Dù chỉ là một triển lãm tranh phiên bản (tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, 97 Phó Đức Chính, Q.1 – từ 30-6 đến 6-7), “Kalpana” cũng đem đến cho người thưởng ngoạn một góc nhìn đẹp về nghệ thuật tạo hình đương đại Ấn Độ.
Trong ngôn ngữ Sanskrit, Kalpana có nghĩa là “sáng tạo” và là “trí tưởng tượng” trong tiếng Hindi. Kalpana còn là một cái tên phụ nữ rất phổ biến tại Ấn Độ. Cái đẹp và sự sáng tạo là ý nghĩa của triển lãm này, được thể hiện qua tác phẩm của những họa sĩ nổi tiếng bậc nhất, trong số đó có Maqbool Fida Husain (1915-2011) được gọi là “Picasso của Ấn Độ”, người đã thể hiện các sử thi Mahabharata, Ramayana bằng ngôn ngữ hội họa phương Tây hiện đại và cũng là người có tác phẩm gây tranh cãi nhất khi vẽ các nữ thần Ấn giáo trong tư thế khỏa thân; thậm chí cuối đời ông phải sống lưu vong ở Dubai vì bị các nhóm cực đoan Ấn giáo tuyên án tử hình. Năm 2008, một bức tranh của Husain được bán với giá 1,6 triệu USD tại nhà Christie’s ở New York. Bên cạnh đó còn là tranh của các bậc thầy lớn, đại diện cho các trào lưu hội họa, các sắc tộc cũng như các bang khác nhau tại tiểu lục địa Ấn Độ. Đó là Jamini Roy (1887-1972), người đã làm sống lại nghệ thuật dân gian và nghệ thuật bộ tộc tại bang Bengal quê ông dù được đào tạo theo hội họa trường quy châu Âu. Là Francis Newton Souza (1924-2002) mà tác phẩm được đặc biệt ưa chuộng tại phương Tây: cũng trong năm 2008, tác phẩm Sinh nở của ông được bán với giá trên 2,5 triệu USD tại nhà Christie’s ở London – mức giá cao nhất đối với một tác phẩm hội họa Ấn Độ đương đại. Là Tyeb Mehta (1925-2009), người đã kinh qua hầu hết các trào lưu nghệ thuật hiện đại và đều thành công; năm 2002, tranh bộ ba Tụng ca của ông đã bán được với giá hơn 300.000 USD tại nhà Christie’s, là bước khởi đầu ngoạn mục cho sự bùng nổ giá tranh Ấn Độ. Ngoài ra còn có các tên tuổi lớn K.G. Subramanyan, Krishen Khanna, Bhupen Khakhar, A. Ramachandran, Jogen Chowdhury, Manjit Bawa và ba gương mặt nữ kiệt xuất là Arpita Singh, Anjolie Ela Menon, Arpana Caur. Đặc biệt là trong số các tên tuổi nêu trên, có không ít người tự học vẽ.
Nhìn chung, gần 30 bức tranh được triển lãm cho thấy những nét tiêu biểu của một nền hội họa lớn, kết hợp hài hòa giữa những tinh hoa được tiếp thu từ mỹ thuật phương Tây với truyền thống văn hóa lâu đời và các đặc trưng của nghệ thuật tạo hình bản địa. Điều đó giải thích vì sao hội họa Ấn Độ đang được giới sưu tập quốc tế đặc biệt quan tâm và đang có giá cao trên các sàn đấu giá có uy tín nhất.
Triển lãm “Kalpana” được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh sau khi đã đến với công chúng Hà Nội vào cuối tháng 4 vừa qua, và nằm trong khuôn khổ các hoạt động nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Ấn Độ – Việt Nam.
- Y Chiêu