Cải lương là một bộ môn nghệ thuật dân tộc đặc sắc, có sức hấp dẫn và lan tỏa đến nhiều miền quê của đất nước, từ thành thị đến nông thôn, từ miền Nam ra miền Bắc… Ra đời vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, sân khấu cải lương khá gắn bó với đời sống xã hội và ngược lại, thăng trầm theo năm tháng…
Trải qua lịch sử hơn 100 năm phát triển, sân khấu cải lương miền Nam có thời kỳ cực thịnh. Và đất Nam bộ đúng là đất của đờn ca tài tử, của cải lương. Đến ấp nào, xóm nào, bất kể đám cưới, đám giỗ, lễ tết hay chỉ đơn giản là buổi ngơi tay giữa lúc làm đồng, người ta cũng có thể tụ họp hát ca cổ, cải lương.
Sức sống của sân khấu cải lương
Hiện nay, cải lương miền Nam nhận được sự quan tâm rất lớn của các cơ quan truyền thông, từ báo chí đến Phát thanh và Truyền hình. Hiện có nhiều đài truyền hình, đài phát thanh đã và đang phát hình, phát thanh chương trình đờn ca tài tử, ca cổ, cải lương. Chẳng hạn, Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) với Chuông vàng vọng cổ, Vầng trăng cổ nhạc. Đây là những chương trình hay, có số lượng rating cao, thu hút được nhiều thí sinh tham gia.
Đặc biệt, Vầng trăng cổ nhạc là một chương trình ca cổ, cải lương thu hút nhiều nghệ sĩ tham gia nhất, đến nay chương trình này đã diễn ra được 200 số. Từ số đầu tiên (tháng 1-2001) đến giờ, chương trình vẫn được khán giả mộ điệu cải lương chờ đợi mỗi tháng. Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) có chương trình Bông lúa vàng. Tham gia chương trình, thí sinh phải trải qua 3 vòng thi là Trổ đòng, Lúa vàng và cuối cùng vào chung kết xếp hạng tranh giải Bông lúa vàng.
Nội dung cuộc thi nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của cải lương – bộ môn nghệ thuật đặc trưng vùng đất phương Nam. Có thể nói, giải thưởng Bông lúa vàng năm 2018 là một trong những điểm nhấn góp phần lan tỏa nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương trong đời sống. Bên cạnh đó, ở các tỉnh, thành khác cũng có nhiều Đài Phát thanh và Truyền hình cùng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử, ca cổ, cải lương, cụ thể như:
Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp (THDT) với Tài tử miệt vườn. Chương trình nhằm tìm kiếm những tài năng trong loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử, ca cổ, cải lương vốn rất được người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long yêu thích. Chương trình diễn ra từ tháng 5 đến tháng 6-2018 với 6 vòng thi: khởi động, cất cánh, tăng tốc, so tài, hát cùng nghệ sĩ và đăng quang.
Thí sinh tham gia ở nhiều lứa tuổi với nhiều ngành nghề và đến từ khắp nơi trên cả nước; từ những thành viên Câu lạc bộ đờn ca tài tử cho đến các bạn trẻ không chuyên có niềm đam mê đờn ca tài tử, cải lương như: học sinh, sinh viên, giáo viên, anh chạy xe ba gác, cô bán vé số,… Qua chương trình này, chúng tôi cảm nhận đờn ca tài tử, cải lương của vùng đất Nam bộ đang có một sức sống mới ở khắp các vùng quê. Và, Tài tử miệt vườn chính là nơi hội tụ của những đam mê đó.
Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng (STV) với Nhà nông tài tử tranh tài. Đây là năm thứ 2, STV tổ chức Hội thi Nhà nông tài tử tranh tài, nhằm bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam bộ, tạo sân chơi bổ ích cho nông dân. Hội thi được sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo nông dân miền Tây. Phần lớn thí sinh lần đầu được đứng trên sân khấu nên khá bỡ ngỡ và hồi hộp, nhưng với niềm đam mê đờn ca tài tử, cải lương nên đã thể hiện khá tốt bài dự thi.
Qua các tiết mục thi diễn, Ban Giám khảo và khán giả đều thấy sự nỗ lực, tài năng và tình yêu dành cho đờn ca tài tử, cải lương của các thí sinh nông dân. Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nam nhận xét: “Hội thi Nhà nông tài tử tranh tài 2018 là chương trình rất phong phú. Đa phần người dân Nam bộ rất thích ca cổ, nhưng do không có sân chơi để bà con thể hiện lời ca, tiếng hát, nên tôi thấy Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng tổ chức chương trình này rất hay, qua chương trình này, Ban Giám khảo đã phát hiện được nhiều nông dân có giọng ca rất hay, gần như chuyên nghiệp”.
Đài Phát thanh và Truyền hình Cà Mau (CTV) với Giải Bông Tràm. Cứ 2 năm một lần, Giải Bông Tràm, do CTV phối hợp với Sở VH-TT-DL tổ chức, quy tụ nhiều bạn trẻ đam mê nghệ thuật cải lương vùng đất Nam bộ. Qua 6 lần tổ chức, Giải Bông Tràm đã phát hiện và chắp cánh cho nhiều giọng hát hay, những tài năng trẻ vươn xa trên con đường nghệ thuật, góp phần bổ sung đáng kể vào đội ngũ nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp của nước nhà.
Năm 2018, Giải Bông Tràm lần thứ VII mở rộng đến các tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Long An, Trà Vinh, Đồng Tháp và TP Cần Thơ, nhằm phát triển loại hình nghệ thuật cải lương và tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho những người yêu mến nghệ thuật cải lương, phát hiện những gương mặt mới, những giọng ca tài năng trẻ. Có thể nói, Giải Bông Tràm là cái nôi phát hiện và tìm kiếm những giọng ca cải lương tài năng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật cải lương miền Nam.
Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật cải lương, từ ngày 5.9 đến 19.9 năm 2018, Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Sở VH-TT tỉnh Long An đã tổ chức Liên hoan Cải lương toàn quốc. Liên hoan có sự tham gia của 25 nhà hát, đoàn nghệ thuật công lập chuyên nghiệp và các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, cùng thi diễn 32 vở cải lương với nhiều phong cách, từ tuồng cổ, lịch sử đến xã hội, đương đại. Ngoài điểm diễn chính tại Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An, ban tổ chức còn sắp xếp để các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa của TP.HCM thi diễn tại Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Trần Hữu Trang và rạp Công Nhân tại TP.HCM.
Liên hoan năm nay mở rộng phạm vi đối tượng tham dự và đề tài, các vở được dàn dựng từ năm 2014 đến nay và những vở được phục dựng với ê kíp sáng tạo mới, khuyến khích các tác phẩm hưởng ứng việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Liên hoan này đã tạo được một sân chơi nghệ thuật đúng nghĩa, có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật; khẳng định giá trị và vai trò của nghệ thuật cải lương trong đời sống xã hội, đồng thời tìm kiếm những nét mới cho sân khấu cải lương. Trong đó, khá nhiều đơn vị xã hội hóa dựng vở được đầu tư lớn về công sức và tiền bạc (có vở được đầu tư tiền tỉ) và gây dấu ấn như Thai Hậu Dương Vân Nga (sân khấu Lê Hoàng) khá công phu và cũng khá hấp dẫn, Rạng ngọc Côn Sơn (Công ty TNHH giải trí Kim Tử Long), Tổ quốc nơi cuối con đường (Nhà hát Thế giới trẻ).
Những thách thức đặt ra cho sân khấu cải lương
Mặc dù đã có một thời vang bóng, nhưng hiện nay sân khấu cải lương miền Nam gặp không ít khó khăn về kịch bản, sàn diễn, khán giả… Theo nghệ sĩ Điền Trung (Phó Đoàn 1, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang): “Cải lương đang đương đầu với rất nhiều khó khăn: thiếu sự chăm lo, thiếu sàn diễn, thiếu kịch bản hay, thiếu những diễn viên chịu khó cũng như tâm huyết với nghề”. Sự phát triển của thời đại công nghệ số, của văn hóa selfie, cải lương không còn đáp ứng được thị hiếu nghệ thuật mới của lớp khán giả hiện đại.
Liên tục, qua các hội thảo chuyên ngành bàn về nghệ thuật cải lương, đã có nhiều bài viết phân tích thực trạng cải lương ở nhiều khía cạnh khác nhau: về sự thiếu vắng đội ngũ kế thừa trên sân khấu, trong môi trường đào tạo thiếu vắng soạn giả tâm huyết, đạo diễn giỏi, nghệ sĩ tài năng; còn trang thiết bị phục vụ sân khấu thì đã quá lỗi thời. Cho nên, sân khấu cải lương miền Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Theo nhìn nhận của Nghệ sĩ ưu tú Minh Vương: “Sự xuất hiện của nhiều món ăn tinh thần, nhiều bộ môn nghệ thuật mới khiến không gian và cả quỹ thời gian danh cho cải lương nói chung bị thu hẹp lại. Nhất là với giới trẻ, những khát khao tìm đến với thế giới rộng mở hay việc họ bị cuốn hút vào các hình thức giải trí mới âu cũng là lẽ tất nhiên”.
Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam) còn cho biết: “Sự thiếu hụt rất lớn về nguồn nhân lực làm nghề, giữ nghề, cùng góp sức phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương là vòng luẩn quẩn khiến nghệ thuật cải lương không có lối ra… Bên cạnh đó là sự thiếu hụt rất lớn lực lượng đạo diễn, diễn viên cải lương.
Nghệ sĩ thành danh hiện còn ít, đa số tuổi cao sức yếu, trong khi đó lớp đạo diễn, diễn viên trẻ tài năng lại chưa được quan tâm đào tạo, nhiều người bị phân tâm trong nỗi lo mưu sinh. Cơ chế, chính sách, nguồn lực cho nghệ thuật cải lương và các nghệ sĩ cải lương còn thiếu, yếu không đồng bộ, còn nhiều hạn chế, bất cập”.
Thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều diễn viên cải lương trẻ, có chất giọng tốt nhưng họ chưa tạo cho mình một phong cách, một làn hơi riêng như những người đi trước. Chính vì thế, những khán giả ở tuổi trung niên, người già, yêu thích cải lương càng khao khát nghe được những giọng ca đã từng làm say đắm lòng họ… Chính sự thiếu hụt rất lớn về nguồn nhân lực làm nghề, giữ nghề, làm cho sân khấu cải lương miền Nam không có lối ra.
Nhiều ý kiến cho rằng tuồng cải lương hiện nay nhiều hơn trước nhưng chất lượng không cao như khán giả kỳ vọng. Một số tuồng dàn dựng có vẻ quá hấp tấp, vội vàng và chất lượng nghệ thuật của một số tác phẩm giống như kiểu “mì ăn liền”, không sâu sắc, không ấn tượng và không đi sâu vào lòng người… Cái mà khán giả mong muốn ở cải lương hiện nay là có được những vở hay, ấn tượng mà họ từng yêu thích ở thập niên 1960, 1970. Thực trạng này thể hiện rõ tại Liên hoan cải lương toàn quốc năm 2018, vẫn có ít vở diễn mới xuất hiện, cho thấy sự khó khăn trong việc tìm một kịch bản cải lương mới, hay, thuyết phục.
Nặng nề hơn nữa, sân khấu cải lương và âm nhạc cải lương bị sa lầy trong sự chắp vá, lai căng suốt mấy chục năm cho tới tận ngày nay. Càng thả mình chìm sâu trong vũng lầy đó, sân khấu cải lương và âm nhạc cải lương đã trở thành “thủ phạm” gieo mầm, nuôi dưỡng và phát triển một thị hiếu và tập quán thưởng thức nghệ thuật cũng chắp vá như bản thân nó trong công chúng. Nó làm sai lạc, méo mó cả bản chất của sân khấu cải lương…
Mặc dù trải qua nhiều bước phát triển thăng trầm của lịch sử nhưng nghệ thuật cải lương vẫn được khẳng định là một bộ phận quan trọng trong vốn di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Muốn bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật cải lương, nghệ sĩ cần phải làm mới nghệ thuật, làm mới mình. Cái gì là bản sắc dân tộc cố nhiên là phải giữ, cái gì có thể cách tân cho phù hợp với thời đại, cần đầu tư có chiều sâu, có kinh phí, có thời gian và chất lượng mới mong cải lương phát triển.
Quả thật, nhìn lại đường đi của sân khấu cải lương miền Nam qua 100 năm, có thể thấy vẻ đẹp cải lương trên sân khấu vẫn khá vững bền. Cho dù xã hội đang bước vào cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng không vì vậy mà sân khấu cải lương miền Nam bị đẩy lùi vào quá khứ. Người Nam bộ nói riêng, nhân dân cả nước vẫn cứ ghiền, vẫn cứ say mê sân khấu cải lương. Do vậy, giới mộ điệu có thể vững tin rằng sân khấu cải lương sẽ không bị lụi tàn và biến mất trong thế kỷ XXI.
- Xem thêm: “Chỉ một đêm, một đêm duy nhất…”