Ba cô là diễn viên múa Ngô Thành Tâm, còn mẹ cô là ca sĩ Nguyễn Thanh Thanh của Đoàn ca múa nhạc Bông Sen. Phương học ballet bảy năm ở trường múa TP. Hồ Chí Minh, năm năm làm việc ở Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh. Vậy mà khi sang Đức vào Trường Folkwang Hochschule Phương thấy mình như người vô dụng.
Ở đây Phương phải bắt đầu lại từ suy nghĩ về múa. Múa không còn là đá chân cao, những động tác chuẩn xác, nguyên mẫu như đã học ở Việt Nam, mà là tập cách sáng tạo, ngẫu hứng với cơ thể và cảm xúc của mình. Phương đã quen với tư duy buộc phải làm đúng những gì biên đạo chỉ định. Động tác phải chuẩn xác như ta học bảng chữ cái, đến đây buộc học sinh phải tự sáng tạo, Phương không biết làm sao. Phương không đủ tự tin dù chỉ là đứng tự múa lắng quoắng. Nhiều hôm đến giờ học môn này, Phương sợ quá chỉ muốn trốn.
Từ sự độc lập suy nghĩ, tự tìm cách chuyển động cơ thể đã tạo cho Phương sự cuốn hút, khám phá múa đương đại, khám phá chính mình, biết cách giải phóng cơ thể. Thấy Phương đi học đều, cô giáo bảo “Sao em phải đi học đều đều, thử ốm đi, thử hôm nào thích nghỉ đi, xem nó ra sao. Học đương đại mà đầu óc không đương đại, sống phải thấy mình tự do và thoải mái”.
Phương muốn coi “mình không phải là một diễn viên múa, mà mình là một sinh linh chuyển động”, sự chuyển động phải xuất phát từ bên trong cơ thể, rồi mới biểu hiện ra bên ngoài. Phương giải thích nghệ thuật đương đại Phương đang theo đuổi là như vậy.
Rất nhiều bạn học ở nước ngoài lại chọn con đường ở lại vì sợ về Việt Nam không phát triển được. Phương thích trở về Việt Nam. Cô muốn biểu hiện chính mình. Phương đơn độc và độc đáo ở chương trình Giai điệu mùa thu 3 ở Nhà hát Lớn năm 2007. Cô diễn hay, lạ, nhưng ít người hiểu và thông cảm.
Ba má Phương là nghệ sĩ thứ thiệt cũng từng phản đối con khi Phương theo dòng nghệ thuật mới này. Cuộc “chiến” để thoát áp lực cản từ trong gia đình khó khăn, căng thẳng như khi Phương trình làng tác phẩm. Cô dấn thân và coi mình lấy cuộc đời để thể nghiệm cho một dòng nghệ thuật múa đương đại Việt.
Ngô Thanh Phương vừa biên đạo vừa biểu diễn. Cô gặp Arabesque của Tấn Lộc như một cuộc đồng hành. Tấn Lộc là tấm gương của sức sống, trí lực lao động. Trong vở Sương sớm, màn những người đàn bà với những nỗi khát vọng trong đêm là một màn ấn tượng. Phương đã tìm sự độc đáo của mình.
Hiện nay cô chơi thân và làm việc với họa sĩ điêu khắc Nguyễn Thúy Hằng. Cô là người đầu tiên mạnh dạn đưa tác phẩm điêu khắc lên sân khấu diễn chung. Phương không sử dụng nhạc làm nền cho phần múa của mình mà dùng âm thanh để diễn đạt. Bộ ba ê-kíp Phương, Hằng, Tùng (âm thanh) hiện đã trở thành một ê-kíp cho phần múa đương đại của Ngô Thanh Phương.
Trong vở Tích tắc, Phương với mái tóc uốn bung, uốn mình dưới năm hình nhân dị tướng đầy ma lực. Con người có những góc tối, Phương biểu cảm về điều đó. Trong góc tối, con người là nô lệ với những thói xấu nhất để chính họ lại vùng vẫy thoát ra. Khi thoát được, họ lại trở về với chính sự non nớt ban đầu của chữ Người.
Khán giả đã thấy hay và hấp dẫn bởi tên Ngô Thanh Phương trong vai trò là biên đạo trong tiết mục Coma (người sống thực vật) cho diễn viên Nguyễn Hữu Thuận đi thi cuộc thi múa đương đại ở Hàn Quốc, Phương chuyển tải ý tưởng “họ” vẫn nhận biết thế giới xung quanh nhưng bản thân thể xác mình thì chẳng thể làm được những điều mình muốn. Cuộc giằng co giữa bên trong và bên ngoài của con người là bi kịch. Với tiết mục này Nguyễn Hữu Thuận được giải bạc và Phương nhận giải Biên đạo xuất sắc nhất.
Lâu nay người ta quen với việc tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật là tiếp nhận chủ đề. Phương đưa nghệ thuật của mình theo cảm xúc và cảm giác, điều đó phải đòi hỏi sự trải nghiệm. Là biên đạo và tự diễn Phương hiểu và khai thác tối đa những dấu ấn thời gian và lịch sử trên cơ thể của mình (cách nói của Phương).
Vì vậy, bạn xem múa đương đại, bạn không hiểu, nhưng nếu bạn thích, cảm giác và mỹ cảm về điều bạn trải qua sẽ từ từ hiện lên trong bạn. Sắp tới, Phương làm vở Mười tám đó là những biến tấu cơ thể và suy nghĩ của tuổi 18. Khi một số hình ảnh đã được giới thiệu ở Singapore, Phương đã nhận được lời mời tham dự festival: T.H.E dance Company từ ngày 29-11 đến ngày 4-12 sắp tới.
Những ngày này, Phương và Trường Đại học RMIT đang chuẩn bị cho chương trình tương tác giữa video và múa tại Lệ Thanh. Trong chương trình này, sự chuyển động cơ thể được ánh sáng và ống kính bắt hình tạo ra những hiệu ứng lạ tạo ra những cảm xúc, cảm giác hay chỉ để nhìn. Chương trình là cách giúp sinh viên tiếp cận được nghệ thuật và cách xử lý phương tiện truyền thông, kỹ thuật hiện đại.
Cuộc đời nghệ thuật vừa trải nghiệm vừa thử nghiệm, Phương cũng thất bại rất nhiều, tránh sao khỏi có lần những nỗ lực lao động cật lực của mình nhận được sự thờ ơ, phản đối. Mỗi lần như vậy, Phương lại thấy mình mạnh hơn. Cô bắt đầu tự tìm lại mình ngoài đời, Phương là một cô gái ấn tượng: Mắt sắc, da nâu, miệng rộng, nụ cười sắc như ánh mắt.
Cô sống với quan niệm giải phóng phụ nữ tuyệt đối. Ba mẹ Phương có một cô con gái duy nhất. Họ cũng muốn con giống như mọi cô gái khác: có chút sự nghiệp, và nhanh chóng tính chuyện chồng con để có hạnh phúc thường tình.
Câu hỏi và cách sống của Phương: Tại sao ta phải giống những phụ nữ khác? Tại sao làm phụ nữ phải hy sinh cho người khác mà không phải sống cho chính ta, sống cho chính những niềm khát khao của mình. Đừng ép phụ nữ vào những cái không phải của mình. Phương mang điều đó vào nghệ thuật và nghệ thuật đã trả lại cho Phương chính giá trị tinh thần mà Phương đã dâng hiến.
Chính vì thế Phương không buộc mình phải đi múa minh họa hay múa cho ca sĩ hát. Cô chỉ dồn tâm lực vào nghệ thuật múa đương đại của mình. Cứ làm hết khả năng, Phương không bao giờ sợ thiếu việc, đấy là đặc tính hay của nghề sáng tạo. Một chút băn khoăn cho Phương khi nghệ thuật múa đương đại Việt Nam và sự nghiệp của Phương kéo dài thể nghiệm thì làm sao mà sống? Ngô Thanh Phương, mỉm cười thật nhẹ: Khi sung sức, sáng tạo thì đâu có nghèo…