Thời gian gần đây, có một số người bị biến chứng sau khi bơm silicone được báo chí đưa tin như: sưng tấy, nhiễm trùng, khuôn mặt biến dạng, thậm chí tử vong khiến mọi người hoang mang. Trước những thông tin trên, nhiều người có nhu cầu làm đẹp bỗng “chùn chân” vì sợ những tác hại không mong muốn nói trên. Thực tế, những biến chứng trên thường chỉ xảy ra ở những trường hợp tiêm chích silicone lỏng thực hiện bởi những người làm đẹp “dạo” và silicone lỏng đã bị tiêm vào cơ thể người nhiều năm qua.
Còn những túi silicone sử dụng để nâng ngực, mông và bắp chân do các bác sĩ thẩm mỹ uy tín thực hiện lại rất an toàn vì tuy cũng là silicone lỏng nhưng được bọc trong túi silicone nhiều lớp. Một số người do muốn làm đẹp giá rẻ hoặc thiếu thông tin nên mới tìm đến các tiệm uốn tóc, chăm sóc da mặt không đủ chuyên môn để tiêm silicone, dẫn đến những biến chứng đáng tiếc nói trên.
Silicone lỏng gây nhiều biến chứng cho da và toàn thân
Hóa chất silicone dùng trong y tế có hai loại là silicone đặc và silicone lỏng. Silicone đặc được dùng để bổ sung vào những nơi cơ thể bị thiếu hay hỏng (do chấn thương) hoặc làm đầy những chỗ lõm trên da nhằm làm tăng thêm khối lượng mô của một bộ phận cơ thể (như vòng tai, sống mũi, cằm…) với mục đích làm đẹp. Phương pháp này đã được sử dụng phổ biến lâu nay trên thế giới, điểm thuận lợi là nếu cơ thể phản ứng không phù hợp thì có thể lấy ra toàn bộ phần silicone đã đưa vào, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Còn silicone dạng lỏng thì khi tiêm vào ngực, mông, mặt… sẽ lan tỏa và nằm lẫn trong các tổ chức mô của cơ thể. Chính vì vậy, khi cơ thể phản ứng tiêu cực với silicone thì bác sĩ không thể hút ra hết được.
Các biến chứng do silicone lỏng gây ra đã được nhiều chuyên gia nước ngoài nghiên cứu và trình bày tại các diễn đàn về thẩm mỹ. Hiện chưa có báo cáo nào liên quan đến nguy cơ gây ung thư của silicone, chỉ hay gặp là những biến đổi làm biến dạng xấu xí nhiều vị trí trên cơ thể. Các biến chứng tại chỗ thường gặp là da bị ửng đỏ hoặc tím, viêm tấy, nhiễm trùng, nổi u cứng, gây biến dạng và các biến chứng toàn thân.
Các triệu chứng trên tập trung chủ yếu vào hệ thần kinh ngoài da, cơ xương khớp, mô liên kết và hệ thống miễn dịch. Lúc đầu, người phản ứng với silicone chỉ hay bị nhức đầu, mệt mỏi dù không vận động gắng sức, tính tình thay đổi, hay cáu gắt, khó chịu, tóc rụng nhiều hơn bình thường. Càng về sau, người đó hay bị đau nhức hay tê các ngón chân tay khi gặp lạnh, sưng đau và ngại cử động các cơ xương khớp, lở miệng, da sưng ngứa kèm theo lở loét, nổi mẩn đỏ hình bướm trên hai gò má hay toàn thân, nước tiểu đậm, thiếu máu… Các triệu chứng này ngày càng nghiêm trọng khiến bệnh nhân giảm khả năng vận động, dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Nơi dễ phát hiện dị ứng silicone nhất là sống mũi. Thường chỉ sau tiêm silicone vài ngày, sống mũi trở nên sưng đỏ và biến dạng do lớp mô dưới da mũi khá mỏng và nhạy cảm. Ở mũi, lượng silicone sử dụng chỉ từ 0,5 đến vài cc. Còn ở những vùng khác như mặt, mông, ngực thì cần lượng silicone lớn hơn nhiều. Thông thường sau khi tiêm, chúng ta sẽ thấy hài lòng với kết quả làn da căng láng, vòng ngực, vòng mông đầy đặn. Nhưng càng về sau, silicone lỏng di chuyển sang các vị trí khác làm da bị chảy xệ hoặc gom lại thành nhiều cục u lổn nhổn trên da. Một số trường hợp bị tai biến tại tức thời là do shock phản vệ, có thể dẫn đến tử vong.
Khả năng điều trị biến chứng rất hạn chế
Nguyên nhân thường gặp là do những người thực hiện không được đào tạo huấn luyện đầy đủ nên đã sử dụng không đúng phương pháp, không tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn. Vì sự an toàn cho sức khỏe mọi người, từ những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970 người ta không còn khuyến khích sử dụng liệu pháp bơm silicone để làm đẹp. Nhất là việc bơm silicone để nâng ngực đã bị cấm hoàn toàn. Ở Mỹ, liệu pháp bơm silicone bị coi như là thử nghiệm thuốc mới, chỉ được tiến hành ở một số cơ sở y tế theo những quy định chặt chẽ, mang tính nghiên cứu là chủ yếu.
Trường hợp tiêm silicone lỏng bị biến chứng tại chỗ hoặc toàn thân một cách rõ ràng thì việc điều trị khá phức tạp. Vì da bị silicone lỏng làm thâm nhiễm, hư hại khó phục hồi và các ảnh hưởng toàn thân do silicone lỏng đến nay y học vẫn chưa có cách giải quyết triệt để. Cách chữa trị là phẫu thuật cắt bỏ mô có silicone, hậu quả để lại là vùng mổ bị biến dạng sụp lõm, méo mó trông rất xấu, nhất là đối với những vùng trên mặt như sống mũi, má, môi, cằm… đồng thời bổ sung phẫu thuật tái tạo thẩm mỹ thì kết quả mới khả quan hơn. Tuy nhiên, kết quả dù khả quan mấy thì đường nét cơ thể vẫn khó trở lại như trước khi thẩm mỹ. Vì vậy, điều quan trọng nhất vẫn là chọn những cơ sở y tế, những người hành nghề thẩm mỹ đáng tin cậy nhất để việc làm đẹp của chúng ta được thực hiện một cách an toàn.
– Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ Bệnh viện ITO Sài Gòn