Theo kết quả của một cuộc khảo sát thực hiện bởi các nhà tuyển dụng trên toàn cầu, sinh viên Đại học RMIT đứng thứ 60 trên toàn thế giới về độ sẵn sàng khởi đầu sự nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Mức độ sẵn sàng chấp nhận thử thách trong công việc là một trong những yếu tố quyết định khả năng tìm việc và mức lương khởi điểm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Thấu hiểu điều đó, Đại học RMIT đã giúp sinh viên chuẩn bị bước vào con đường sự nghiệp bằng tinh thần chủ động học hỏi, kinh nghiệm thực tế và mối liên kết chặt chẽ với cộng đồng.
Quy tắc 30 giờ
Nếu ví kiến thức là những viên gạch làm nên những công trình hiện đại thì tại Đại học RMIT Việt Nam, giáo viên là người truyền cảm hứng và hỗ trợ sinh viên đặt từng viên gạch vào đúng vị trí để ngay trong thời gian học tập tại trường, họ đã xây dựng được những công trình phù hợp với năng lực của chính mình. Quy tắc 30 giờ là khoảng thời gian tối thiểu mà sinh viên phải dành ra mỗi tuần để tự học hỏi, đào sâu kiến thức và hoàn thành các bài kiểm tra hoặc dự án thực tế dựa trên những bài giảng mang tính gợi mở trên lớp. Giáo viên luôn đánh giá cao những bài làm thể hiện sự đầu tư nhiều công sức nghiên cứu cùng khả năng phân tích và lập luận của sinh viên.
Sinh viên RMIT Việt Nam thảo luận nhóm sau giờ học
Khi gặp khó khăn trong việc hoàn thành bài vở, sinh viên có thể đến gặp giáo viên để được hỗ trợ. Để giúp sinh viên phát triển tính tự lập và chủ động giải quyết vấn đề, giáo viên không đưa ra câu trả lời trực tiếp, mà chỉ đặt câu hỏi khơi gợi để sinh viên tự suy ngẫm và tìm hướng đi riêng. Ngoài ra, nếu muốn củng cố hoặc cải thiện kỹ năng học tập, sinh viên còn có thể tìm đến Trung tâm Hỗ trợ kỹ năng học tập của trường (LSU) để tham gia các lớp dạy kỹ năng làm việc nhóm, phân tích và giải quyết vấn đề, tìm kiếm tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau…
Được học tập trong môi trường đề cao tính chủ động và kỹ năng phân tích vấn đề một cách độc lập, sinh viên RMIT dễ dàng tiếp nhận kiến thức mới và tạo được thói quen nhanh chóng bắt nhịp với công việc trong mọi hoàn cảnh.
Trải nghiệm thực tế ở câu lạc bộ
Ngoài khả năng chủ động học hỏi để trau dồi kiến thức, sinh viên RMIT còn được khuyến khích tích lũy kinh nghiệm thực tế qua các câu lạc bộ (CLB) và hoạt động tình nguyện. Mỗi học kỳ, các sinh viên có thể lựa chọn tham gia một vài trong số 65 CLB do chính họ điều hành. Mỗi CLB là một tổ chức thu nhỏ về các chủ đề học tập, văn hóa – nghệ thuật, thể thao… rất phong phú và đa dạng.
Các CLB này luôn được nhà trường quan tâm hỗ trợ và được tạo điều kiện để tổ chức các sự kiện, các hoạt động từ quy mô nhỏ đến lớn phục vụ lợi ích chung của nhà trường. Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng RMIT” được đông đảo sinh viên yêu thích là một ví dụ. Các thành viên CLB Âm nhạc đã có cơ hội ứng dụng kiến thức truyền thông, marketing vào thực tế khi phải tự lo liệu từ khâu lên ý tưởng, thu hút thí sinh, quảng bá chương trình đến mời thành phần giám khảo, bán vé và tổ chức từng đêm diễn.
Kỹ năng làm việc nhóm, lập kế hoạch và triển khai dự án có được từ CLB sẽ giúp sinh viên tự tin đối mặt, giải quyết vấn đề và không bị bỡ ngỡ trong môi trường làm việc sau khi ra trường.
“Chìa khóa” thị trường địa phương
Những nhân viên có khả năng bắt nhịp nhanh chóng với hoàn cảnh thường có ý thức đào sâu hiểu biết về hoạt động của các doanh nghiệp cũng như lối sinh hoạt của cộng đồng cư dân tại địa phương. Vì thế, Đại học RMIT Việt Nam luôn hỗ trợ sinh viên thắt chặt mối liên kết với các doanh nghiệp địa phương qua các hoạt động như tuần lễ hướng nghiệp, khảo sát thực tế tại doanh nghiệp, trao đổi với các cựu sinh viên đang làm việc tại các doanh nghiệp hay tổ chức… Khéo léo tận dụng những cơ hội trên, nhiều sinh viên đã tìm được công việc hoặc vị trí thực tập ngay khi còn đang đi học.
Bên cạnh đó, các sinh viên được khuyến khích tìm hiểu và liên kết với cộng đồng dân cư địa phương qua các dự án và nhiều hoạt động có ý nghĩa. Gần đây nhất, CLB Enactus RMIT Việt Nam đã tổ chức thành công Ngày hành động vì môi trường ở bảy thành phố thuộc các vùng miền của đất nước, thu hút được 936 học sinh trung học cơ sở cùng tham gia làm sạch sân trường, công viên, bãi biển… trong các khu vực đã lựa chọn.
Nhờ những hiểu biết về toàn cảnh doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, sinh viên RMIT nhanh chóng bắt nhịp với bước đi của các doanh nghiệp và có khả năng đưa ra giải pháp sản xuất – kinh doanh phù hợp với thị trường địa phương. Đó chính là điều được nhiều công ty đa quốc gia đánh giá cao.
Trở lại cách so sánh kiến thức là những viên gạch thì tại Đại học RMIT Việt Nam, sinh viên được truyền đạt cách sử dụng những viên gạch đó để tự tay xây dựng con đường tương lai của mình và đồng nghiệp dựa trên những trải nghiệm thực tế cùng vốn hiểu biết về thị trường địa phương.
VỀ NGÀY ĐĂNG KÝ NHẬP HỌC TẠI ĐẠI HỌC RMIT VIỆT NAM
Ngày đăng ký nhập học sắp tới tại RMIT Việt Nam là 18-5 (từ 9g đến 11g30) tại Cơ sở Nam Sài Gòn, 702 Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM.
Trong ngày này, học sinh (hay phụ huynh của học sinh) đến ghi danh nhập học sẽ được miễn chi phí nộp hồ sơ, đồng thời được mời tham gia khóa học “Kỹ năng học đại học” trong hai ngày hoàn toàn miễn phí.
Để đăng ký tham gia hoặc biết thêm chi tiết, có thể gọi điện thoại theo số (08) 37761369.
Tuyết Nhi