Quan niệm về sự thành công vượt trội của tài năng trong đời, rất hiếm người có những suy nghĩ tương đồng. Đa phần nhân loại ở cõi nhân gian đều cho rằng người có năng khiếu hay thiên tài đều phải do trời phú cho. Hoặc được sinh may mắn ra trong một hoàn cảnh thuận lợi có đầy đủ vật chất như những kẻ giàu sang.
Nhưng cũng có thể coi là nghịch lý khi có người đã tìm thấy chính nỗi đắng cay nghiệt ngã trong đời người đã khai sinh ra những kẻ tài hoa xuất chúng. Triết gia Đức Nietzsche (1879-1888) đã nói: “Những cây cao nhất, mạnh nhất thường mọc nơi đất đá khô cằn”. Như vậy, ta có thể nói chính nỗi đau thương nghiệt ngã, cái nghịch cảnh oái oăm bi thảm trong đời lại có thể là mảnh đất màu mỡ cho những danh mộc tài hoa trong đại ngàn trí tuệ ưu việt của con người.
Nếu quan tâm đến lịch sử nhân loại, ngay từ thời cổ đại, không ai có thể phủ nhận được một chân lý dưới ánh sáng mặt trời. Hầu hết, những thành tựu vĩ đại của bậc tài hoa xuất chúng về văn hóa nghệ thuật, về công nghệ khoa học… đều được nảy mầm từ mảnh đất khô cằn rất khó tồn tại một sự sống cho bất cứ loài sinh vật nào.
Hàn Mặc Tử (1912-1940), một huyền thoại thi ca mà cuộc đời từng ảnh hưởng đến ca nhạc, sân khấu. Nếu không phải bị đắm mình trong ác bệnh đau thương thì chưa chắc nhà thơ phong tài hoa này đã sở hữu được những vần thơ tuyệt bút để lại cho hậu thế. Theo nhà thơ Quách Tấn, con trai bị bắt ngậm dị vật trong miệng mới có được hạt ngọc quý giá cho đời. Theo học giả, nhà văn Nguyễn Hiến Lê, những vua dầu hỏa, vua xe hơi Ford, Chevrolet… cũng từng xuất thân từ những đứa bé nghèo đi bán báo dạo nơi đầu đường cuối chợ hoặc đi lượm tàn thuốc lá ở bãi rác hôi tanh dơ dáy…
Hellen Keller (1880-1968), sống cay đắng nghiệt ngã khiếm thính, khiếm thị và không diễn tả được bằng ngôn ngữ bình thường… nhưng về sau đã đỗ Cử nhân Nghệ thuật trở thành nhà văn, diễn giả, nhà họạt động xã hội người Mỹ. Bà Hellen Keller được xếp vào danh sách 100 nhân vật tiêu biểu của thế kỷ 20. Cũng không kém độc đáo với anh chàng Úc Nick Vujicic (sinh năm 1982), gốc người Serbia. Nick mở mắt chào đời bẩm sinh không có tứ chi vì bị hội chứng tetra amelia. Cha mẹ anh vẫn không bỏ con, Nick vươn lên từ vũng bùn cuộc đời đau thương học tập, tốt nghiệp đại học, trở thành nhà diễn thuyết nổi tiếng về đề tài: “Làm chủ cuộc sống” sau khi tham gia vào phong trào “Cuộc sống không có tay chân” (Life without limbs) đã từng gây sóng gió ở giới trẻ sinh viên học sinh Việt Nam cách nay không bao lâu.
- Xem thêm: Cách nhìn mới về tài năng
Nhà thơ nổi tiếng người Anh John Milton (1608-1674), làm thơ trong hoàn cảnh đôi mắt đã không còn trông thấy… Nhà văn lớn nước Pháp Voltaire (1694-1778) sáng tác trên giường bệnh. NSND Phùng Há (1911-2009), từng đi làm phu ở lò gạch. NSND Ngọc Giàu khi chưa nổi tiếng còn đói nghèo đã phải ăn thức ăn thừa của bạn để vững lòng tiến bước trên con đường nghệ thuật. Nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966) từng sống trong hoàn cảnh nghèo túng cùng nhà thơ Kiên Giang (1929-2014) trong thời gian ở Rạch Giá tạo ra một giai thoại thú vị trong làng thơ.
Nhà bác học vĩ đại Mỹ Thomas Edison (1876-1935) từng bị thầy giáo ở trường học từ chối không nhận dạy phải về nhà tự học với sự hướng dẫn của mẹ. Edison là nhà khoa học vĩ đại, chủ nhân của vô số công trình phát minh vẫn nhận niềm vui sau nhiều nghìn lần thất bại mà ông không bao giờ coi đó là núi đau thương chồng chất.
Hai cha con nhà văn Pháp Alexandre Dumas với bộ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng Ba chàng lính ngự lâm (Les trois mousquetaires) há chẳng từng sống một cuộc đời khổ ải gian nan trước khi vang danh trên văn đàn thế giới.
Ta có thể coi đau thương là mảnh đất màu mỡ cho những cây tài hoa đâm chồi nảy lộc, tỏa ngát hương thơm. Corneille trong vở kịch thơ nổi tiếng “Le Cid” đã nói: “Chiến thắng không nguy hiểm là chiến thắng không vẻ vang”. Còn nữa, Bác Hồ viết “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù) khi tác giả bị bọn Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Trung Quốc (1942-1943); cụ Phan Bội Châu viết “Ngục Trung Thư” (1913) ở nhà tù Quảng Châu, Trung Quốc…
Đôi khi trong nụ cười hạnh phúc có nước mắt và giọng than khóc kêu thương có lúc đã biến thành tiếng ca vui như nhà thơ Alfred de Musset (1810-1857) trong bài thơ “Cái chết của con chim bồ nông” (La mort du pélican) trải nghiệm thốt lên: “Tiếng hát đau thương nhất là tiếng hát hay nhất”. Hơn thế nữa, nỗi đau khổ không chỉ hóa thân thành lạc thú mà còn trở thành phương châm triết lý soi đường hành động cho con người bất hạnh ở cõi ta bà thế giới này.
Nhiều người đã coi sự đau khổ, truân chuyên trong đời có khi lại trở thành một đặc ân Tạo hóa ban cho, giúp con người có nghị lực bất biến quen dần với thử thách gian lao, từ đó hướng con người vươn lên xa hơn, bay cao hơn trong cuộc đời. Như biết cảm ơn sự đau khổ đó, nhà thơ Lưu Trọng Lư (1912-1991) đã sâu sắc ví von gọi nó là thú đau thương: Hãy lịm người trong thú đau thương.
Vì thế, không phải ai cũng muốn, nhưng khi trong đời, ta trót nhỡ sinh ra ở một nghịch cảnh ghê gớm thê lương thì hãy cứ chấp nhận nó vì không thể làm gì khác hơn. Rồi với một ý chí kiên cường sắt đá, dần dà cứ tìm cách khắc phục để biến chất xúc tác được coi là không tốt ấy trở thành thuận lợi làm năng lượng hạt nhân thúc đẩy mình đến tương lai rạng rỡ trong đời mình.
- Xem thêm: Thói tinh ranh đường phố