Ngày 19-7 vừa qua, thành phố Detroit- từng là biểu tượng cho sức mạnh của ngành công nghiệp sản xuất xe hơi Mỹ – đã trở thành đô thị lớn nhất nước Mỹ đệ đơn xin bảo hộ phá sản sau nhiều thập niên suy thoái với khoản nợ công lên đến nhiều tỉ USD.
Hệ quả là một kho tàng các tác phẩm mỹ thuật của Detroit có nguy cơ phải phát mãi để trả nợ. Không giống như hầu hết các bảo tàng mỹ thuật ở khắp nước Mỹ có chủ sở hữu là những quỹ hay những tập đoàn hoạt động phi lợi nhuận, được giao trách nhiệm quản lý và phát triển bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật tại địa phương, Bảo tàng mỹ thuật Detroit (Detroit Institute of Arts – D.I.A) là tài sản được mua bằng ngân sách của chính thành phố này. Với tác phẩm của nhiều danh họa thế giới, từ Bruegel, Caravaggio, Rembrandt… cho tới van Gogh, Gauguin, Matisse, Derain, Rivera…, D.I.A là một thiết chế mỹ thuật tầm vóc thế giới và được xếp trong danh sách 10 bảo tàng mỹ thuật lớn nhất nước Mỹ. Theo nguyên tắc về bảo hiểm, các bảo tàng thường không công khai trị giá (về thị trường) bộ sưu tập tác phẩm của mình, nhưng theo các chuyên gia thì những gì D.I.A sở hữu nếu đem bán dù chỉ một phần cũng có thể thu về đến 2,5 tỉ USD; và như vậy sẽ giúp giải cơn khát nợ nần lên đến 18 tỉ USD của thành phố Detroit.
Cuộc đấu tranh giữa giữ và bán
Theo nhật báo The New York Times (ngày 19-7-2013), trong nhiều năm qua đã có những tranh cãi giữa những người quản lýDetroit và một “đạo quân chủ nợ” chung quanh việc cần bán đi hay phải giữ lấy những bảo vật nghệ thuật của thành phố. Trong khi các chủ nợ luôn coi những gì được lưu giữ và trưng bày tại D.I.A là tài sản có thể bán đi để trả nợ cho họ thì tập thể nhân viên của bảo tàng khẳng định rằng họ sẽ bảo vệ đến cùng bộ sưu tập của D.I.A “như kỳ vọng của công chúng” và vì “di sản văn hóa của cư dân bang Michigan”. Hồi cuối tháng 6-2013, Bộ trưởng Tư pháp bangMichigan là ông Bill Schuette đã công bố một văn bản khẳng định rằng các tác phẩm của D.I.A sẽ không thể đem bán và phải gìn giữ cho công chúng. Mới đây, ông Kevyn Orr, người được bangMichigan bổ nhiệm để giải quyết tình trạng khẩn cấp hiện nay củaDetroit cho biết sẽ không thể có quyết định nhanh chóng về số phận của D.I.A.
Những tranh cãi đó rồi sẽ phải giải quyết khi phiên tòa công bố tình trạng phá sản củaDetroitsắp diễn ra. Tuy nhiên, cũng trong tháng 6-2013, nhà đấu giá danh tiếng Christie’s đã liên hệ với D.I.A, đề nghị tiến hành một cuộc kiểm kê tác phẩm và cho phép các chuyên viên của Christie’s khảo sát bộ sưu tập của bảo tàng để có thể định giá chính xác. Hiện chưa rõ cuộc kiểm kê và định giá đó có được tổ chức và phía nhà Christie’s cũng không đưa ra bất kỳ thông tin nào về việc này.
Một thiệt thòi lớn cho công chúng yêu nghệ thuật nếu…
Trong trường hợp xấu nhất, khi mà các tác phẩm xuất sắc nhất của D.I.A buộc phải bán đi để giải quyết món nợ khổng lồ của Detroit thì những người đau buồn nhất là tập thể nhân viên của bảo tàng và công chúng yêu nghệ thuật. Trong lần tham quan D.I.A mới đây, ông Johnathan Shearrod, người điều hành một quỹ hoạt động phi lợi nhuận ở Detroit đã ngắm nhìn mãi những kiệt tác của bảo tàng nhưVũ điệu cưới của Bruegel the Elder, Tự họa của Vincent van Gogh, Thiếu nữ của André Derain… và loạt tranh tường của Diego Rivera. Ông chẳng thể làm gì để góp phần giữ lại những bức tranh ấy cho thành phố quê nhà nếu như một mai chúng sẽ được đem đấu giá. “Tác phẩm ở đây cũng quan trọng như bất kỳ thứ gì gắn với ngành công nghiệp xe hơi của thành phố. D.I.A chính là linh hồn củaDetroit”. Cũng theo ông Shearrod thì bộ sưu tập tác phẩm của D.I.A không thể là một giải pháp để giải quyết nợ: “Đem đấu giá nó là hoàn toàn xuẩn ngốc”.
Nhưng liệu có giải pháp nào khác nếu như tình trạng phá sản củaDetroitđược Tòa án tối cao Mỹ ra phán quyết. Khi đó, theo ông Ben Feder, một chuyên gia luật phá sản ởNew Yorkthì các tác phẩm của D.I.A sẽ “được đặt lên bàn đàm phán và sẽ không còn chọn lựa nào khác nếu như thành phố buộc phải đi con đường (phá sản) đó”. Ngoại trừ những tác phẩm được cá nhân hiến tặng cho bảo tàng, còn thì những gì được mua bằng ngân sách thành phố trong nhiều thập niên đều sẽ phải bán hay chuyển nhượng.
Và không chỉ có bộ sưu tập của D.I.A, còn nhiều tài sản văn hóa của Detroit cũng sẽ có nguy cơ bị phát mãi để trả nợ, chẳng hạn Bảo tàng văn hóa da màu, pháo đài Wayne lịch sử có từ những năm 1840, công viên rộng 985 hécta trên đảo Belle, bộ sưu tập xe hơi gồm 60 chiếc xe Ford trong Bảo tàng lịch sử Detroit (trong đó có những chiếc xe cổ cực kỳ quý hiếm như chiếc Phaeton Carriage ra đời năm 1870, chiếc Ford Model T năm 1911 và hai chiếc John Dodge xuất xưởng năm 1919). Thậm chí có chủ nợ còn nói tới những con thú trong… sở thú Detroit!
Rất nhiều tác phẩm quan trọng trong bộ sưu tập của D.I.A được thành phố mua vào thời hoàng kim của ngành công nghiệp xe hơiDetroit. Theo các chuyên gia ước tính chỉ cần bán đi khoảng 38 tác phẩm quý nhất trong tổng số 60.000 hiện vật các loại được lưu giữ tại D.I.A cũng đã thu về được trên 2 tỉ USD, bởi chỉ cần một bức tranh của van Gogh đã có giá cả trăm triệu USD.
Đặc biệt, tại D.I.A có một xê-ri tranh tường tuyệt tác của họa sĩ Mexico Diego Rivera, gồm 17 bức tranh liên hoàn mô tả các công đoạn sản xuất của hãng xe hơi Ford, được Rivera vẽ trong hai năm 1932, 1933 và được coi là tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Loạt tác phẩm này cũng đã hứng chịu nhiều tai ương sau khi ra đời, bởi những người chống đối cho rằng loạt tranh báng bổ tôn giáo, tuyên truyền cho chủ nghĩa Marx, đòi phải xóa bỏ hết. Trong những năm 1950, dưới áp lực của những người theo chủ thuyết bài cộng McCarthy, D.I.A cũng phải xóa đi một câu tuyên ngôn của Rivera về tác phẩm. Nhưng rất may là loạt tranh tường này vẫn tồn tại đến hôm nay.
Mỗi năm, D.I.A đón khoảng nửa triệu khách tham quan.
- Đông Hà