Vở Sông dài của Hà Triều – Hoa Phượng như một điển tích của sân khấu Nam bộ. Đã hơn 50 năm trôi qua, biết bao thế hệ nghệ sĩ vàng từng tạo nên bản sắc cho sân khấu Nam bộ đã thử sức với Sông dài. Đó là Thẩm Thúy Hằng, Năm Châu, Út Trà Ôn, Thanh Nga… Và sau này là Thành Lộc, Thanh Thủy và bây giờ là Hồng Ánh, Lê Quý Bình, Ái Như, Quang Thảo. Câu chuyện tình của cô gái mù và chàng trai bị cháy xém nửa gương mặt sau một cơn hỏa hoạn, nghe thật xưa, thật cũ sao hôm nay vẫn cứ níu khán giả vào rạp để cùng khóc, cùng thổn thức. Cuộc sống hiện đại, sự phát triển nghệ thuật giải trí xã hội bây giờ cũng khác xa những năm 1950, nhịp độ và cách thưởng thức nghệ thuật của khán giả cũng rất khác. Đúng vào thời điểm sân khấu Hoàng Thái Thanh ra mắt vở kịch Sông dài, tác phẩm này cũng được đài truyền hình dựng thành phim dài tập và đang phát sóng. Thế nhưng kịch Sông dài của đạo diễn Thành Hội vẫn ăn khách, hẳn phải có những bí ẩn và tiếng nói chung của nó?
Thành Hội cho Sông dài một tấm áo bà ba vừa vặn. Màu sắc chân quê ngấm trong mỗi nhân vật cùng giai điệu, câu hát xưa cứ ngần ngật trong khán giả một ân tình. Sự hấp dẫn của mỗi nhân vật chính là nét diễn xuất tinh tế, kỹ lưỡng trong từng chi tiết của các diễn viên. Câu chuyện phát triển thật chậm, gần với cuộc đời như hơi thở. Hồng Ánh trong vai cô gái mù khờ khạo, hồn nhiên đến trong veo. Cô sống trong bóng tối nhưng lại tỏa cho người xem ánh sáng của sự nhân ái, hướng thiện, khiến người xem chạnh lòng. Lê Quý Bình trong vai Niểng có phần non hơn. Trong phim Sông dài, Lê Quý Bình cũng vào vai Niểng đóng cặp đôi với Vân Trang. Chính vì thế Quý Bình cũng rất thấm vai. Càng diễn, Bình càng thích vai này. Khi đóng với Hồng Ánh, có lẽ chính sự xử lý tinh tế, rất sáng và sắc nét trong từng khoảnh khắc của Lượm – Hồng Ánh đã có sức lôi cuốn Quý Bình. Qua diễn xuất của Hồng Ánh và Quý Bình, mối tình chân thật này ngấm vào khán giả những xúc cảm mãnh liệt. Cảm xúc đẹp nhất là khi Lượm ôm gương mặt sẹo chằng chịt của Niểng và thốt lên: “Anh Niểng là người đẹp nhất!”. Cô đã xua tan những mặc cảm của Niểng. Rung cảm của cô gái mù xao động làm khán giả ứa nước mắt. Giá trị thanh cao, đẹp đẽ của tâm hồn đôi tình nhân bay lên. Nó phá vỡ cả sự toan tính và làm sự tàn ác trở nên dúm dó, thảm hại. Giá trị nhân bản của kịch Hà Triều – Hoa Phượng chính là ở đó, những câu chuyện đời bình dị, không gào thét, lên gân, chỉ trích hay rao giảng đạo đức. Cuộc đời như hiện ra ngay trong ô nhỏ của sân khấu, nhưng người xem vẫn thấm điều người viết muốn nói.
Thành Hội, Ái Như hay dựng lại kịch bản cũ với một sự tự tin: Nội dung kịch có thể người xem đã biết, nhưng chính những cảm xúc chân thật của diễn viên sẽ mang lại điều mới mẻ cho người xem. Xem Sông dài, không chỉ cảm nhận được con người vùng đất phương Nam, thấu hiểu những thân phận bi ai, hướng tới sự thánh thiện của tình yêu, mà còn được đắm mình trong tình người, sự thủy chung, lòng vị tha.
Đến với Sông dài ngoài sự tỏa sáng của Hồng Ánh, Lê Quý Bình, khán giả còn bất ngờ vì sự hoàn hảo cho cặp đôi lệch tuổi nghề lẫn tuổi đời: Ái Như trong vai bà Hai Sa và Quang Thảo trong vai ông Hai Tất. Bà Hai Sa – Ái Như đĩnh đạc, từ tốn, giật Lượm ra khỏi Niểng. Một lối diễn vai ác bằng trí được Ái Như thể hiện rất chuẩn. Ông Hai Tất của Quang Thảo cô đơn, nghèo mà thanh cao, nhân ái không chỉ lấy được nước mắt khán giả mà còn tạo cho Thảo sự thăng hoa khi đi vào tính cách hào sảng của người nông dân Nam bộ. Màn giằng xé đau lòng nhất là cảnh Niểng năn nỉ ông Hai Tất hãy làm đám cưới gấp rút cho đôi trẻ và bà Hai Sa xuất hiện kéo giật Lượm đi. Riêng phần kết, đạo diễn Thành Hội vẫn để theo cái kết cũ của Hà Triều – Hoa Phượng: Niểng tìm đến Lượm trong vai trò một nhà báo, khi Lượm đã sáng mắt và trở thành một tiểu thư giàu có. Điều đó khiến có vẻ như tác giả để kịch cho có hậu hơn là hợp lý. Cách kết vở bớt đi sự khắc khoải của một câu chuyện tình như thế, liệu có nên?
Việt Nga