Các công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây (cloud storage) cho điện toán đám mây (cloud computing) đang ăn nên làm ra trong thời đại lockdown (đóng cửa) cùng với các công cụ trợ giúp làm phim tại nhà như phần mềm Teradici và hộp Aruba. Một công nghệ quen thuộc của thế giới số cũng giúp thay đổi cách sản xuất phim. Đó là những cỗ máy tạo game (games engine).
Dựng phim tại nhà nhờ điện toán đám mây và các công cụ hỗ trợ
Hoạ sĩ Ere Santos thuộc số nhà làm phim hoạt hình sớm thích nghi với xu hướng làm phim tại nhà ngay từ lúc chưa xảy ra đại dịch Coronavirus. Anh nói: “Tôi từng dùng máy tính để tạo ra những cảnh chiến đấu giữa nhân vật chính, nhân vật phụ và nhân vật của mình”. Santos và người bạn tiếp tục với thử nghiệm của họ và nay đã tiến được một bước rất dài. Thay vì vẽ tay, các nhà làm phim truyện dài hoạt hình hiện nay đã dùng máy tính để tạo ra các nhân vật của mình dựa vào tư thế hay động tác mẫu.
Santos nói: “Cách làm này cũng tương tự như dùng máy tính để đưa sự sống vào những con búp bê vô hồn”. Rắc rối là nếu làm không chính xác, búp bê sẽ không sống động, không thực và sẽ bị khán giả tẩy chay. Ví dụ, nếu không chính xác, hai bàn tay đang vỗ sẽ… đi xuyên qua nhau!”. Hiện Santos đang làm một bộ phim hoạt hình dài khác, nhưng không làm với đồng nghiệp tại studio mà làm một mình phân cảnh và nhân vật được giao trong căn hộ anh đang sống ở thủ đô London của nước Anh.
Bộ phim do hãng phim Jellyfish Pictures sản xuất. Khoảng 100 hoạ sĩ sẽ hợp tác để hoàn chỉnh toàn bộ cảnh phim trước khi chuyển sang bộ phận khác để làm cho nó chuyển động. Được hỏi có trở ngại gì khi nhóm làm phim không được tiếp xúc trực tiếp với nhau, Santos nói: “Chúng tôi vẫn cố duy trì tiếp xúc bằng những cách khác để sự tương tác giữa các nhân vật được hoàn hảo hơn. Chúng tôi cũng thường xuyên nhận được sự chỉ đạo của các đạo diễn tại Jellyfish và studio phim DreamWorks tại Los Angeles”.
Phim hoạt hình có nhiều lớp hiệu quả đặc biệt. Santos nhận định: “Làm phim bên ngoài studio là trải nghiệm thú vị nhưng cũng lắm thách thức. Nhờ điện toán đám mây, sự hợp tác giữa đội ngũ làm phim và studio dễ dàng hơn”. Vì lockdown trên diện rộng, Jellyfish Pictures quyết định xử lý và lưu trữ tất cả dữ liệu của bộ phim mới trên đám mây thay vì chỉ trong văn phòng. Nó thuê một công ty công nghệ giúp việc này để đội ngũ dựng phim có thể truy cập dễ dàng dữ liệu trên Internet mọi lúc mọi nơi (dĩ nhiên là phải có mật khẩu hay được chứng thực).
Công nghệ dựng phim hoạt hình bằng máy tính đã phát triển được 10 năm. Nhưng từ khi Covid-19 buộc thế giới phải lockdown, một làn sóng phim mới dựa vào điện toán đám mây đã hình thành. Điện toán đám mây cũng làm bùng nổ một loại hình kinh doanh mới gọi là micro-industry, để chỉ các công ty chuyên cung cấp cơ sở hạ tầng (enterprise infrastructure-EI) để điện toán đám mây đi vào tận nhà riêng.
Trong điện ảnh, EI giúp kết nối an toàn giữa nhà ở và đám mây để các công ty sản xuất phim có thể thiết kế, điều hành và kiểm tra đội ngũ làm phim. Muốn truy cập vào kết nối để làm việc, nhân viên phải đăng nhập bằng phần mềm chuyên biệt. Có khi họ thông qua chiếc hộp phát tín hiệu wifi như Aruba cắm vào home router. Các trợ thủ làm phim như laptop, máy tính bảng hay phone sẽ bắt tín hiệu wi-fi của hộp để xác minh quyền truy cập vào hệ thống. Hộp wifi cũng cho phép người dùng chiếm quyền ưu tiên trước những cuộc gọi, chơi game hay xem phim trên Internet.
Vốn chỉ dùng cho hoạt động khôi phục sau thảm hoạ từ 10 năm qua, nay doanh số hộp wifi này đã tăng mạnh nhờ lockdown. Hiện nay doanh thu toàn cầu đã đạt 1 tỉ USD và sẽ tăng lên 9 tỉ USD trong 5 năm tới. Nhờ enterprise infrastructure, việc dựng phim hoạt hình có thể làm ngay tại nhà thay vì đến studio.
Từ căn hộ của mình ở Ealing, London, Santos bắt đầu một ngày làm việc bình thường bằng cách đăng nhập vào phần mềm Teradici (giống như một phòng làm việc ảo dựa vào dữ liệu từ đám mây). Lập tức, hệ thống dữ liệu bộ phim anh tham gia của Jellyfish Pictures được mở ra và có thể tiến hành công việc ngay. Tuy nhiên, không giống những người làm việc từ xa bằng Google Docs, Santos mở một file gồm nhiều lớp hoạt hình.
Những file “ảo” được tồn trữ trong Microsoft Azure, nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây (cloud storage) của Mirosoft, và đã được sao lưu (back up) tại trung tâm dữ liệu “thật” Hayes. Những phân cảnh hoạt hình đòi hỏi máy tính phải cực mạnh mới có thể tải về hết. Trên 500 megapixels/giây sẽ truyền đến màn hình với độ chính xác màu sắc tuyệt đối (1 megapixel gồm 1 triệu pixels). Nhưng phần mềm Santos đang dùng chỉ gửi một phần pixel lên màn hình máy tính của anh.
Chúng được chia nhỏ để nhiều người có thể làm việc cùng lúc trên mỗi cảnh. Từng pixel đều được nén và mã hoá để giữ bí mật và an toàn tuyệt đối cho bộ phim trong lúc các nhà làm phim tiếp tục công việc của mình. Ziad Lammam, giám đốc công ty Canada tạo ra Teradici cho biết doanh thu đã tăng mạnh từ khi lockdown.
“Cuối cùng, sau một thời gian dài do dự, các studio phim đã tin tưởng vào lợi ích của điện toán đám mây trong việc sản xuất phim” – Lammam nói. Alan Ni, giám đốc phụ trách công nghệ thông minh tại công ty Aruba ở Mỹ, đồng ý như thế. Aruba chính là chiếc hộp phát wi-fi cắm vào router để đi vào hệ thống dữ liệu của Jellyfish Pictures. Do khả năng mã hoá cao, Aruba rất được các công ty tài chính và bảo hiểm ưa thích.
Cứu tinh sản xuất phim thời lockdown
Kim Libreri – chuyên viên về hiệu quả đặc biệt (visual effects) hiện đang sống tại phía bắc bang California và là giám đốc công nghệ tại Epic Games có 9 năm nghiên cứu mảng công nghệ dùng để tạo ra các trò chơi máy tính (computer games), ví dụ trò chơi nổi tiếng “Fortnite” – tin rằng, các “trợ thủ” Unreal Engine, sản phẩm của công ty Epic Games, sẽ cung cấp “gạch” (building block) và công cụ để các nhà phát triển videogame xây dựng sản phẩm của riêng mình.
Unreal Engine cũng thu hút sự quan tâm của các nhà sản xuất phim điện ảnh, phim truyền hình. Unreal Engine 5 là phiên bản mới nhất sẽ được giới thiệu vào năm 2021. Epic rất tự tin với các tính năng bổ sung của nó. Trợ thủ số này sẽ cho phép đưa hiệu quả đặc biệt thẳng vào cảnh phim mà không cần thao tác nhiều. “Trong cách làm phim truyền thống, đạo diễn và nhà quay phim phải quay một cảnh tại phim trường rồi giao những thước phim đã quay cũng như ý tưởng thể hiện cho đội ngũ hoạ sĩ và nhà thiết kế “thực tại ảo” để họ thêm thắt đồ hoạ và hiệu quả đặc biệt vào nên mất khá nhiều thời gian.
Nay nhờ Unreal Engine, đạo diễn, nhà quay phim, thiết kế sản xuất và đội thực tại ảo có thể làm việc cùng lúc tại phim trường mà không phải qua 2 giai đoạn như trước. Nói rõ hơn, quá trình tương tác giữa các bộ phận diễn ra ngay trong phim trường. Unreal Engine 5 giúp cho quá trình thực hiện các cảnh quay cần sự trợ giúp của thực tại ảo và hiệu quả đặc biệt trở nên dễ dàng hơn. Thế giới ảo sẽ đi vào phim nhựa và truyền hình ngay tại trường quay mà không phải chờ đợi. Nói rõ hơn, thực và ảo cùng song hành trong việc cho ra một sản phẩm phim ảnh.
Cái sau không còn phải chờ cái trước như xưa. Giống như chúng ta đưa trò chơi game vào trong cảnh thật đang diễn ra trước mặt” – Libreri nói. Anthony Hunt, giám đốc điều hành tập đoàn giải trí số đa quốc gia Cinesite, từng phụ trách hiệu quả đặc biệt của các bộ phim bom tấn như Avengers: Endgame, Independence Day: Resurgence, Iron Man 3… rất ấn tượng với trợ thủ Unreal Engine 5 sắp trình làng.
- Xem thêm: Điện ảnh gây ngộ nhận về bùng phát virus
Mới đây, công ty của ông đã dùng Unreal Engine để làm một màn biểu diễn đứng tim (live stunt show) cho du khách xem tại một công viên chuyên đề, gồm cả cảnh đuổi bắt, đánh đấm và những cú nhảy xa thách thức tử thần. “Tất cả diễn ra trên màn hình LED, giống như các diễn viên tham gia show đang tự thực hiện các động tác nguy hiểm. Thực và giả pha lẫn vào nhau. Đây là một trải nghiệm độc đáo và thú vị” – Hunt nói.
Việc kỹ nghệ điện ảnh vay mượn công nghệ số của kỹ nghệ sản xuất trò chơi máy tính là điều không mới mà chỉ là bước phát triển cao hơn trong thời kỳ đại dịch. Việc sản xuất phim với sự tham gia của hiệu quả đặc biệt ngay tại phim trường cũng giống như lập bản đồ cảnh quay trong không gian 3D với vật liệu sử dụng là ảnh, mạch chuyện và hoạt hoạ. Nó được thực hiện trên hệ thống tương tự hệ thống xây dựng videogame.
Nhưng do việc sản xuất phim nhựa và phim truyền hình đang gặp trở ngại vì giãn cách xã hội nên được sử dụng nhiều hơn. Sân vận động Dodger Stadium trong bộ phim âm nhạc Rocketman là một ví dụ về lợi ích của Unreal Engine khi cần tạo ra những cảnh đông đúc khán giả. Chỉ cần một số nhỏ khán giả ăn mặc khác nhau được đưa vào phim trường. Phần ‘nhân’ do Unreal Engine đảm trách. Trong Rocketman (nói về những năm đột phá của danh ca Elton John) cảnh sân vận động Dodger Stadium được tạo dựng khi diễn viên Taron Egerton đứng biểu diễn tại phim trường Shepperton Studios.
Đám đông là kết quả của đồ hoạ sự kết hợp giữa công nghệ tạo cảnh lớn 3D và những bức tường ghép bằng nhiều màn hình LED. “Tường LED ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong sản xuất phim nhựa và phim TH vì nó cho phép các nhà làm phim đưa hiệu quả đặc biệt vào camera và tạo ra các cảnh ngoạn mục trong thời gian thực” – Libreri nói. Nhiều panô LED cũng được dùng để lam bộ phim khoa học giả tưởng nhiều tập The Mandalorian (thuộc “gia đình” phim Star Wars của hãng Disney). “Nhờ Unreal Engine các nhà làm phim giảm được nhiều thời gian di chuyển giữa các cảnh quay và có thể mô phỏng bất cử cảnh nào có ngoài đời thực” – Libreri nhấn mạnh.
Hunt bổ sung: “Ngay cả khi đã hết giãn cách xã hội, các đạo diễn sẽ vẫn tiếp tục sử dụng công nghệ số để làm phim vì họ đã thấy lợi ích của nó. Công nghệ mới giúp tiết kiệm được cả tiền bạc lẫn thời gian. Sẽ có ít việc phải làm hơn tại phim trường và sau sản xuất”. Nhưng sự thay đổi này ảnh hưởng thế nào đến các diễn viên và đội ngũ làm phim? “Chắc chắn sẽ có sự biến động. Một số vai có thể thay bằng các nhân vật máy tính do CGI tạo ra” – tiến sĩ Daniel Green, giám đốc chương trình học Master of Entertainment Industry Management Program tại Đại học Carnegie Mellon, nhận xét.
- Xem thêm: Săn ảnh lén thích nghi với đại dịch
“Ngoài ra, khi hoạt động sản xuất phim trở lại bình thường, việc bảo đảm an toàn cho đội ngũ làm phim cũng được phải tính trong kinh phí sản xuất phim. Một điều cần lưu ý nữa là dù CGI giúp bộ phim thú vị hơn, nhưng cốt chuyện cũng rất quan trọng nếu muốn lôi kéo khán giả. Lạm dụng công nghệ mà quên nội dung là tự sát. Làm lại The Lion King sẽ đẹp hơn, sống động hơn, nhưng cốt chuyện vẫn là sức hút chính” – Green nhấn mạnh.
Travis Cloyd, giám đốc công nghệ của công ty CMG Worldwide đại diện cho hơn 1.700 người nổi tiếng, vận động viên, nhạc sĩ, thương hiệu trên thế giới nhìn thấy triển vọng khác của việc sử dụng các cỗ máy Unreal Engine. “Nó sẽ giúp làm sống lại các nhân vật lịch như James Dean thông qua song sinh kỹ thuật số của họ” – ông nói.