Các chuyên gia, người thì gọi nó là “Rối loạn dương cương”, người thì gọi “Rối loạn cương dương”, người lại gọi tắt “Rối loạn cương”… để chỉ một tình trạng khá phức tạp của nam giới ngày càng có vẻ là một vấn đề thời sự mà trước kia người ta thường chỉ tìm đến hỏi các cột đèn, các loại ngầu pín, ngọc dương… còn nay thì đã có hẳn một ngành y học nằm trong “Nam khoa” ở một số bệnh viện.
Nửa thế kỷ trước, chuyện “rối loạn” này chỉ được nghiên cứu ở một vài quốc gia giàu có, tiên tiến, thì nay, có lẽ do… toàn cầu hóa, nên đã lan tràn khắp nơi. Trong buổi Hội thảo chuyên đề về rối loạn cương (Erectile Dysfunction) tại Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ Y tế Thành phố Hồ Chí Minh ngày 3/7/2004 vừa qua, bác sĩ Trần Bồng Sơn, chuyên gia tình dục học và các đồng nghiệp đã thông báo tình hình “rối loạn” trên toàn thế giới như sau:
Năm 1995, chỉ có 152 triệu nam giới bị thì dự kiến năm 2025 sẽ có 322 triệu, nghĩa là sẽ tăng hơn gấp đôi. Theo số liệu báo cáo chính thức thì có 52% nam giới từ 40-70 tuổi có “rối loạn” ở các mức độ nhiều ít khác nhau. Tuổi càng cao tỷ lệ càng cao. Nếu ở tuổi từ 40-49 chỉ khoảng 10% có vấn đề thì ở tuổi 50-59 đã có đến 30%, rồi ở tuổi 60-69 hơn 50%! Tóm lại, từ 50 tuổi trở lên, cứ hai ba nam giới thì có… một người “xìu”(!). Mỹ hiện có 30 triệu, Anh 2,3 triệu, Canada 3 triệu, Malaysia 3,2 triệu. Singapore 13% và Thái Lan 38% trong độ tuổi 40-70 ở thành thị (Kongkanand A). Còn ở Việt Nam? Bác sĩ Trần Bồng Sơn đoán khoảng 3%. Tóm lại, hình như càng giàu, càng phát triển, càng tiện nghi, đời sống vật chất càng đầy đủ… thì càng dễ bị “xìu”!
Ở ta, sở dĩ không thể có con số chính xác vì đây là một thứ bệnh “nhạy cảm” mà theo bác sĩ Trần Bồng Sơn, một người có nhiều kinh nghiệm chữa trị bệnh này hằng chục năm qua thì người bệnh rất hiếm khi “thật thà khai báo”. Bất đắc dĩ lắm mới phải đến bác sĩ. Khi đến thì lựa lúc sắp hết giờ, sắp đóng cửa phòng mạch mới lò dò đến. Bệnh nhân đội nón lụp xụp, mang kiếng đen như điệp viên “không không thấy”.
Có trường hợp do bà xã “dẫn độ” đến và quyết liệt ngồi chờ ở phòng đợi để bác sĩ làm việc tới nơi tới chốn… Kết quả trị liệu ra sao bác sĩ cũng chịu, không biết! Được, không được, tốt xấu thế nào, bệnh nhân không nói ra. Thật khác xa với những bệnh như tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp… Rồi chuyện thuốc men. Thuốc phải thật… đắt tiền mới công hiệu! Công hiệu có lẽ nhờ thuốc đắt quá, xót, không lẽ không vớt vát tí gì! Cho nên có lần có người sản xuất một loại trà… “cường dương” bán với giá bình dân 1.500 đồng một gói, hỏi ý kiến, bác sĩ đã khuyên nên bán 50 hay 100 ngàn, may ra mới có kết quả được!
- Xem thêm: Lời nói của thầy thuốc
Ở nam giới, “rối loạn” dẫn đến những vấn đề tâm lý khá phức tạp! Người đàn ông vốn thường muốn chứng tỏ “bản lãnh” của mình. Vậy mà càng muốn chứng tỏ tình hình càng nguy ngập thêm. Thất bại một lần dẫn tới thất bại tiếp (cứ y như David Beckham đá pénalty!). Lo âu về thành tích sẽ ngày càng có thành tích xấu hơn. Bệnh sẽ càng trầm trọng hơn và dễ dẫn đến trầm cảm. Có sự tác động qua lại giữa “rối loạn cương” và trầm cảm, gây thêm phức tạp cho vấn đề.
Kinh nghiệm của diễn giả thấy người càng… trí thức càng rắc rối! Trí thức biết nhiều quá, phân tích, suy diễn nhiều quá, lo lắng nhiều quá, muốn chứng tỏ bản lãnh cũng nhiều quá. Một ông giám đốc công ty lớn, đầy quyền uy, cả ngàn người sợ hãi, vậy mà có “một thằng” không hề biết sợ. Bảo không nghe! Càng ra oai, nó càng… xìu. Mất thể diện quá! Thật là tai hại nếu trong chuyện này mà muốn đi trắc nghiệm, “thử test”, bằng một cách nào đó! Bởi chuyện quan hệ tình dục phải có ước muốn, phải có tình cảm, nên khi cố trắc nghiệm thì thất bại đến 99%!
Do tình trạng “rối loạn” này, gia đình cũng dễ lục đục. Người đàn ông có cảm giác thiếu hụt, có lỗi, có thể tìm cách đổ lỗi cho một nguyên nhân nào đó. Người vợ cũng có cảm giác có lỗi, nghĩ mình không còn hấp dẫn nữa, dần dần chán nản, dẫn đến hết ham muốn, hoặc sinh nghi ngờ… Vợ chồng giảm sự gần gũi, âu yếm. Đi ngủ sớm hoặc trễ hơn người phối ngẫu để né tránh. Trầm cảm, cáu gắt, không thoải mái, tác động xấu đến chung quanh và chất lượng cuộc sống cũng giảm sút!
Có trường hợp… chuyển hướng: ông thì… làm thơ, mê thư pháp, bà thì… đi chùa! Có bà quyết liệt bắt chồng đi chữa bệnh nhưng cũng có bà không: “Ảnh vậy mới là của em. Ảnh mà chữa hết bệnh thì nguy!”. Một lời khuyên của diễn giả: Bạn bè của các ông thường “nổ”, khoe khoang thành tích. Đừng vội tin.
- Xem thêm: Hỏi không đáp, bèn…
Rối loạn cương là một thứ bệnh. Cũng như những bệnh lý khác, tuy phức tạp, gắn với những vấn đề tâm lý xã hội chằng chịt nhưng không phải là không thể chữa trị được. Phải tìm được những nguyên nhân thực thể như tiểu đường, cao huyết áp, trầm cảm… bên cạnh những nguyên nhân tâm lý khác như đã biết. Chữa các bệnh gốc này thì bệnh ngọn kia cũng dứt. Tiểu đường, tăng huyết áp, cholesterol cao, béo phì, rối loạn nội tiết… đều là những nguyên nhân trực tiếp, thường gặp. Béo phì hiện nay là nỗi lo lớn nhất. Nhiều người bị “rối loạn” do béo phì, đến bác sĩ kêu lâu nay không thấy “nó” đâu nữa! “Nó” đã chìm lỉm trong các mô mỡ, đặc biệt bị cái bụng quá khổ che khuất mất rồi còn đâu!
Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh. Tập thể dục đều đặn. Dinh dưỡng tốt. Không hút thuốc lá. Bớt căng thẳng, giảm stress. Đời sống tình cảm lành mạnh. Thích ứng tốt với các mối quan hệ xã hội. Nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa và hợp tác tốt để chữa bệnh. Cả thế giới “xìu” chớ chẳng phải một mình ta! Nếu có bệnh thực thể, chữa không khó. Nếu chỉ là tâm lý trong một giai đoạn nào đó thì “hãy đợi đấy”! Rồi một ngày đẹp trời sẽ tới!
Hẹn thư sau. Thân mến.
Bài này được viết ngay sau buổi báo cáo của BS. Trần Bồng Sơn và các đồng nghiệp. BS. Trần Bồng Sơn (Nguyễn Tấn Trung) đã đột ngột từ trần sau một cơn bạo bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 7/7/2004. Bài viết đã trở thành một kỷ niệm về ông, người thầy thuốc vui tính, đôn hậu, tài hoa, được bạn bè đồng nghiệp quý mến.