Nếu như thay vì rút khỏi Hiệp định TPP, Tổng thống Trump gây áp lực để Quốc hội nhanh chóng phê chuẩn Hiệp định này, thì sau đó ông đã có thể tập trung vào mở rộng thành viên, kết nạp các đồng mình như Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia. Một hiệp định như TPP sẽ gây áp lực quan trọng lên Trung Quốc.
Tổng thống Trump có thể đúng khi tập trung vào xử lý các thách thức thương mại và kinh tế mà Trung Quốc đặt ra với nước Mỹ. Nhưng giới chuyên gia cho rằng, cách tiếp cận của ông dẫn đến nguy cơ sản sinh ra một thỏa thuận chỉ với những thắng lợi ngắn hạn nhưng tổn thất khủng khiếp trong dài hạn.
Đầu tháng 5 này, Mỹ đã áp đặt thuế nhập khẩu 25% lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và đe dọa áp mức thuế này lên tổng lượng hàng hóa trị giá 325 tỉ USD. Đáp lại, Bắc Kinh tuyên bố sẽ nâng thuế đánh vào 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ.
Theo CNN, đối phó với Trung Quốc là một thách thức xác định đối với nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc đang giảm xuất khẩu và đầu tư vào thị trường nội địa, họ bị cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ (IP), buộc các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ, đồng thời chính phủ trợ cấp cho các doanh nghiệp nội địa. Điều này mang lại cho các công ty Trung Quốc một lợi thế cạnh tranh không công bằng. Những chiến thuật như vậy cũng gây khó khăn cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong việc giám sát, hoặc trong nhiều trường hợp, các quy tắc của tổ chức còn không bao quát đến những hành vi như vậy. Trung Quốc tuyên bố sẽ ra luật mới để nhằm hạn chế những tập quán thương mại như vậy, nhưng nhiều người vẫn hoài nghi về hiệu quả của nó.
Một thỏa thuận thành công giữa Mỹ và Trung Quốc phải bao gồm những cải cách đối với chính sách trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, cải thiện bảo vệ sở hữu trí tuệ và tự do thông tin. Việc đạt được tiến bộ trong những lĩnh vực này luôn khó khăn, bởi nhưng cải cách sẽ ảnh hưởng tới sự kiểm soát của Bắc Kinh lên nền kinh tế.
Trong khi đó, Chính quyền Tổng thống Trump lại không có sự chuẩn bị cho nước Mỹ về quá trình và tổn thất của thách thức trên. Washington đã đơn phương rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), và liên tục làm tổn thương các đồng minh như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Canada bằng cách tăng thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ các nước này (thuế nhập khẩu vào hàng hóa Canada chỉ mới được dỡ bỏ), xúc phạm cá nhân các lãnh đạo đồng minh, khiến cho Washington càng khó khăn hơn để thành lập một “mặt trận thống nhất” để đối phó với những rắc rối thương mại của Trung Quốc.
Theo giới quan sát, quyết định rút khỏi TPP khiến Tổng thống Trump mất đi một vũ khí hữu hiệu, một “đòn bẩy” nhằm gia tăng áp lực với Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại giữa hai bên.
Theo chuyên gia Joshua P. Meltzer (làm việc cho Chương trình Phát triển và Kinh tế toàn cầu tại Viện Brookings), để có được kết quả tốt nhất từ một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Trump cần gia nhập trở lại TPP (nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP). Nếu như thay vì rút khỏi Hiệp định này, Tổng thống Trump gây áp lực để Quốc hội nhanh chóng phê chuẩn TPP, thì sau này ông đã có thể tập trung vào mở rộng các thành viên, ra bao gồm cả các đồng minh Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia, những nước vốn rất quan tâm tham gia Hiệp định.
Một thoả thuận thương mại như vậy sẽ tạo ra áp lực bổ sung rất quan trọng lên Trung Quốc đòi họ phải cải cách các tập quán thương mại.
Vì sao lại như vậy? Thứ nhất, trong khuôn khổ TPP, các chuỗi cung cấp luân chuyển bên ngoài Trung Quốc sẽ mang đến cho các doanh nghiệp cơ hội tiếp cận ưu tiên với thị trường Mỹ. Hơn nữa, TPP cũng đã bao gồm những quy định mà Mỹ đang đòi hỏi ở Trung Quốc, chẳng hạn như các hạn chế đối với doanh nghiệp Nhà nước, trợ cấp và cam kết về tự do dòng chảy dữ liệu.
Thứ hai, rút khỏi TPP đã kích hoạt “nỗi đau” đang hoành hành khắp ngành nông nghiệp Mỹ, khi nông dân mất cơ hội tiếp cận ưu tiên mà các đối thủ Australia, Canada – những thành viên TPP – có được ở châu Á, trong đó có Nhật Bản. Các loại thuế nhập khẩu của Tổng thống Trump đánh vào thép và nhôm đã dội “đòn” trở lại nông dân Mỹ, trong khi những đòn thuế trả đũa của Trung Quốc nhằm vào xuất khẩu nông sản Mỹ càng khiến cái giá phải trả trở nên đắt hơn, người nông dân Mỹ thiệt hại nhiều hơn.
Một số đòn trả đũa này vẫn chưa rõ ảnh hưởng khi Mỹ cũng nâng thuế với Trung Quốc, nhưng cái giá phải trả chắc chắn sẽ nhỏ hơn nếu như các nhà sản xuất Mỹ có thị trường TPP thay thế. Điều này ảnh hưởng không chỉ đến ngành nông nghiệp, mà còn làm tăng áp lực chính trị lên Tổng thống Trump trong nỗ lực đi đến một thoả thuận, điều mà Trung Quốc sẽ tận dụng để chiếm lợi thế của họ.
Chuyên gia Meltzer cho rằng Tổng thống Trump cũng cần chấp nhận rằng, giảm thâm hụt thương mại Mỹ – Trung sẽ chẳng có ích lợi gì với thâm hụt thương mại tổng thể của Mỹ với phần còn lại của thế giới. Các nhà đàm phán của ông đã lãng phí vốn chính trị vào xử lý thâm hụt song phương với Trung Quốc. Việc xác định loại hàng hoá nào (như đậu tương) và Trung Quốc cần mua bao nhiêu như là một phần của thoả thuận thương mại, lại không phải là cách các nền kinh tế thị trường vận hành. Thay vào đó, nó tạo ra một kiểu thương mại được kiểm soát bởi Bắc Kinh.
Theo ông Meltzer, đối đầu với Trung Quốc là vấn đề thương mại quan trọng của thời đại chúng ta. Tuy nhiên, cách tiếp cận hiện tại có nguy cơ “bán” nước Mỹ trong ngắn hạn và không đạt được các mục tiêu then chốt, trong khi làm suy yếu WTO và gây tổn hại cho các đồng minh của Mỹ.