Có đến đây mới thấy nhu cầu tiếp cận văn hóa đọc của người nghèo cũng rất lớn. Với những người cả đời không dám mơ đến một cuốn sách mới, một cuốn sách cũ cũng mang lại cho họ niềm vui và những điều bổ ích thiết thực.
Những đắn đo khi chọn sách
Nằm trong chuỗi quán cơm xã hội của quỹ Từ thiện Tình thương TP. Hồ Chí Minh do một nhóm doanh nhân, trí thức chung tay lập ra, Nụ Cười 3 ở địa chỉ 298A Huỳnh Tấn Phát (phường Tân Thuận Tây, quận 7) đã mở cửa từ ngày 7-5 đến nay. Khách đến với quán tăng từng ngày, từ 120 người buổi đầu nay đã lên đến 350 người. Không chỉ bán cơm, quán Nụ Cười 3 còn có một quầy sách đồng giá 2.000 đồng/cuốn với 550 đầu sách, một sạp báo đọc tại chỗ. Đây là sách của nhiều nhà hảo tâm, trong đó có nhà sách Trí Việt, Công ty Văn hóa Phương Nam, Nhà xuất bản Giáo dục góp tặng với đủ mọi thể loại và hầu hết đều còn mới, đẹp.
Cô Ngọc Anh, người phụ trách quầy sách cho biết sau hơn một tuần khai trương, ngày ít nhất quán bán được hơn 100 cuốn sách, ngày nhiều nhất bán được 160 cuốn. Bán “chạy” nhất là sách thiếu nhi rồi đến truyện, thơ, tạp chí, cuối cùng là sách giáo khoa. Lượng sách quyên góp được có hạn nên mỗi người một lần đến ăn cơm chỉ được mua một cuốn. Vì thế mà những độc giả lao động cân nhắc khá kỹ trước khi mua. Trong suốt giờ cơm trưa, quầy sách luôn bị vây kín bởi các đối tượng độc giả từ độ tuổi chưa đi học cho đến các cụ già tóc bạc, lưng còng.
Người đọc đứng chọn sách
Chị Đào quê ở Thanh Hóa vào Sài Gòn bán vé số đứng rất lâu trước quầy sách. Người phụ nữ khoảng gần 40 tuổi này đọc say mê cuốn sách viết về nữ thanh niên xung phong. Cuốn sách dày hơn 500 trang, khổ lớn còn mới tinh và in rất đẹp. Một lát, chị chép miệng: “Quyển này hay quá!” rồi tần ngần đặt sách về chỗ cũ. Chị sang quầy sách thiếu nhi và chọn một cuốn truyện tranh mỏng. Bạn sinh viên trông coi quầy hỏi chị Đào: “Sao chị không lấy cuốn vừa nãy. Cuốn đó chỉ có một bản thôi, chị không lấy tí nữa coi chừng có người khác lấy. Còn truyện tranh thì đang nhiều, bữa sau chị vô ăn cơm vẫn còn mà!”. Chị Đào trả lời: “Thôi, mình lấy truyện tranh cho con trước. Con mình mới ba tuổi, hôm trước đem quyển truyện tranh về, nó thích lắm!”.
Đang làm phụ hồ cho một công trình ở quận 7, anh Tân quê ở Thái Bình cứ đắn đo giữa cuốn sách về kỹ thuật xây dựng căn bản và sách về quản lý đấu thầu. Sau khoảng mười lăm phút cân nhắc, anh trả lại cả hai quyển và chọn một quyển sách về cách phòng chống bệnh tật. Làm nghề đánh giày, giữa trưa nắng gay gắt, Long vẫn đi chân không vào quán. Cậu thiếu niên chừng 15, 16 tuổi có vẻ ngoài rất bất cần này khiến nhiều người ngạc nhiên vì sau một hồi chọn lựa, Long trả tiền rồi dứt khoát cầm lấy quyển Thơ tình trong ngăn cặp đút vào túi quần.
Sách – nhu cầu thiết thực của người nghèo
Trong khi các cụ ông ưa thích sách về lịch sử, danh nhân thì nhiều bà, nhiều cô lại mua tạp chí Văn hóa Phật giáo bởi nội dung nhẹ nhàng, gần gũi. Các bạn sinh viên thì thường chọn cho mình thể loại sách Hạt giống tâm hồn, sách của học giả Nguyễn Hiến Lê, sách kinh doanh… Những tạp chí phụ nữ – thời trang bóng bẩy, dày dặn được nhiều người cầm lên xem nhưng lại ít được mua đem về nhà. Dường như độc giả lao động có xu hướng chỉ mua những gì thiết thực nhất, ngay cả với những quyển sách đồng giá 2.000 đồng. Sau khi xem lướt qua loạt sách văn học, giải trí, Luân và Hà, hai bạn sinh viên từ Quảng Ngãi quyết định chọn một quyển về sức khỏe của bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng. Hà giải thích: “Đến bây giờ em mới được đọc một cuốn sách viết về cơ thể và sức khỏe con người vừa hấp dẫn, vừa dễ hiểu như vậy! Em đọc để biết cách bảo vệ sức khỏe của mình, rồi mấy bữa nữa nghỉ hè sẽ về nói lại với cha mẹở quê”.
Một gia đình đến tặng sách cho quán cơm Nụ Cười 3
Ngoài các em thiếu nhi đứng hàng giờ không chán bên dãy truyện tranh, sinh viên là đối tượng nhiệt tình thứ nhì của quầy sách. Có bạn mua được cuốn sách hay và muốn chia sẻ cho những người khác đã nảy ra sáng kiến: “Đọc xong rồi, em đem tới đây bán lại cho ai đang cần cũng với giá hai ngàn có được không?”. Tất nhiên ý tưởng chia sẻ này được nhóm điều hành quán cơm Nụ Cười rất hoan nghênh. Bên cạnh đó, quầy sách cùng quán cơm khai trương vào lúc năm học sắp kết thúc, nhiều người đến đây ăn xong lại ra quầy xem thật kỹ với hy vọng tìm được vài quyển sách giáo khoa cho năm học mới của con mình. Nhu cầu đó cũng được nhóm điều hành ghi nhớ để trao đổi với các mạnh thường quân có nhã ý tặng sách.
Bắt gặp ánh mắt chăm chú của người dân lao động trước tủ sách đủ loại cùng sự cân nhắc kỹ lưỡng của họ khi chọn một quyển sách mới thấy mong muốn được đọc của nhiều người nghèo thật mãnh liệt. Tuy nhiên, những quyển sách mới tinh với giá năm, bảy chục ngàn đồng – bằng cả ngày chắt chiu kiếm tiền luôn ở ngoài tầm với của họ. Vì thế, tấm lòng của những người cho sách lại càng đáng quý.
Với người này, sách nhiều khi chỉ là một tập giấy nằm im trên kệ, nhưng với những người khác, đó là cả niềm vui sướng của con nhỏ, là bài học sức khỏe quan trọng cho cha mẹở nhà. Trong hoàn cảnh những người thu nhập cả ngày không đủ để mua một quyển sách mới, một quyển sách cũ có khi mang lại cho họ niềm vui tinh thần và những hiểu biết thiết thực mà trước đây họ chưa bao giờ biết tới.
Cẩm Tú