Nhiều năm sau khi trở về Việt Nam lần đầu tiên, họa sĩ Nguyễn Văn Hùng mới có một triển lãm cá nhân khá trọn vẹn tại gallery Eight (số 8 Phùng Khắc Khoan, Q.1, TP. Hồ Chí Minh, từ 14-11 đến 14-12). Ở triển lãm có tên “Khí” này, bên cạnh tác phẩm hội họa, họa sĩ còn bày một số tượng điêu khắc bằng đồng. Triển lãm được gallery Art Việt Nam tại Hà Nội phối hợp tổ chức. Họa sĩ Ca Lê Thắng, người bạn thân thiết của tác giả đã viết cảm nghĩ cho triển lãm.
Thông điệp từ thế giới nội tâm
“Đẹp hay không đẹp không phải là câu hỏi hay mục đích của triển lãm này. Tác phẩm của Nguyễn Văn Hùng là một liều thuốc cho tâm hồn để đem ta trở về với câu hỏi đơn giản nhưng uyên thâm về sự tồn tại và những gì ẩn giấu phía sau nó. Một cuộc tìm kiếm về mặt tâm linh không gắn liền với một tôn giáo nào. Mãi đào sâu vào những bí ẩn, những mảnh vỡ chúng ta thấy (trong tranh anh) chính là những thông điệp từ tâm hồn nghệ sĩ…”.
Suzanne Lecht – Giám đốc nghệ thuật gallery Art Việt Nam
Hùng chuẩn bị cuộc triển lãm của mình tại Sài Gòn đã khá lâu, vì nhiều lý do, nhưng theo tôi vì anh cũng chưa thật hài lòng với những gì anh đã nghĩ, đã làm. Cách đây gần hai năm anh và tôi có tham dự một cuộc chơi với vài người bạn tại nhà họa sĩ Lã Quý Tùng. Tôi ngạc nhiên thấy Hùng dùng cây tăm xỉa răng chấm vào mực vẽ những nét trên giấy theo cách rất ngẫu nhiên. Thậm chí tôi còn tin rằng anh cũng chẳng cần nhìn vào tờ giấy, Hùng vừa vẽ vừa nói chuyện hài hước về cái nghề, cái nghiệp vẽ, lâu lâu lại tợp một hớp bia còn mắt thì nhìn về hướng xa xa.
Khoảng một tuần sau chúng tôi góp tranh làm một cái triển lãm nho nhỏ trên căn gác bằng gỗ cột điện chưa làm xong. Ngắm một loạt tranh của Hùng, thấy cứ na ná như nhau – những nét mực được cày xới bởi cây tăm tạo ra vô số hình thù kỳ lạ, dày đặc kín mít tờ giấy. Thực tình tôi cũng thấy ngồ ngộ và nghĩ ông này chắc hơi gàn. Nhưng xem đi xem lại và đi lai rai với Hùng, nói những chuyện tào lao tôi bỗng chợt nhận ra trong tâm thức của Hùng có những xáo trộn và đổi thay. Tôi còn đồ rằng Hùng đã ngộ ra một cái gì đó ở cái tuổi 65 mà hơn 40 năm lênh đênh ở cái xứ cách xa quê nhà hàng vạn dặm, Hùng đã nhận ra một tia sáng trong mênh mông những hồ nghi về cái đẹp, cái xấu xí, cái thật, cái giả. Những đường nét dường như vô thức của Hùng tôi chợt nhận ra đâu đó ở vân gỗ, ở các bước sóng của nước, của cát, của mây, của thạch nhũ, của tinh vân, của vũ trụ, những đường đi kỳ lạ của các tế bào trong thế giới vi mô.
Kiên nhẫn ngắm các tranh của Hùng tôi thấy các bức đó khác nhau như vân tay, chỉ tay của mỗi một con người. Loài người thoạt nhìn giống nhau. Cách ăn, cách ở, cách nghĩ, những thói quen của cuộc sống bầy đàn khiến cho người ta giống nhau. Và có ai đó biết lùi ra xa, đủ xa để tự phát hiện cái riêng, cái duy nhất không thuộc bầy đàn của chính mình. Làm nghệ thuật thực sự là làm cái việc cô đơn như thế, rất quyết liệt và không thỏa hiệp, nhất là không nhân nhượng với chính mình. Hiếm người làm được, nhưng có những người ta chợt nhận ra sức mạnh ở họ qua ánh mắt, qua công việc của họ để ta tin rằng họ đã gần đạt được niềm hân hoan vô tận. Xin chúc mừng Hùng và những tác phẩm của Hùng tại triển lãm này.
Họa sĩ Nguyễn Văn Hùng sinh năm 1950 tại Việt Nam, tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Bruxelles (Bỉ). Từ năm 1983 đến nay ông đã có hàng chục triển lãm nhóm cũng như triển lãm cá nhân tại nhiều gallery và bảo tàng ở Bỉ, Pháp, Mỹ. Năm 2004 ông trưng bày tranh tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) và 2011 tại quán cà phê Nấm (TP. Hồ Chí Minh).
- Ca Lê Thắng