Khi scandal tham nhũng liên quan đến nhiều viên chức cao cấp thuộc LĐBĐ Thế giới (FIFA) chưa kịp lắng xuống thì người ta lại nghe nói đến chuyện tham nhũng của một số giới chức có thẩm quyền quyết định về việc tổ chức Copa America (Cúp bóng đá Nam Mỹ), một trong những giải bóng đá danh giá nhất sau World Cup. Năm 2011, ước tính có trên 5 tỉ lượt người xem các trận đấu của Copa America. Trong ba thập niên qua, cũng như World Cup, doanh thu của sự kiện thể thao này ngày một tăng. Năm 1987, quyền khai thác quảng cáo Copa America chỉ bán được 1,7 triệu USD, nhưng đến Copa America 2015 đã tăng lên 75 triệu USD. Đặc biệt vào năm 2016, cúp bóng đá kỷ niệm 100 năm ngày ra đời của Copa America diễn ra ở Mỹ sẽ thu được 112,5 triệu USD tiền bán quyền khai thác quảng cáo.
Trong một thời gian dài, từ năm 1986 đến gần đây, quyền quảng cáo thương mại trong sự kiện Copa America chỉ nằm trong tay Công ty Traffic Sports. Ban đầu, công ty này chỉ bán quyền quảng cáo tại các trạm đỗ xe bus rồi dần dà trở thành tập đoàn tiếp thị bóng đá quan trọng nhất châu Mỹ. Theo những số liệu nội bộ của Traffic Sports do Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ghi nhận được, chỉ riêng Copa America 2007, doanh thu từ việc bán bản quyền truyền hình và tiếp thị của công ty này đã lên đến 74,2 triệu USD, lợi nhuận đạt 29,1 triệu USD.
Tuy nhiên, đó không phải là kết quả những việc làm minh bạch của Traffic Sports. Theo một cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ, công ty này đã hối lộ các viên chức thuộc Conmebol (LĐBĐ Nam Mỹ) trong suốt 30 năm qua để được hưởng nhiều đặc quyền trong giao dịch với tổ chức này. Số người được hối lộ gồm hai chủ tịch của Conmebol và chín chủ tịch của các LĐBĐ quốc gia, trong đó có Brazil và Argentina. Trường hợp hối lộ xảy ra sớm nhất vào năm 1991, khi ông Nicolas Leoz, Chủ tịch Conmebol, đòi ông Jose Hawilla – người sáng lập Traffic Sports, phải chi một khoản tiền hàng trăm ngàn USD để có chữ ký của ông ta trong một hợp đồng nhân danh Conmebol, với thời gian thực hiện kéo dài gần 20 năm. Bản cáo trạng cho biết sau đó, ông Leoz còn đòi những khoản hối lộ bổ sung 1 triệu USD vào mỗi lần diễn ra Copa America. Năm 2007, khi Copa America được tổ chức ở Venezuela, chủ tịch LĐBĐ nước này là Rafael Esquivel đã đòi Traffic Sports chi 1,7 triệu USD để tiếp tục hỗ trợ cho công ty trên độc quyền khai thác sự kiện thể thao quan trọng này. Một lần nữa, Traffic Sports lại phải hối lộ, tiền được rửa thông qua ngân hàng và các thương vụ tại Mỹ cùng nhiều nơi khác. Năm 2010, sáu chủ tịch LĐBĐ trong Conmebol tìm cách gạt Traffic Sports ra khỏi cúp Copa America và giành quyền khai thác thương mại cho một trong những đối thủ của họ là Công ty Full Play. Traffic phản ứng bằng cách đưa cả Full Play lẫn Conmebol ra tòa, với lý do là hợp đồng giữa hai đơn vị này vi phạm thỏa thuận đã ký giữa họ với Conmebol có hiệu lực đến cúp Copa America 2015.
Vụ khởi kiện chưa hề được xét xử. Cuối cùng thì Traffic Sports đã tìm một lối thoát mới bằng cách tiếp xúc riêng với Full Play và một công ty thứ ba là Torneos y Competencias để thành lập một tập đoàn chung có tên Datisa, để cùng nhau chia sẻ những khoản lợi khổng lồ từ việc khai thác quyền thương mại tại Copa America.
Vụ án các giới chức cũ của Conmebol nhận tiền hối lộ vẫn còn nằm trên giấy, thì nay sự hiện diện của Tập đoàn Datisa lại đặt ra những vấn đề mới, nhất là khi Copa America 2015 chỉ mới bắt đầu.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)