Trong một mục tư vấn tâm lý tuổi học đường, cứ 4-5 em gởi thơ thì có một em đòi… chết. Một em viết: “Cha em mất hồi em còn rất nhỏ, mẹ em phải một mình chống chọi để nuôi hai chị em em. Biết công lao của mẹ nhưng em chịu không nổi sự la mắng suốt ngày của mẹ, cho nên em rất ghét mẹ.
Em đã muốn chết đi cho rồi nhưng đã nghĩ lại. Giờ đây lớn lên em hiểu đó là vì mẹ bị tác động ở bên ngoài rồi trút giận lên em. Em không còn ghét mẹ nhưng cũng không thể thương mẹ. Nếu được chọn lựa, em vẫn chọn không được sinh ra”.
Em khác viết: “Cha mẹ cãi vã suốt ngày. Cứ đòi ly dị rồi thôi và nói là vì con không chia tay. Rồi lại cãi tiếp. Chúng em chịu không nổi nữa và không thể nào học được. Như vậy là vì con ở chỗ nào?”.
- Xem thêm: Kỳ vọng và nỗi buồn
“Em là học sinh giỏi từ nhỏ. Mới lớp 2, ba mướn thầy dạy kèm Anh văn nên em rất khá môn này. Mỗi lần đem sổ điểm về nhà mà không hạng nhất là có chuyện. Ba cứ đem con của bác X bạn của ba ra so sánh. Điểm trong lớp thì em khá đều nhưng hễ thi để lãnh giải thì điểm em thấp vì em quá hồi hộp. Ba má làm riết, em đâm ra ghét mấy đứa bạn có thể nổi trội hơn em. Cứ học, học, học, em không biết mục đích sống của em là gì nữa”.
“Mẹ em đã lớn tuổi rồi, gần 60, nhưng tối ngày ăn diện và săm soi trước kiếng, vì còn tiếc thời hoa hậu. Mẹ được ủng hộ bởi một câu lạc bộ “Bà Tám” và một lô nam đệ tử choai choai nịnh mẹ để lợi dụng. Ba em bỏ cuộc, hình như có mối quan hệ khác. Bên nội em phê phán nặng nề, còn em thì vô cùng xấu hổ, không biết chui vào đâu”.
Một hiệu trưởng nhận cú điện thoại của phụ huynh một học sinh nhờ phụ tìm con gái của họ đã bỏ nhà đi mất. Hỏi ra mới hiểu sự việc như sau: Cô giáo chủ nhiệm điện thoại mời phụ huynh đến gặp về chuyện học của em. Chưa kịp gặp cô thì mạnh ba ba đánh, mạnh má má chửi, em đành phải bỏ đi!
Một bé trai con nhà khá giả bỏ đi bụi. Một giáo sư tâm lý người Pháp giải thích: trẻ có nỗi “đau khổ” của chúng mà ta không lường được. Anh cán bộ bảo vệ trẻ em trả lời: “Đâu có khổ gì đâu, ăn sung mặc sướng, đồ chơi đầy nhà, có người làm chăm sóc”. Câu trả lời này khá điển hình cho sự hiểu biết của người lớn Việt Nam về tâm lý của trẻ. Cứ cho ăn mặc đầy đủ là yên tâm, cho nên một trẻ gái mới lớn nói: “Thà má ít lo cho con ăn hơn mà lắng nghe và hiểu con thì con sẽ hạnh phúc hơn nhiều”.
Không gì làm cho trẻ đau khổ cho bằng khi bị cô đơn ngay trong nhà của mình, giữa người thân của mình. Cũng vì ít hiểu biết trẻ cho nên có người sẵn sàng đi cứu trợ nạn nhân bão lụt, chăm sóc trẻ lang thang mà lại “bỏ đói” chính con mình về tinh thần.
Hậu quả của sự thiếu hiểu biết của cha mẹ, sự bất cập của hệ thống giáo dục gây sức ép khá nặng lên trẻ em. Mỗi tháng có hàng ngàn trẻ đi khám ở các khoa tâm thần vì stress, trầm uất… Theo UNICEF, những dấu hiệu rối loạn tâm lý, tình cảm hay xuất hiện ở tuổi mới lớn nhưng ít khi được chẩn đoán và điều trị. Nếu kéo dài, tình hình có thể trở nên nghiêm trọng. Cũng theo tổ chức này, trên thế giới hàng năm có 4 triệu thanh thiếu niên tự tử. Hiện tượng này cũng bắt đầu xuất hiện đó đây ở nước ta.
Trên đây cũng là đặc điểm của tiến trình hiện đại hóa về mặt xã hội. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật luôn kèm theo những hậu quả tiêu cực về mặt tâm lý xã hội. Các vấn đề xã hội đang đầy dãy không giải quyết nổi vì ta quên hiện đại hóa về mặt khoa học xã hội để giúp người dân có những kiến thức nuôi dạy con trong thời đại mới.
Chúng ta thường tuyên bố “đi trước đón đầu” nhưng trong lĩnh vực này lại khá tụt hậu. Không khéo có thể hy sinh cả một thế hệ.
Dù bận rộn đến đâu, mong anh chị dành thời gian vui đùa, gần gũi tâm tình với con. Đặc biệt tránh gây sức ép trong học tập và không dạy con bằng sự so sánh với con người khác hay chính anh em của chúng. Trẻ rất “dị ứng” với điều này.
Hẹn kỳ sau.