Câu chuyện an toàn, dựa vào kỹ xảo
DC Comics và Marvel là hai đại gia truyện tranh nổi tiếng nhất thế giới, đều đóng quân tại Mỹ. Mỗi bên sở hữu cả ngàn nhân vật siêu anh hùng, với nhiều tài năng khác nhau. DC Comics ra đời năm 1934, doanh số hằng năm lên đến 500 triệu đôla bao gồm tiền truyện tranh và bản quyền, với các siêu anh hùng quá quen thuộc với Việt Nam như Siêu Nhân, Người Dơi, Người Mèo…
Marvel ra đời năm 1939, nhỏ hơn, tinh hơn, với các siêu anh hùng như Bộ tứ siêu đẳng, Người Sắt, Thor, Khổng lồ xanh. Mỗi năm, khi làm đề tài về phim bom tấn, để cho kế toán phim không báo lỗ, Hollywood đều quay sang hai đại gia này xin tư vấn về mặt nội dung, vì đây là những cốt truyện đi vào lòng người, vốn có thương hiệu sẵn từ lâu, dễ dàng thắng lớn.
Thế nhưng ngay cả khi “xào nấu” lại cốt truyện, Hollywood nhiều khi cũng đơn giản hóa vấn đề. Loạt phim Thor lấy cảm hứng từ thần thoại Bắc Âu, kể về những vị thần tồn tại trong Cửu giới và không ngừng bảo vệ Cửu giới, trong đó có Trái đất, chống lại các thế lực đen tối. Thor yêu một người phàm tên Jane.
Lần thứ hai Thor quay lại màn ảnh rộng, anh không còn vướng vào tranh chấp quyền lực với Loki đứa em trai nuôi ngỗ nghịch, mà đồng minh với em trai để một lần nữa cứu Jane khỏi thế lực hắc ám, đang mưu toan trả vũ trụ lại với thời hồng hoang đen tối. Câu chuyện đơn giản, an toàn. Kỹ xảo hoành tráng.
Ở MegaStar Hùng Vương, rạp phim hiếm hoi của châu Á có trang bị dàn âm thanh khủng 160 loa vòng Dolby Atmos, mọi thứ trong Thor 3D trở nên thu hút kinh khủng. Nhưng nên nhớ, lúc còn ở truyện tranh, khi chỉ có hình vẽ trắng đen trong một tập truyện dày cỡ 200 trang, cốt truyện lắt léo, ý nhị, chính là điểm thu hút duy nhất. Thor 2 giản lược hầu hết các mạch truyện phụ về các hành tinh, về các mối quan hệ chồng chéo trong phim, mà khắc họa nhân vật lại nhạt, thành ra coi xong không thấy “đã”.
Các siêu anh hùng sẽ đi đâu về đâu
Siêu anh hùng sẽ vẫn là phim ăn khách trong nhiều năm nữa, nhưng cảm quan về điện ảnh cũng như văn hóa của nhân loại ngày càng tinh tế hơn. Chính vì vậy có thể thấy nhân vật nào lên phim sẽ đi vào lòng người nhất. Iron Man 3 (Người Sắt phần 3) cũng được MegaStar phát hành vào tháng 4 vừa qua là một điểm son.
Đừng trông đợi khán giả điện ảnh phải tìm hiểu trước về tranh truyện, và nhớ tất tần tật những phần phim đã ra đời trước đó mấy năm. Mỗi một phim, dù là phần mấy của loạt phim cùng tên, vẫn là một bộ phim tươi mới đối với khán giả, buộc nhà làm phim phải tạo lập lại lần nữa một không gian đủ cho các nhân vật “thở” và hành động để chinh phục người xem.
Iron Man 3 do Robert Downy Jr. đóng có cái dí dỏm đáng yêu của một siêu anh hùng, một nhà phát minh đỏm trai, chảnh chọe nhưng vẫn vụng về ngớ ngẩn như bất kỳ người bình thường nào. Miếng hài được cấy ghép tự nhiên, sự tự trào lộng làm nhân vật gần gũi, và chúng ta hồi hộp muốn thấy anh hùng vượt qua tất cả để chiến thắng!
Thor 2 mắc lỗi vì cho rằng khán giả biết rồi, nên các nhân vật bị biến thành giấy cạc tông hai chiều, miêu tả lướt lướt, thành ra anh phản diện Loki chỉ cần vài miếng hài biến hình thành các siêu anh hùng khác của Marvel đã nhanh chóng được yêu thích còn hơn cả… cặp diễn viên chính (Christ Hemsworth và Natalie Portman).
Ngạc nhiên là trong phim có đến hai diễn viên từng đoạt giải Oscar là Natalie Portman và Sir Anthony Hopkin (trong vai thần Odin, cha của Thor) nhưng họ lại chẳng có phút nào được diễn đúng chất của mình.
Nếu Hollywood không chăm chút và tái tạo lại nhân vật siêu anh hùng bằng những chi tiết điện ảnh nho nhỏ và duyên dáng, thì kỹ xảo cũng chỉ có thể kéo bấy nhiêu khán giả hiếu kỳ đến rạp mà thôi.