Chỉ số Hiệu quả Quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là kết quả của công trình nghiên cứu chung giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP).
Khảo sát PAPI 2016 được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 11-2016. Hơn 14.000 người dân từ tất cả 63 tỉnh thành được chọn phỏng vấn ngẫu nhiên trong năm 2016 và cảm nhận của họ về hiệu quả quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công của bộ máy chính quyền các cấp.
Chỉ số PAPI vừa công bố tuần trước cho thấy các tỉnh thành phố đạt điểm số tổng hợp PAPI cao tập trung nhiều ở vùng Đông Bắc bộ, duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Điều đáng nói là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội không có tên trong danh sách 16 địa phương có điểm cao nhất về chỉ số PAPI năm 2016.
Trong số 16 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất có tám địa phương ở khu vực Đông Bắc bộ, gồm Phú Thọ, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên và Ninh Bình; năm địa phương duyên hải miền Trung gồm Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị và Bình Định và ba địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm Cần Thơ, Bến Tre và Đồng Tháp.
Các tỉnh, thành phố Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Đà Nẵng duy trì vị trí của mình trong nhóm đạt điểm cao nhất sáu năm liên tiếp, từ 2011 đến 2016.
Các tỉnh trong nhóm điểm thấp nhất tập trung phần lớn ở khu vực miền núi phía Bắc (Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu) và cực Nam (Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Kiên Giang).
Đáng chú ý, Lai Châu đã nằm trong nhóm này từ 2011 đến 2016. Còn Bình Dương, đây là năm thứ hai liên tiếp người dân tỉnh này đánh giá chưa cao về hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công.
Không bị xếp vào nhóm có chỉ số PAPI thấp nhất nước nhưng TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đều có tên trong nhóm thấp điểm nhất ở chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công năm 2016. Đây là năm thứ sáu liên tiếp, Hà Nội rơi vào nhóm này.
Ngoài ra, Hà Nội cũng có tên trong nhóm đạt kết quả thấp nhất về chỉ số trách nhiệm giải trình và chỉ số công khai, minh bạch.
Báo cáo PAPI 2016 cũng đưa ra kết quả đáng quan ngại về chỉ số kiểm soát tham nhũng khi chỉ số này ở khu vực công năm 2016 có xu hướng giảm điểm. Khoảng 54% số người dân được phỏng vấn cho rằng muốn xin được việc làm trong khu vực nhà nước thì cần phải “lót tay”, năm 2015 tỷ lệ này là 51% và 46% vào năm 2011. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân cho rằng cán bộ chính quyền địa phương biển thủ công quỹ cũng tăng.
Báo cáo cũng cho thấy người dân cả nước ngày càng quan ngại hơn về ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Hơn 67% số người sống gần sông ngòi cho biết chất lượng nước từ những nguồn này kém hơn so với ba năm trước, và 36% số người trả lời cho rằng chất lượng không khí kém hơn so với ba năm trước. Đa số người dân lựa chọn ưu tiên bảo vệ môi trường hơn tăng trưởng kinh tế.
Bảo vệ môi trường vẫn là bài học đắt giá trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Đó là mối quan tâm hàng đầu không chỉ của người dân mà cả Chính phủ.
Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, ông Nguyễn Nội – Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài – cho rằng thời gian qua chúng ta coi trọng thu hút đầu tư nhưng việc quan tâm bảo vệ môi trường vẫn chưa tương xứng với tầm quan trọng của nó. Từ sự cố môi trường của dự án Vedan trước đây và Formosa gần đây, các cơ quan cần phải rút kinh nghiệm, coi đây là một bài học để hoàn thiện các quy định về quản lý môi trường, nhất là về kiểm tra, giám sát thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật của cả phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương để bảo đảm việc thu hút FDI vào Việt Nam có hiệu quả cao và đảm bảo việc bảo vệ tốt môi trường.
Quan tâm đến vấn đề môi trường ngay từ giai đoạn đầu tư dự án cho đến khâu vận hành là yêu cầu tiên quyết đối với một dự án đầu tư hiệu quả, bền vững và lâu dài. Đây chính là vấn đề cốt lõi của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Qua một số sự cố, Việt Nam đã rút ra bài học rất sâu sắc, cần lưu tâm.
Thứ nhất, cần rà soát lại kẽ hở trong pháp luật về đầu tư, môi trường, nhất là thủ tục, quy trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, bất cập về quy chuẩn kỹ thuật môi trường, phải làm rõ phạm vi chức năng, thẩm quyền các bộ, ngành, địa phương trong việc thẩm định đánh giá công nghệ môi trường.
Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dự án sau cấp phép. Thứ ba, phải có sàng lọc kỹ trong quy trình thẩm định dự án và cấp phép đầu tư. Thứ tư, nâng cao năng lực của các cơ quan trong công tác quản lý, giám sát về môi trường. Thứ năm, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
Số liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến nay lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều nhất nhà đầu tư nước ngoài với 11.833 dự án đầu tư có tổng vốn đăng ký đạt trên 175 tỉ USD (chiếm 51,6% tổng số dự án và 58,9% tổng vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam).
Cơ cấu đầu tư như vậy được đánh giá theo hướng tích cực, và có tác động mạnh đến sự phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, các dự án có công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai, tạo điều kiện và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước.
Việc thu hút các dự án FDI có chất lượng lại phụ thuộc chủ yếu vào thể chế, năng lực cạnh tranh của bản thân nền kinh tế Việt Nam, trong đó có thách thức cũng không nhỏ bởi khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn hạn chế. Do đó, nếu thể chế, môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện nhanh thì với các lợi thế, điểm mạnh, khả năng thu hút đầu tư FDI của Việt Nam năm 2017 và các năm sau đó vẫn theo xu hướng tăng đều.
Chương trình “xanh-sạch-đẹp” là một hoạt động trong dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long thuộc tiểu dự án thành phố Cần Thơ do WB tài trợ, được thực hiện từ năm 2012 đến năm 2017.
Nằm trong tiểu dự án nâng cấp đô thị thành phố Cần Thơ do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, địa phương này đang tổ chức cuộc thi nhằm tìm kiếm sáng kiến phù hợp nhất để giúp Cần Thơ trở thành thành phố “xanh-sạch đẹp”.
Tại buổi làm việc về tiến độ và kết quả thực hiện chương trình “xanh-sạch-đẹp” tại UBND thành phố Cần Thơ hôm 10-4, Phó giám đốc Ban quản lý dự án ODA của Cần Thơ, ông Đoàn Thanh Tâm, cho biết chương trình sẽ hướng vào việc tạo lập môi trường hỗ trợ cho sức khỏe và cuộc sống của người dân. Chương trình cũng góp phần phát triển kinh tế của Cần Thơ.
Chương trình tập trung vào các chủ đề chính: vệ sinh môi trường; chỉnh trang đô thị và sử dụng bền vững các công trình, dự án đầu tư xây dựng; vệ sinh trường học và cây xanh.
Về kinh phí thực hiện chương trình do Ban quản lý dự án ODA bố trí với tổng mức hỗ trợ cao nhất là 500.000 USD, trong đó, mức hỗ trợ cho mỗi sáng kiến được chọn từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng.
- Gia Minh