Bệnh tâm thể là khái niệm có từ thế kỷ XIX, dùng để chỉ những vấn đề về tinh thần có thể dẫn đến một số bệnh của cơ thể. Ngày nay, tiến bộ của y học đã khẳng định rằng bệnh tâm thể sẽ góp phần làm phát sinh hoặc làm nghiêm trọng thêm các bệnh lý thực thể.
Tuy nhiên, không nhiều người trong chúng ta quan tâm đúng mức đến bệnh tâm thể và không đến phòng khám về tâm thần cho đến khi bệnh nặng. Buổi trò chuyện cùng TS-BS Ngô Tích Linh, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Trưởng phòng khám Tâm thể, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của bệnh tâm thể và cách thức phòng bệnh. BS Ngô Tích Linh cho biết:
Khi cơ thể có các triệu chứng đau bụng, đau ngực… chúng ta thường liên tưởng ngay đến các vấn đề về tiêu hóa, tim mạch… Nhưng trong rất nhiều trường hợp, nguyên nhân gây bệnh lại từ yếu tố tâm lý, hay còn gọi là bệnh tâm thể. Chẳng hạn như hiện tượng viêm loét dạ dày sẽ rất khó điều trị nếu các vấn đề về tinh thần không được giải quyết.
Có thông tin mới đây cho rằng bệnh tâm thể có thể gây ra đến 70% bệnh lý có triệu chứng cơ thể. Con số này hẳn là một cảnh báo rằng chúng ta nên quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần…
Bệnh tâm thể đúng là có thể tác động trên một tỷ lệ lớn bệnh lý thực thể nhưng các vấn đề này đặc biệt là ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức và đôi khi ở dưới dạng bệnh lý không rõ nguyên nhân. Khi tinh thần suy sụp, khủng hoảng kéo dài, cơ thể sẽ tiết ra các loại hormone làm giảm sức đề kháng, kéo theo nhiều các rối loạn trầm trọng về tiêu hóa, tuần hoàn, nội tiết…
Ngoài ra, vấn đề về tâm lý, tâm thần cũng làm chúng ta ăn không ngon, ngủ không yên, nhiều lúc còn dẫn đến việc lạm dụng thuốc lá, rượu bia như một cách để quên nỗi buồn, càng làm hại sức khỏe chúng ta.
Trong nhịp sống hiện đại, chúng ta rất khó tránh stress và áp lực trong công việc lẫn cuộc sống, liệu có tránh được bệnh tâm thể hay không?
Thật may, cơ thể chúng ta luôn có cơ chế tự điều chỉnh rất hữu hiệu. Bệnh tâm thể chỉ xuất hiện khi vấn đề tâm thần quá mức và kéo dài. Còn thông thường, stress và áp lực tâm lý buộc cơ thể phải thích nghi bằng cách huy động tất cả các nguồn dự trữ để thiết lập một sự cân bằng mới, chẳng hạn như sự tăng tiết adrenaline sẽ làm tăng trí nhớ và kích thích tư duy. Vì vậy, chúng ta không những không cần tránh stress mà còn cần đối mặt với stress vì đó chính là động lực để phát triển bản thân.
Nhiều người trẻ tuổi tìm đến phòng khám tâm thể và than thở rằng công việc và cuộc sống của họ nhiều áp lực quá. Liệu chúng ta có thể từ bỏ cuộc sống hay dứt bỏ công việc một cách dễ dàng? Cuộc sống là chuỗi áp lực và stress, vượt qua là cách chúng ta tích lũy kinh nghiệm và hoàn thiện mình. Vì vậy, việc khuyên bệnh nhân bỏ việc hay cố quên đi sự thật đang diễn ra là điều không khả thi khi việc từ bỏ công việc đồng nghĩa với quá nhàn rỗi và do đó rất khó kiểm soát các suy nghĩ tự động.
Việc giúp bệnh nhân nhận ra các phương thức đối phó, tìm hướng tích cực và cố gắng vượt qua tỏ ra có hiệu quả hơn nhiều. Chỉ khi bệnh nhân bị stress quá mức, không tìm được lối thoát hay bị hội chứng suy kiệt (burn-out) thì mới cần được điều trị bằng thuốc.
Nếu không cần tránh các áp lực mỗi ngày thì chúng ta phòng bệnh tâm thể như thế nào, thưa bác sĩ?
Phòng bệnh tâm thể chủ yếu bằng cách tư duy tích cực, nhìn nhận sự việc một cách lạc quan. Chẳng hạn trong trường hợp một người nhân viên quên không chào cấp trên, người sếp tư duy tiêu cực sẽ nghĩ ngay rằng người nhân viên không thích mình, còn người sếp tư duy tích cực sẽ nghĩ rằng có lẽ nhân viên kia đang mải nghĩ về việc gia đình của anh ta nên không thấy sếp.
Nếu trong đầu óc thường xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực thì chúng ta khó tránh cái nhìn bi quan về cuộc sống và ngược lại, thường xuyên suy nghĩ tích cực sẽ giúp chúng ta lạc quan hơn.
Thông thường thì những suy nghĩ tiêu cực biểu hiện ra sao?
Những người tư duy tiêu cực thường hay phóng đại những khía cạnh tiêu cực của một tình huống hoặc chỉ nghĩ về những điều kém may mắn mà mình gặp phải. Họ thường thảm hại hóa mọi vấn đề, luôn dự đoán điều tồi tệ nhất. Đến khi thất bại xảy đến, người bi quan sẽ tự đổ lỗi cho bản thân là bất tài, vô dụng…
Những nghiên cứu về y học cho thấy suy nghĩ tích cực có thể giúp tăng chất lượng cuộc sống, giảm thiểu trầm uất, cải thiện về mặt tâm lý và thể chất, giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch… Còn tư duy tiêu cực thường dẫn đến những hành vi tiêu cực. Không ít người có tư duy tiêu cực, hậu quả là họ thường khắt khe, kiểm soát nhân viên quá mức, hay ôm đồm công việc và không tin tưởng nhân viên và hậu quả là quá tải trong công việc.
Nhiều người cảm thấy mình gần như cạn kiệt năng lượng vì đối mặt quá nhiều khó khăn trong cuộc sống mỗi ngày, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn…
Các giai đoạn mệt mỏi, lo âu ai cũng phải trải qua còn đến mức cạn kiệt năng lượng thì không mấy người gặp phải. Mỗi chúng ta có nguồn lực tự thân rất lớn, vấn đề là cần có cách khơi dậy nguồn năng lượng đó. Nếu bản thân chúng ta cảm thấy mệt mỏi, chất lượng cuộc sống bị suy giảm thì nên nhờ sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Một thói quen của người có tư duy tiêu cực là thường xâu chuỗi các sự kiện xấu và than rằng mình xui xẻo, nhưng vấn đề là họ chỉ tập trung vào điều thiếu sót mà quên đi những điều may mắn mà mình có được. Nếu một doanh nhân gặp thất bại, anh ta nên ngồi lại, liệt kê những người có thể giúp về tài chính, động viên về tinh thần… Hẳn anh ta sẽ thấy rằng quanh mình còn rất nhiều người luôn quan tâm và sẵn sàng giúp anh.
Với người có tư duy tiêu cực thì khó thay đổi suy nghĩ và cách nhìn nhận cuộc sống một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, để tránh bệnh tâm thể, chúng ta nên tạo thói quen suy nghĩ tích cực hơn mỗi ngày.
Xin bác sĩ hướng dẫn thêm về cách tạo thói quen suy nghĩ tích cực?
Trước hết, chúng ta cần thực hành suy nghĩ tích cực hằng ngày, nhận ra những điều mình đang có, bớt đổ lỗi cho bản thân và hạn chế phê bình những người xung quanh. Thêm vào đó, cùng chia sẻ tâm trạng và kinh nghiệm tích cực của mình với những người xung quanh là cách để cùng tận hưởng niềm vui và giúp gia tăng tình cảm trong các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp.
Luôn chủ động tạo cho mình một lối sống lành mạnh mỗi ngày. Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh để tạo năng lượng cho tâm trí và cơ thể, tránh xa thuốc lá và thói quen rượu chè quá mức. Tập thể dục ít nhất ba lần mỗi tuần sẽ tác động tích cực đến tâm trạng của bạn và giúp làm giảm căng thẳng. Đặc biệt là học cách quản lý căng thẳng, tìm cho mình những thú giải trí phù hợp để tạo niềm vui và sự thư giãn khi rảnh rỗi.
Nhiều thông tin báo chí cho rằng yoga rất có ích cho người thường xuyên bị stress, trầm cảm. Bác sĩ có khuyến khích mọi người cùng thực hành yoga?
Yoga giúp thư giãn đầu óc, tập trung tĩnh tâm nên chỉ giúp cho những người thường bị stress, lo âu, mất ngủ. Với bệnh nhân trầm cảm việc tập yoga đôi khi không đạt kết quả mong muốn.
Để kiểm tra và điều trị bệnh tâm thể, chúng ta có thể đến:
1. Phòng khám Tâm thể, khoa Lão – Tâm thần Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
Địa chỉ: 468 Nguyễn Trãi, P.8, Q.5, TP. Hồ Chí Minh
Điện Thoại: (08) 39234332, số nội bộ: 335
2. Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ: 179 bến Hàm Tử, P.1, Q.5, TP. Hồ Chí Minh
Điện Thoại: (08) 39234675
3. Khoa Tâm thần, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh 215 Hồng Bàng, P.11, Q.5, TP. Hồ Chí Minh
Điện Thoại: (08) 38554269
4. Bệnh viện Pháp Việt
Địa chỉ: 6 Nguyễn Lương Bằng, P. Tân Phú, Q.7, TP. Hồ Chí Minh
Điện Thoại: (08) 54113333