Hiện tượng cá biển chết hàng loạt vùng ven biển miền Trung trải dài hàng trăm cây số, từ Hà Tĩnh cho đến Thừa Thiên – Huế, là một tai họa lớn không chỉ cho ngư dân mà còn ảnh hưởng lâu dài đến các hoạt động khác như du lịch, bảo vệ môi trường và đầu tư.
Sự việc xảy ra đầu tiên ở Hà Tĩnh khi người dân phát hiện cá chết hàng loạt, và sau đó tình trạng này xảy ra ở Quảng Bình, Quảng Trị và nay đã đến Thừa Thiên – Huế.
Ngay sau khi phát hiện cá chết, một số ngư dân lặn biển trình báo về việc họ nhìn thấy một hệ thống ống ngầm lớn nối từ dự án của Formosa ra biển. Theo mô tả của ngư dân, ống dài khoảng 1,5km, đường kính hơn một mét được chôn nông dưới đáy biển, phủ phía trên là lớp đá hộc cùng bao tải cát. Nước trong ống phun ra rất mạnh, có màu vàng đục, mùi hôi thối khó thở.
Một lãnh đạo cao cấp của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xác nhận những ống cống chôn dưới lòng biển là một phần của hệ thống kênh xả thải thuộc dự án Formosa được xây từ tháng 12-2012.
Đặc biệt quan tâm đến tình hình này, Chính phủ vừa có chỉ đạo các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương khẩn trương làm rõ nguyên nhân hải sản chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung và nghi vấn xả thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Hai Phó thủ tướng đã vào cuộc. Cụ thể, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân cá chết, thống kê thiệt hại, hỗ trợ khôi phục sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao Bộ này phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ các thông tin báo chí phản ánh, nếu đúng thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, khẩn trương báo cáo Chính phủ.
Trong chiều 22-4, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra tại Formosa Hà Tĩnh để kiểm tra thực tế tại các khu vực sản xuất, xử lý chất thải và làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp này.
Formosa là một tập đoàn đa ngành của Đài Loan, hoạt động trong các lĩnh vực như nhựa, lọc hóa dầu, hóa chất, điện… Khu liên hợp Formosa Hà Tĩnh là một trong nhiều dự án được tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam, với khoảng 95% cổ phần thuộc về các công ty thành viên của Formosa.
Để đảm bảo vấn đề an toàn đối với sức khỏe người dân liên quan đến việc cá chết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện một số biện pháp như thông báo không sử dụng cá chết để chế biến thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi; triển khai các biện pháp quản lý, kiểm soát, xử lý đúng quy cách, không để xảy ra tình trạng đưa cá chết ra tiêu thụ, buôn bán làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, nắm bắt tình hình và báo cáo kịp thời các diễn biến mới về Bộ Tài nguyên và Môi trường để có biện pháp xử lý.
Mới đây, ngày 25-4, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình VTC14 về hệ thống kênh xả thải ra biển của doanh nghiệp, giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nói đại ý rằng đôi khi chúng ta phải lựa chọn, không thể vừa có nhà máy thép vừa có nhiều tôm cá. Ngay lập tức, phần trả lời này đã gây bức xúc trong dư luận.
Trong khi đó, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng trọng điểm lương thực của nước ta, vẫn đang và sẽ còn tiếp tục đối mặt với rất nhiều thách thức, bao gồm ở cả ba cấp độ toàn cầu, khu vực và tại vùng, trong đó có việc khai thác nguồn nước sông Mekong.
Nhận định này được Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, chuyên gia cao cấp của Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia, đưa ra tại hội thảo “Sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong” được tổ chức ở thành phố Cần Thơ hai ngày cuối tuần qua. Theo ông Trân, việc khai thác tài nguyên nước ở thượng nguồn sông Mekong phục vụ cho các công trình thủy điện đã khiến ĐBSCL đối mặt với nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn ngày càng gia tăng.
Thực tế, thông tin từ Ủy hội sông Mekong (MRC) cho thấy, với sáu đập thủy điện của Trung Quốc cộng 11 đập ở hạ lưu vực và 30 đập khác trên các chi lưu, nếu được xây dựng tất cả sẽ tích lại một lượng nước của sông Mekong vào năm 2030 lên đến 65,5 tỉ m³, trong khi đó, nhu cầu về nước ở hạ lưu vào năm 2030 tăng 50% so với năm 2000.
Ngoài ra, các đập thủy điện sẽ giữ lại trầm tích trong hồ, gây nên thâm hụt trong cán cân trầm tích ở ĐBSCL, làm thay đổi địa mạo lòng sông và cửa biển.
Riêng đối với thách thức tại địa bàn, theo ông Trân, ngoài việc mất rừng ngập mặn và rừng tràm, thì việc khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu cũng khiến sự phát triển của ĐBSCL bị đe dọa. Thách thức tại địa bàn còn là phát triển nông nghiệp thiên về chiều rộng hơn chiều sâu; thiên về số lượng hơn chất lượng dẫn đến lãng phí tài nguyên, nhất là tài nguyên đất và nước.
Đã đến lúc sáu nước trong lưu vực phải xây dựng một cơ chế sử dụng nguồn nước, trong đó quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm. Các bộ, Ủy ban sông Mekong quốc gia cùng các nhà khoa học cần phát hiện, theo dõi và đánh giá tác động của các dự án khai thác nguồn nước ở thượng nguồn khi vừa manh nha.
Hội thảo trên đây diễn ra một tháng sau khi sáu nước khu vực sông Mekong gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam gặp nhau tại thành phố Tam Á (Hải Nam – Trung Quốc) nhằm tìm hướng hợp tác sử dụng nguồn nước trên dòng sông này. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh một cuộc tranh chấp về nhu cầu an ninh nước, phát triển thủy điện, thủy nông, thủy lâm để bảo vệ sinh thái. Thỏa thuận Lan Thương – Mekong được ký trong dịp này, mà theo một số chuyên gia, có vẻ như không thuận lợi bao nhiêu cho các nước nhỏ ở hạ nguồn.
Gia Minh (DNSGCT)