Trong một buổi chia sẻ với sinh viên, Shark Phạm Thanh Hưng – Phó chủ tịch HĐQT CEN Group – đã chia sẻ rõ hơn câu nói của ông đầu mỗi tập Shark Tank – “Cần cù thôi chưa đủ, muốn làm chủ phải tinh khôn”.
Shark Hưng cho biết: Phần lớn chúng ta khi bắt đầu bước ra thương trường, bắt đầu kiếm tiền, những thứ chúng ta có nhất là Sức khỏe và Thời gian. Nhưng nếu chỉ có Sức khỏe và Thời gian không thôi thì mãi mãi chúng ta chỉ có thể là người nhân viên tốt, cần cù, mẫn cán.
“Nếu làm chủ để dùng được người khác, phải có tư duy thông minh, phải tinh khôn một chút. Phải có những tư duy khác thường, có tư duy đánh đổi và tư duy vượt trội so với tư duy làm việc thông thường. Đó là lời khuyên mà tôi muốn nói với các bạn”, Shark Hưng chia sẻ.
Trong khởi nghiệp hay lập nghiệp, nếu muốn trở thành người lãnh đạo, người dẫn dắt một nhóm, công ty, tập đoàn, thậm chí cả một ngành vươn ra được thế giới, ông Hưng cho rằng tư duy tinh khôn, mưu lược là hết sức cần thiết. Và sự tinh khôn này là điều rất khó dạy, vì nó mang tính bản năng và trải nghiệm.
“Các bạn cứ ngã đi, cứ mất mát đi, cứ đớn đau đi, đời sẽ dạy chúng ta tinh khôn. Trẻ con cứ dọa sờ vào lửa bỏng đấy, hay sờ vào điện giật đấy, nhưng nó đâu biết thế nào là bỏng, là giật. Hãy cho nó thử một lần. Nó phải có cảm giác đau mới hiểu”, Phó chủ tịch CEN Group khuyên nhủ.
Shark Hưng cho rằng trong kinh doanh cũng vậy, phải có trải nghiệm, phải vấp ngã, chúng ta mới trở nên tinh khôn. Còn lắng nghe những doanh nhân đi trước chia sẻ kinh nghiệm, vấp ngã, đớn đau thì các bạn cũng chỉ cảm nhận được phần nào.
Đam mê mà không dám đánh đổi thì bạn chưa đủ đam mê!
Chia sẻ về đam mê khởi nghiệp của các bạn trẻ, Shark Hưng cho rằng: Khi ra ngoài thương trường, thường cái gì thiếu chúng ta sẽ khát khao. Thiếu tiền rất muốn có tiền. Thiếu tình cảm gia đình thì rất khát khao tình cảm. Những người thất nghiệp, đi xin việc làm không được, thì có xu hướng sẽ mở công ty giới thiệu việc làm.
Trong khởi nghiệp, đam mê là điều thường hay được nói đến, nhưng đam mê được định hình như thế nào lại là một câu chuyện khác.
“Chúng ta đam mê quá nhiều thứ, hoặc chỉ đơn giản là thích, đôi khi cái thích đó lại không phải từ bên trong của chúng ta, nó không quằn quại, không thường trực, không nung nấu, không khiến chúng ta sẵn sàng vì nó để xả thân, hoặc sẵn sàng đánh đổi những điều rất có giá trị trong cuộc sống”.
“Chúng ta phải thực sự suy nghĩ rằng chúng ta dám đánh đổi điều gì cho đam mê đó của chúng ta. Tiền bạc. Sức khỏe. Thời gian. Hay những cuộc vui chơi. Xa lánh gia đình. Chia tay người yêu… Chúng ta có dám đánh đổi không để đam mê của chúng ta thành hiện thực? Cái gì cũng có giá của nó. Nếu chúng ta chỉ đam mê mà không dám đánh đổi thì chưa đủ đam mê đâu”, Shark Hưng nhắn nhủ.
– Theo Tri thức trẻ