Trong tháng 10 và tháng 11 vừa qua, một hoạt động văn hóa đọc đã gây sự chú ý tại cả Hà Nội lẫn TP. Hồ Chí Minh là các buổi tọa đàm ra mắt sách của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, người có công truyền bá chữ Quốc ngữ và cũng được coi là ông tổ nghề báo ở Việt Nam. Các hoạt động này đã thu hút nhiều sự quan tâm từ giới truyền thông, thể hiện thái độ quan tâm và trân trọng của xã hội trước vai trò lịch sử của vị học giả này trong quá trình phát triển văn hóa ViệtNam. Theo đó, lý tưởng và con người của ông cũng được nhìn nhận thấu đáo hơn.
Có hơn 30 năm làm báo và hoạt động chính trị, Nguyễn Văn Vĩnh để lại cho hậu thế một kho tàng đồ sộ những bài báo có giá trị và nhiều tác phẩm dịch nổi tiếng.
Thông qua việc dịch nhiều kiệt tác của các văn hào Pháp như Molière, Victor Hugo, Balzac, Alexandre Dumas, La Fontaine và thông qua các tờ báo của mình, Nguyễn Văn Vĩnh đã góp phần vào cuộc cách mạng chữ viết tại Việt Nam đầu thế kỷ XX để biến quốc ngữ thành chữ viết quốc gia. Sau một thời gian dài bị chìm vào quên lãng, gần đây những đóng góp to lớn của ông đã được nhiều trí thức Việt Namchung sức đưa ra công chúng. Đạo diễn Trần Văn Thủy cũng vì lòng ngưỡng mộ ông mà đã đầu tư làm bộ phim tài liệu Người man di hiện đại. “Người man di hiện đại” – cách Nguyễn Văn Vĩnh từng tự gọi mình cũng đã được lấy để đặt tên cho bộ sách tuyển tập những công trình viết lách của ông. Bộ sách do cháu nội học giả là ông Nguyễn Lân Bình chủ biên, NXB Tri Thức ấn hành. Lời Người man di hiện đại gồm có 14 tập, mỗi tập nói về một vấn đề mà Nguyễn Văn Vĩnh quan tâm, thể hiện qua nội dung các bài báo ông đã viết. Các bài viết thể hiện nền kiến thức rộng và tư duy sâu sắc của học giả này trên nhiều phương diện như: Phong tục và thiết chế của người Việt, vấn đề giáo dục, báo chí, nhà in và ngôn ngữ, cuộc sống nông thôn, các vấn đề phụ nữ, các vấn đề về cuộc sống cộng đồng, y tế, thể thao du lịch… Trong đó ba cuốn đầu tiên gồm: Nguyễn Văn Vĩnh là ai?, Phong tục và thiết chế của người An-nam bản tiếng Việt và tiếng Pháp vừa được ấn hành cuối tháng 9 vừa qua. Đặc biệt, bản tiếng Pháp có tựa đềParole du barbare moderne được xuất bản để kịp mang đi dự Hội chợ sách quốc tếFrankfurt của Đức sắp tới.
Ông Nguyễn Lân Bình giới thiệu phim Người man di hiện đại tại ĐH Hoa Sen
Nếu như cuốn Phong tục và thiết chếcủa người An-nam là tập hợp hàng trăm bài báo của học giả trên tờL’Annam Nouveau thể hiện những suy nghĩ về người nông dân, thì cuốn Nguyễn Văn Vĩnh là ai? tập trung những bài viết về ông của những người đã được xã hội Việt Nam trân trọng và tôn vinh trong lịch sử văn hóa Việt Nam như chí sĩ Nguyễn Văn Tố, nhà văn, nhà tình báo Vũ Bằng, nhà thơ Nguyễn Vỹ, GS-TS Công Thị Nghĩa (bút hiệu Thu Trang)… Đặc biệt, nhóm tác giả trích phần lớn bài viết của giáo sư đại học người Mỹ Christopher E. Goscha, hiện đang giảng dạy tại Montreal-Canada, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử hiện đại Việt Nam, thể hiện sự hiểu biết uyên thâm không phải chỉ về cá nhân học giả Nguyễn Văn Vĩnh, mà cả những diễn biến xã hội ở Việt Nam trong thế kỷ XX. Hầu hết các bài viết nhóm tác giả sử dụng trong cuốn sách này đều được giữ nguyên văn và nguyên tác, điều này có thể làm cho một số độc giả trẻ sẽ ngạc nhiên về câu chữ cũng như cách hành văn tiếng Việt trong quá khứ. Ngoài ra, nhóm tác giả cũng đưa vào phần hai của cuốn sách một số bài viết có tính đại diện về những người con nổi danh của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, nhằm giúp các độc giả phần nào hình dung được tính đa dạng của gia đình Nguyễn Văn Vĩnh.
Là người sở hữu những tư liệu của Nguyễn Văn Vĩnh, ông Nguyễn Lân Bình cho biết những bài viết trong 14 tập sách Lời Người man di hiện đại chỉ chiếm một phần sáu lượng bài viết của Nguyễn Văn Vĩnh bằng chữ Quốc ngữ và bằng Pháp ngữ, không tính các sách dịch. Bà Nguyễn Bích Thủy, đại diện Nhà xuất bản Tri Thức cho biết hết năm 2015 sẽ hoàn thành bộ sách đồ sộ này.
Cẩm Tú
Ảnh Vũ Đức Vượng