Trong khi toàn thế giới tiếp tục giãn cách xã hội để hãm đà lây lan của Covid-19, nhiều người tìm cách chống lại sự buồn chán bằng sự sáng tạo. Chuyện về những thiên tài cho ra những tác phẩm kiệt xuất trong lúc phải sống trong cảnh cách ly vì dịch bệnh hoặc trong một kiểu cô lập bó buộc – tương tự tình cảnh của chúng ta hiện nay – sẽ cho chúng ta hy vọng về những điều tốt đẹp giúp thoát ra khỏi giai đoạn khó khăn này.
Edvard Munch
Hẳn bạn biết bức họa The Scream (Tiếng thét) có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất của họa sĩ Na Uy Edvard Munch. Ông cũng bị tác động bởi dịch cúm chết người năm 1918. Tuy vậy The Scream không được vẽ trong thời kỳ dịch bệnh ấy, mà vào năm 1893. Nhưng Munch vẽ nhiều tranh trong khi bị mắc bệnh, nhất là bức họa Self-Portrait with the Spanish Flu (Chân dung tự họa khi bị cúm Tây Ban Nha) vào năm 1919.
Ngược với nhiều người, Munch không chết vì cúm, ông qua khỏi và tiếp tục vẽ cho đến lúc cuối đời.
Frida Kahlo
Nữ nghệ sĩ Mexico này hứng chịu nhiều tai ương trong suốt cuộc đời. Mới 6 tuổi, cô đã mắc bệnh bại liệt, phải nằm liệt giường trong một thời gian dài. Khoảng 12 năm sau, chiếc xe buýt chở nữ sinh viên Kahlo va chạm với một tàu điện; cô bị thương tích trầm trọng, bị gãy cột sống và xương hông, phải nằm lì trên giường sau thời gian nằm bệnh viện.
Chính trong thời gian dưỡng thương này, Kahlo chuyển sang ước mơ trở thành nghệ sĩ, dù trước đó cô theo học ngành y. Trong thời gian hồi phục, cô hoàn tất chân dung tự họa đầu tiên vẽ theo ảnh trong tấm gương đặt ở cuối giường.
Salvator Rosa
Bức họa Human Frailty được Salvator Rosa vẽ trong nỗi vật vã khi vừa mất con trai nhỏ trong Đại dịch Đen ở Napoli tàn phá một phần nước Ý vào năm 1656. Một bức tranh u ám thể hiện một bé sơ sinh (tượng trưng cho con trai của ông) ký một hợp đồng với thần Chết. Anh và chị của ông cũng qua đời vị bệnh dịch hạch.
Châm ngôn sống của ông: “Hoặc im lặng, hoặc nói những điều hay hơn sự im lặng” được ghi trên chân dung tự họa của ông được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Anh (London).
Giovanni Boccaccio
Đại dịch Đen giáng xuống ngôi nhà của Boccacio tại Florence vào năm 1348, khiến cha và mẹ kế của Boccaccio chết. Sau đó, ông viết một tập truyện ngắn có nhan đề The Decameron (10 ngày) bằng tiếng Hy Lạp cổ. Tập sách này kể chuyện 10 đứa trẻ chạy trốn bệnh dịch hạch ở Florence vào năm 1348, trải qua 2 tuần ở vùng quê. Mỗi ngày – tức là mỗi truyện – là truyện của mỗi nhân vật trong thời kỳ cách ly.
Isaac Newton
Năm 1665, khi Newton đang là sinh viên ở Đại học Cambridge, bệnh dịch hạch hoành hành ở London. Trường đại học đóng cửa và cho sinh viên trở về nhà. Newton lui về tu viện Woolsthorpe và tận dụng thời gian ẩn cư cho việc nghiên cứu. Ông trải qua 18 tháng làm việc không ngừng, đạt được những bước tiến quan trọng. Lý thuyết về trọng lực hình thành trong thời kỳ này. Ông còn viết một số bài về toán học.
- Xem thêm: Những chấn thương tâm lý thời dịch bệnh
William Shakespeare
Thành phố London đóng cửa do bệnh dịch hạch trong suốt 10 năm (1603-1613). Trong thời gian các nhà hát kịch ngưng hoạt động, Shakespeare sáng tác thơ, trong đó có Venus and Adonis, nhất là vở kịch King Lear ra đời trong thời kỳ cách ly dịch bệnh này, được trình diễn lần đầu tiên vào cuối năm 1606.
Victor Hugo
Năm 1851, chán nản và vỡ mộng do tình huống xã hội ở Pháp, nhà văn Victor Hugo không ngần ngại phê phán chính sách của Napoleon III và thậm chí kêu gọi kháng chiến. Mọi sự diễn ra không như ông mong muốn, và đoán trước lệnh lưu đày biệt xứ, Victor Hugo quyết định chọn cuộc sống lưu vong.
Cuộc sống tha hương kéo dài suốt 20 năm, thoạt tiên ở Bruxelles (Bỉ), rồi đến đảo Jersey và cuối cùng ở đảo Guernesey (2 đảo nhỏ trong biển Manche). Nhiều tác phẩm có giá trị của ông ra đời trong 2 thập niên xa xứ này, không chỉ 3 tập thơ, mà cả tiểu thuyết Les Misérables (Những người khốn khổ), một trong những tác phẩm kinh điển của văn chương Pháp.
Simone de Beauvoir
Nữ trí thức tiền phong của thế kỷ XX, triết gia theo chủ nghĩa hiện sinh Simone de Beauvoir không được phép giảng dạy vào năm 1943, trong thời kỳ nước Pháp bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Bà dành toàn thời gian hỗ trợ phong trào kháng chiến Pháp và viết nhiều tác phẩm văn học. Đáng chú ý nhất là kịch Les Bouches unitiles (Những kẻ ăn hại) viết năm 1945, lấy bối cảnh một cuộc bao vây diễn ra vào thế kỷ XIV, nhưng tác phẩịm lại gợi ý cho những kẻ điều hành chế độ Quốc xã.
- Xem thêm: Những đại dịch đã qua và sắp đến
Cái tựa khiến ta nghĩ đến cách mà các nhà lãnh đạo Đức không do dự loại bỏ những người được xem là sống bên lề xã hội như người già, phụ nữ và trẻ em (bị xem là vô tích sự) trong giai đoạn bị vây hãm, để cứu cuộc sống của những nam thanh niên khoẻ mạnh.