Đó là hai con số đáng nhớ của Serena Williams, nhà vô địch Australian Open 2015 khi nhờ đó cô nâng thành tích lên 19 danh hiệu Grand Slam. Và 16 chính là chuỗi trận thắng của cô trước Maria Sharapova.
Serena không có kình địch theo nghĩa cô kỵ rơ đối thủ nào đó. Kình địch của Serena chính là cô khi phong độ tụt giảm do chấn thương hoặc tâm lý bất ổn vì những sự kiện ngoài thể thao. Dù cô đã 33 tuổi, cái tuổi góp phần vào nhận định quần vợt nữ đỉnh cao đang già đi, nhưng Serena hoàn toàn có cơ hội bắt kịp thành tích 22 danh hiệu của Steffi Graf.
Sáu lần vào chung kết ở Melbourne Park và đều đăng quang, Serena không giấu được sự phấn khích sau khi gặp nhiều trục trặc trong bốn lần giải trước đây. Thậm chí cô phấn khích đến mức bị phạt trừ điểm vì đã ăn mừng quá sớm khi nghĩ rằng cô đã giao bóng ăn điểm trực tiếp (bàn thứ bảy của ván hai), nhưng Sharapova đã đánh trả thành công cú giao bóng này. “Tôi hét lên “C’mon” quá sớm. Tôi nghĩ rằng đã là luật thì phải chịu phạt điểm thôi”, Serena giải thích. Ở cơ hội kết thúc trận đấu lần thứ ba, Serena đã buông vợt trước khi trọng tài thông báo bóng chạm lưới. Khi thực hiện lại, cô tiếp tục giao bóng ăn điểm trực tiếp và thận trọng chờ trọng tài chính thức thông báo trận đấu kết thúc với tỷ số 6-3, 7-6 (5). Đây là cú giao bóng ăn điểm trực tiếp thứ 15 của Serena trong ván hai và 18 trong cả trận đấu. Toàn giải, cô thực hiện đến 88 lần giao bóng ăn điểm trực tiếp. Thành tích siêu hạng này đã được cô quy ra 17.600 đôla Úc để giúp đỡ những bệnh nhân mắc chứng Lou Gehrig, một chứng bệnh liên quan đến tế bào thần kinh kiểm soát các cơ khiến người bệnh không thể di chuyển, nói chuyện, nuốt thức ăn và thở. Cô đã thực hiện lời hứa đóng góp 200 đôla Úc cho mỗi cú giao bóng ăn điểm trực tiếp tại giải. “Tôi rất vinh dự được có mặt tại đây để nâng chiếc cúp Grand Slam thứ 19. Tôi không nghĩ rằng điều đó lại đến sớm như vậy”, cô nói.
Với 33 tuổi và 127 ngày, Serena trở thành nhà vô địch nữ lớn tuổi nhất ở Australian Open trong kỷ nguyên open. Danh hiệu này tưởng có lúc đã xa rời tầm tay Serena khi có đến hai lần cô lội ngược dòng ở vòng 3 (trước Elina Svitolina) và vòng 4 (trước Garbine Muguruza). Từ tứ kết trở đi, cô không phạm sai lầm nào. Trong trận chung kết, chỉ nhờ sự vùng lên của Sharapova trong ván hai mà trận đấu hấp dẫn và kịch tính hơn. Có đến hai lần Sharapova cứu điểm thua trận lúc cầm giao bóng, nhưng điều đó không đủ để chấm dứt chuỗi 16 trận thua trong vòng một thập niên, kể từ sau trận chung kết Wimbledon 2004. “Tôi đã không đánh bại Serena trong một thời gian rất dài, nhưng tôi thích mỗi lần ra sân cùng với cô ấy vì đó là tay vợt xuất sắc nhất. Tôi có những hồi ức đẹp trong sự nghiệp trên sân này và cả một số trận thua khó nuốt trôi, nhưng đó là cuộc sống của một tay vợt”, Sharapova phát biểu mà không hề mất đi sự duyên dáng của người thua trận khi thừa nhận rằng không thể làm gì hơn trước những cú giao bóng mạnh có lúc đạt 203km/g của Serena.
- Huỳnh Quang