Trước, những cặp đôi ít học tính cách thô lỗ cộc cằn, xô mâm xô chén là ra tòa đùng đùng ly dị. Bây giờ càng có trình độ, càng có tiền càng dễ chia tay. Mà chia tay cũng “văn hóa”, không ồn ào, trái lại có vẻ nhanh và gọn.
Nhưng “hậu” ly hôn thì sao? Nếu tinh mắt và tinh ý, mọi người đều dễ nhận thấy sau cú “choáng váng” không nghĩ sẽ xảy ra cho cả hai người, hai nhân vật chính đều có vẻ như được hồi sinh. Các ông chải chuốt tươm tất hơn, còn các bà dường như nhận ra mình đã đối xử quá tệ bạc với bản thân. Và để lấy lại “giá trị” đã mất, các bà ít dằn vặt mình vì hôn nhân đổ vỡ. Họ sống mạnh mẽ và lạc quan yêu đời, biết yêu và chăm sóc phần hồn, phần xác của mình hơn.
Trong suy nghĩ của họ, khái niệm “bà mẹ đơn thân” (single mom) không còn mang ý nghĩa tiêu cực bởi nhìn nhận và đánh giá của xã hội, cứ như là việc đơn giản “Tình đến ngẫu nhiên, tình đi như là phải thế…” vậy! Và thực tế, có những “single mom” rất thành đạt và có vị trí vững vàng sau khi hôn nhân đổ vỡ.
- Xem thêm: Hãy để quá khứ ngủ yên
Và thoắt một cái, đàn ông lại tái hôn. Nói thoắt, không có nghĩa là chê trách đàn ông mau phai nhạt tình xưa nghĩa cũ. Xét cho cùng, kéo cho thẳng cái lý và cái tình, nếu xảy ra đổ vỡ, cả vợ lẫn chồng đều có lỗi ngang nhau. Nếu đâu đó chợt nghe câu hỏi: “Ai bỏ ai vậy?”, chắc câu trả lời cũng không thể mang âm điệu hân hoan đắc thắng.
Ai bỏ ai thì nỗi đau cũng bằng nhau, không thể đưa ra phán xét một cách thiếu công bằng rằng đàn bà buồn hơn đàn ông hay đàn ông có lỗi nhiều hơn, vì dù có như thế nào thì con cái cũng là người gánh chịu thiệt thòi lớn nhất. Nhưng thường sau mỗi cuộc chia tay, con cái hầu như theo mẹ.
Đàn ông ở một mình thường trống vắng và cảm thấy cô đơn nên mong có bến tình mới và cơ hội đến nhiều và nhanh hơn phụ nữ. Đàn bà có trách nhiệm nuôi nấng, củng cố tinh thần đang khủng hoảng của các con sau biến cố đã xảy ra với cha mẹ, nên ít có cơ hội để tìm hiểu thêm ai. Phần nữa, nỗi sợ – nói đúng hơn là nỗi ám ảnh – gặp lại cái “cành cong” làm đàn bà ngao ngán và mất hết hứng thú.
Dù vẫn biết tình yêu như “suối nguồn tươi trẻ” và vô cùng cần thiết nhưng việc tái hôn với đàn bà vẫn là chuyện khó. Thay vì tìm lại gương mặt mới (mà thật ra sẽ vẫn là y như cũ, chỉ tươi mới vài ngày đầu say mê), người phụ nữ từng một lần gãy đổ lao vào công việc, tìm những niềm vui trong việc nuôi dưỡng và nhìn sự trưởng thành của con cái như một sự tưởng thưởng cho chính mình.
- Xem thêm: Lễ ly hôn
Họ nhận thấy cuộc sống vẫn tươi đẹp, vẫn còn nhiều thú vui thiên về giá trị tinh thần hay tăng cường sức khỏe làm cho cuộc sống của họ phong phú và có ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc “ôm mối hận tình mang xuống tuyền đài không tan” như tham gia các câu lạc bộ sức khỏe, du lịch, cùng tụ họp làm việc thiện nguyện…
Thay vì chì chiết đàn ông là kẻ bội tình, đàn bà sau ly hôn đã biết nhìn nhận vấn đề từ cả hai phía. Nhiều cặp vợ chồng dù đã tan vỡ vẫn coi nhau như bạn bè, cùng chia sẻ trách nhiệm nuôi nấng và chăm sóc con cái, cùng mong người từng đầu ấp tay gối sẽ sớm có lại hạnh phúc và xây dựng gia đình mới êm ấm.
Đàn ông cần đàn bà, tất nhiên rồi. Đàn bà cần một gia đình, cái sự cần này như một chân lý tất yếu của cuộc sống vậy. Nhưng nếu như tình yêu, hôn nhân và gia đình không được như chúng ta mong muốn thì tha thứ và mạnh mẽ sống tiếp phần đời còn lại của mỗi người một cách có ý nghĩa nhất vẫn là chuyện rất nên làm. Là “single mom” cũng… bình thường, chỉ cần ít mạnh mẽ thôi là ngày lại xanh ngời! Và hạnh phúc sẽ mỉm cười nếu người phụ nữ vẫn nuôi dưỡng niềm tin.