Phát minh vô tuyến điện tin (wireless telegraphy) cuối thế kỷ XIX đã mở ra một sự kết nối toàn cầu bằng sóng radio, phát triển rộng rãi từ thập niên 1930 đến 1940. Radio trở thành một phương tiện thông tin trực tiếp đại chúng từ các thành phố lớn đến những vùng hẻo lánh trên toàn thế giới. Sự lan rộng của radio trên thế giới cũng là thời kỳ bắt đầu xuất hiện các đài phát thanh đầu tiên ở Đông Dương.
Radio Saigon: kết nối Đông Dương với thế giới
Đài phát thanh Radio Saigon chính thức phát sóng lần đầu tiên ngày 18-7-1930 với sự hiện diện của Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier. Hai năm trước đó, đại diện của Công ty Vô tuyến Điện thoại Pháp – Đông Dương đã đến Paris đặt mua hệ thống phát thanh và ký hợp đồng với các nhạc công người Pháp để thực hiện những chương trình âm nhạc cho Radio Saigon.
Năm 1929, hai kỹ sư radio từ Paris đã lắp ráp các thiết bị cho đài phát sóng đặt tại khu Chí Hòa. Văn phòng hành chính của Đài Radio Saigon đặt tại số 106 Boulevard Charner (đại lộ Nguyễn Huệ ngày nay).
Tháng 4-1931 báo Le Petit Marseillais có liệt kê các quốc gia trên thế giới nghe được chương trình phát thanh của đài Radio Saigon “tiếng nói Đông Dương”: khu vực Thái Bình Dương (Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Nga, Úc, Canada, Mỹ, New Zealand, và Nam Mỹ); khu vực Ấn Độ Dương (Ấn Độ, Mauritius, các quốc gia Đông Phi và Nam Phi, Madagascar); khu vực châu Âu (Pháp, Anh, Hungary, và nhiều nước khác).
Báo L’Éveil économique de l’Indochine (19.7.1931) tường thuật ông Lévy – Lãnh sự Pháp ở Vân Nam, và ông Wilden – Bộ trưởng Pháp ở Bắc Kinh đều xác nhận là âm thanh từ Radio Saigon rất mạnh và rõ ràng. Thêm vào đó có nhiều thư phản hồi từ các thính giả Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Ceyland và Mỹ đều khen ngợi chương trình biểu diễn âm nhạc của đài Radio Saigon được dàn dựng rất hay.
Làn sóng phát thanh từ Sài Gòn cũng được ghi nhận trong tài liệu lưu trữ ở một số quốc gia. Báo The Singapore Free Press and Mercantile Advertiser thường đăng chương trình biểu diễn âm nhạc của giàn nhạc thính phòng Radio Saigon cho thính giả Singapore. Ở New Zealand, báo Ngôi Sao xuất bản tại Christchurch (ngày 20-10-1920) có tường thuật: “Một đài phát thanh Pháp, Sài Gòn, tôi nghĩ vậy, trên làn sóng 23,6m, được nghe thấy gần như mỗi buổi chiều, nói chuyện với Paris sau 10.30 pm. Rất lớn”.
Tại Úc, nhiều thính giả đã viết thư cho tạp chí The Wireless Weekly để tìm hiểu thông tin về đài phát thanh mới này. Tòa soạn báo này đã có bài viết trả lời chi tiết (tháng 12-1930) và còn ghi rõ lời chào của phát ngôn viên: “Hello. Hello, here is Radio Saigon” (Xin chào. Xin chào, đây là Radio Saigon)…
Âm nhạc Nam bộ lên “giây thép gió” đến với thính giả toàn cầu
“Giây thép gió” là cụm từ tiếng Việt dịch từ tiếng Pháp “télégraphie sans fil”, thường được dịch chính thức là “vô tuyến điện tin” (tiếng Anh: wireless telegraphy/wireless radiotelegraphy). Chương trình phát thanh “T. S. F – Giây thép gió” của Radio Saigon gồm các tin tức chuyển tiếp làn sóng từ Paris, các thông tin kinh tế của Đông Dương, và các tiết mục biểu diễn âm nhạc trực tuyến. Thông tin chi tiết của chương trình phát thanh thường được đăng trước hai tuần trong phụ lục của báo Courrier de Saigon.
Mỗi buổi chiều từ thứ Năm cho đến thứ Ba, chương trình biểu diễn âm nhạc tài tử cải lương Nam bộ được phát sóng trực tuyến từ 18 giờ 30 đến 20 giờ; sau đó là chương trình biểu diễn âm nhạc phương Tây từ 21 giờ 15 đến 22 giờ 15. Ngày thứ Tư từ 18 giờ 30 đến 19 giờ 30 là chương trình độc tấu nhạc cụ phương Tây, sau đó có diễn tuồng cải lương từ 20 giờ 45 tới 23 giờ 30.
Sự ra đời của Radio Saigon đã đưa các nghệ nhân nhạc tài tử và vọng cổ cải lương Nam bộ lên sóng phát thanh “giây thép gió” đến với nhiều thính giả hơn, ngay ở Sài Gòn, ở Đông Dương và các thính giả mới từ những quốc gia khác.
Một chi tiết rất đáng chú ý là cách sử dụng cụm từ “tài tử” trong thông tin chương trình biểu diễn hàng tuần của Radio Saigon: “Như tài tử và người ca có xảy ra điều chi thì chúng tôi xin sửa đổi chương trình trên đây lại, xin quý vị miễn chấp”. Đoạn văn này cho thấy trong thập niên 1930, cụm từ “tài tử” vẫn được dùng để chỉ giới nghệ nhân nhạc cụ cổ truyền.
Giàn nhạc thính phòng phương Tây của Radio Saigon được sự chỉ đạo của nhạc trưởng là nhà soạn nhạc André Soyer. Theo báo Les Annales coloniales (8-1930), giàn nhạc này gồm một số nhạc công nòng cốt từ Paris và trong các buổi hòa nhạc quan trọng sẽ có tăng cường thêm các nhạc công của khách sạn Continental và của hãng phim Eden Cinema.
Trong khi đó, báo L’Éveil économique de l’Indochine (1931) cho biết một thông tin thú vị là một nhóm trí thức người bản xứ ở Sài Gòn đã được thành lập để chọn lọc các nhạc công cho giàn nhạc Việt Nam của đài. Báo Úc ở Sydney có ghi nhận chương trình âm nhạc của Radio Saigon “nhấn mạnh âm nhạc Á châu hơn”.
Sự ra đời của Radio Saigon đã đưa các nghệ nhân nhạc tài tử và vọng cổ cải lương Nam bộ lên sóng phát thanh “giây thép gió” đến với nhiều thính giả hơn, ngay ở Sài Gòn, ở Đông Dương và các thính giả mới từ những quốc gia khác. Hàng đêm, các chương trình phong phú đa dạng với các bài bản quen thuộc như Lưu thủy, Giang Nam, Tứ đại oán, Nam ai, Ngũ đối hạ, Vọng cổ hoài lang v.v.., được dàn dựng qua các tiết mục độc tấu, hòa tấu nhạc cụ cổ truyền với giọng ca, và cả diễn tuồng cải lương cho thính giả thưởng thức.
Theo tư liệu của Frederic Vaillant (radiotsf.fr), các buổi biểu diễn trực tuyến này được thực hiện tại phòng hòa nhạc của đài phát thanh Radio Saigon ở Chí Hòa.
Rất đáng tiếc là Radio Saigon phải chính thức ngừng hoạt động vào tháng 5.1932 vì thiếu kinh phí. Năm 1940, Chính phủ Đông Dương chính thức quản lý Radio Saigon và sau chiến tranh Thế giới thứ hai được đổi tên thành Radio France Asie.
Sau gần một ngàn buổi phát thanh âm nhạc trực tuyến hàng đêm tại Radio Saigon, thông tin về các nghệ nhân tiền bối Nam bộ chỉ hiện hữu bằng những cái tên gọi rất đơn sơ như: cô Thạnh, ông Thiệt, ông Tỵ, cô Nhàn, ông Tui, cô Châu, và còn rất nhiều tên khác. Tuy nhiên, chắc chắn các thế hệ về sau sẽ trân trọng và tiếp tục nhắc mãi các tên gọi thân thương của những nghệ sĩ tiền bối đã đóng góp vào công cuộc duy trì và quảng bá văn hóa Nam bộ ra thế giới.
- Xem thêm: “Chỉ một đêm, một đêm duy nhất…”