Nhà thơ – họa sĩ Phan Vũ Kế: “Ban đầu ông Bùi Ngoc Tư định chọn cái tên “Hương sắc quý bà” cho triển lãm này, nhưng tôi góp ý chỉ nên đặt là “Quý bà” thôi, bởi quý bà đã hàm nghĩa “Hương sắc” rồi”. “Quý bà” – triển lãm cá nhân của họa sĩ Bùi Ngoc Tư được tổ chức tại bảo tàng mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 7-5 đến 19-5-2015).
Gần hai năm trước, hai ông bạn già Phan Vũ và Bùi Ngọc Tư đã cùng với họa sĩ Nguyễn Thế Cường (Cường Tuse) làm một triển lãm chung có tên là “Đam mê”. Từ “đam mê” ấy cũng nói lên được tính cách của họa sĩ Bùi Ngọc Tư bởi nỗi đam mê lớn nhất đời ông là hội họa. Ở tuổi đã tròn tám mươi thượng thọ, ông vẫn không ngừng làm việc, vẫn sáng tác đều tay với nhiều chất liệu tạo hình: sơn mài, sơn dầu, giấy dó. Sống ở quận Tân Bình song ông có một xưởng vẽở huyện Củ Chi mà theo lời ông, ở đó có không gian rộng lớn để ông có thể cho ra đời những bức sơn mài khổ thật lớn, chiều dài đến trên 4m.
Họa sĩ Bùi Ngọc Tư và gia đình ông chuẩn bị hết sức chu đáo cho triển lãm “Quý bà” mà theo ông là “triển lãm cuối đời của tôi”. Có thể gọi phòng tranh hoành tráng này là tập đại thành những chặng đường sáng tác của ông, kể từ khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam đến nay. Ông học niên khóa 1969-1973, được các bậc thầy Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tiến Chung, Trần Đình Thọ, Phạm Văn Đôn hướng dẫn về nghệ thuật sơn mài truyền thống. Dù có phần muộn khi vào trường đại học mỹ thuật, nhưng hành trình sáng tác của ông liền mạch và đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là với mảng tranh sơn mài mà hầu như tác phẩm nào cũng chất chứa nỗi hoài vọng về một thời cổ tích ở chốn làng quê Bắc bộ. Nói như họa sĩ – nhà phê bình Nguyễn Quân tại triển lãm “Đam mê” thì: “Những bức sơn mài khá lộng lẫy và hoành tráng của Bùi Ngọc Tư vẫn tiếp biến cách tạo hình “dân gian” nhưng gắn bó với những di sản kinh điển “phi vật thể” của người Kinh xứ Bắc bộ. Nét mảnh mai trải dài uốn éo, nhấn nhá mời gọi những khoang màu rực rỡ như lo sợ cái vàng son ấy sẽ bất thần tắt lịm trong hư không: những vần song thất lục bát khoan nhặt, thánh thót kể về những gì lung linh nhất trong niềm nhớ thương của kẻ xa quê”.
Năm năm trước, vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, người con xa quê vào miền Nam lập nghiệp đã đưa loạt sơn mài ra Hà Nội triển lãm, đặt tên phòng tranh là “Hương sắc chân quê”, nơi ông bày một thế giới êm đềm, dân dã, dung dị, hồn nhiên với hình ảnh cô Tấm, Thị Kính – Thị Mầu, các liền chị quan họ mớ ba mớ bảy, các đào nương trong đêm ca trù tao nhã ở đình làng, những nàng thôn nữ tắm trăng “dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”… Và những hội làng rộn rã, những ngày vui thôn làng mùa gặt, những đồng vọng một thuở bình yên đã thành quá khứ. Có lần ông đã trải lòng mình: “Tôi cứ bị cuốn hút với những gì dân dã, mộc mạc, mang đậm sắc thái của quê hương, dân tộc: củ khoai, hòn đất, ngọn cỏ, cánh võng, một vạt áo phấp phới trong gió, bờ tre, vài con trâu, những con tép nhảy khi cất vó, những cô gái tát nước đêm trăng, một chiếu chèo, một đêm quan họ, hình ảnh Thị Mầu lên chùa… Từ những hình ảnh đó, tôi chắt lọc những gì ấn tượng để đưa vào tranh mình”.Nói cách khác, Bùi Ngọc Tư luôn đi tìm “một cố hương của tâm hồn” như nhận định của Nguyễn Quân.
Ở triển lãm “Quý bà”, ngoài mảng tranh sơn mài còn có những tranh giấy dó và giấy hoa tiên nền đen.Tranh giấy dó của Bùi Ngọc Tư đã thành “thương hiệu”, có mặt trong nhiều bộ sưu tập trong và ngoài nước.Ông bảo rằng làm tranh sơn mài còn có sự hỗ trợ của người khác và của máy móc (“bây giờ mài bằng máy chất lượng chẳng kém gì, có khi còn hơn mài thủ công”), trong khi vẽ giấy dó hoàn toàn là sự sáng tạo cá nhân.
Cần nói thêm, phía sau những thành tựu của họa sĩ Bùi Ngọc Tư có bóng dáng một phụ nữ, không ai khác hơn là người bạn đời của ông, một nghệ sĩ dân gian mà giọng hát những làn điệu quan họ, chèo, ca trù… của bà đã gắn bó với hội họa của ông bao năm qua. Những hình tượng người nữ, những “quý bà” trong tranh của ông có phần nào đó bà là “đồng tác giả”. Cho nên trong triển lãm “Quý bà” không thể thiếu những làn điệu âm nhạc dân gian, trong buổi chiều khai mạc cũng như vào đêm bế mạc phòng tranh.
“Với sắc vàng lộng lẫy tôn giáo, vỏ trứng nhễ nhại, sơn then thăm thẳm hòa hợp tương tác, ứng biến qua nhiều cấp độ: đập vụn, tung vãi, dồn nén, quy tụ… rồi lại nhảy nhót tưng bừng trên vai trần thiếu nữ mùa hạ trong Khúc đồng dao, Hoàng hôn, Ám ảnh, trong lãng đãng giấc mơ nàng Kiều, tư lự ru tình phảng phất Khúc tì bà định mệnh…, Bùi Ngọc Tư đã đọc lên cái khác thường của nghệ thuật sơn mài, cái bản năng cổ truyền đã không nhìn nhận sự vật bằng con mắt viễn cận duy lý châu Âu nhưng vẫn chuyên chở được chiều sâu thăm thẳm không gian miền ký ức.
Ông đã đặt vào tác phẩm của mình những tương giao tâm tư chứ không hề là sự phô diễn của ý chí trong những bức sơn mài cỡ lớn Hà Nội hương xưa, Khúc hát cửa đình, Phục trang kinh kỳ, Thiếu nữ và hoa sen, Hội ca trù Kinh Bắc cho đến những tác phẩm xinh xắn Nỗi buồn, Một mình, Ám ảnh, Khúc đồng dao, Dạ khúc tình quê nặng trĩu kỷ niệm…”.
Nguyễn Hải Yến
(Nhà nghiên cứu mỹ thuật)
- Như Hoa