi cơ co duỗi chậm, giúp đề kháng với sự mệt mỏi cơ bắp, và có hoạt tính enzym tạo ra nhiều năng lượng hiếu khí hơn.
Những khám phá này đã khuyến khích các khoa học gia kiểm tra xem liệu cơ bắp của trẻ em có cách phản ứng với nỗ lực giống như các vận động viên tập luyện sức bền có những đặc điểm sinh lý tương tự.
Mọi thứ đã được sắp đặt sẵn
Các khoa học gia đã thử nghiệm giả thuyết này trong một thí nghiệm được tiến hành tại Trường Đại học Clermont Auvergne.
Các trẻ em, tuổi trung bình 10,5, thanh niên tuổi trung bình 21, 2 có cùng mức độ thể chất như trẻ em, và những động viên nam dẻo dai có thể chất và tuổi trung bình tương đương là 21,5, đã thực hiên 2 bài tập trên xe đạp tại chỗ.
Trong bài tập đầu tiên, cường độ được dần tăng lên cho đến khi kiệt sức để đo công suất hiếu khí tối đa của các đối tượng.
Trong bài tập thứ 2, các vận động viên nước rút, tình nguyện, đạp xe trong 30 giây. Các nhà khoa học đo được một số chỉ số sinh lý trong quá trình thực hiện bài tập, đánh giá mức độ mệt mỏi và hồi phục sau đó.
Các nhà khoa học ghi nhận trong thời gian vận động cường độ cao, trẻ em có khả năng chống lại mệt mỏi ngang với vận động viên bền sức, tiêu hao sức lực khoảng 40% và ít mệt mỏi hơn người lớn không luyện tập, tiêu hao sức lực khoảng 50%.
Kết quả cũng cho thấy phần năng lượng do ứng lực hiếu khí tạo ra trong thời gian chạy nước rút nơi trẻ em là tương đương với những vận động viên, và cao hơn so với người lớn không tập luyện.
Kết quả trên cũng cho thấy mức độ mệt mỏi do thực hiện nỗ lực lớn nơi trẻ em và nơi các động viên sức bền là tương đương nhau mà nguyên nhân có lẽ là do ứng lực hiếu khí sản xuất một lượng năng lượng đáng kể.
Các dữ liệu ghi nhận được trong giai đoạn phục hồi cũng đưa ra nhiều kết luận đáng ngạc nhiên. Tốc độ giảm tiêu thụ oxy sau khi tập luyện nơi trẻ em và vận động viên cũng tương đương nhau.
Những chỉ số thể hiện đặc tính phục hồi nhịp tim và loại bỏ lactate trong máu, một phân tử liên quan đến sự mệt mỏi cơ bắp, cũng nhanh như nhau nơi 2 nhóm và thậm chí còn nhanh hơn so với nhóm người lớn không luyện tập.
Các kết quả trên chứng minh rằng cơ bắp trẻ em phục hồi nhanh hơn sau những nỗ lực cật lực. Kết quả này đồng thời lý giải tại sao trẻ em có thể thực hiện lặp đi lặp lại các động tác trong khi những nổ lực như thế dễ làm cho người lớn liệt sức.
Cơ bắp trẻ em hoạt động như thế nào?
Những dữ liệu trên là một hướng dẫn về cách tối ưu hóa trong vận động và chuẩn bị thể chất cho trẻ em. Trẻ em ít mệt mỏi hơn người lớn khi thực hiện các nỗ lực mạnh mẽ và lặp đi lặp lại.
Vì vậy, trước tuổi dậy thì, không cần thiết tập luyện khả năng chịu đựng hiếu khí. Thay vào đó nên rèn luyện để phát triển tốc độ, và đặc biệt chú ý đến rèn luyện kỷ năng vận động và củng cố cơ bắp.
Người lớn và thiếu niên nên chú trọng hơn vào việc cải thiện khả năng hiếu khí của cơ bắp bị sụt giảm ở tuổi dậy thì. Điều này có thể có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe.
Sự phổ biến của các bệnh về chuyển hóa bao gồm bệnh tiểu đường và nhiều dạng ung thư đang gia tăng ở thiếu niên và thanh niên trẻ, nhưng lại còn khá hiếm hoi nơi trẻ em.
Sự mất khả năng hiếu khí của cơ bắp giữa thời thơ ấu và giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành là bước rất quan trọng trong sự phát triển sinh học làm cho các bệnh về chuyển hóa xuất hiện.
Do đó, sẽ rất thú vị khi nghiên cứu mối liên hệ giữa sự phát triển sinh học và sự phổ biến của các bệnh về chuyển hóa và kiểm chứng xem liệu sự ổn định khả năng hiếu khí của cơ bắp thông qua các bài tập thích hợp trong thời thiếu niên sẽ không phải là cách ngăn ngừa tốt nhất các bệnh về chuyển hóa.