Ngày 11-9, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam công bố báo cáo “Phát triển con người toàn cầu năm 2014”. Theo kết quả xếp hạng về chỉ số phát triển con người, Việt Nam hiện đứng hạng thứ 121 trong số 187 quốc gia và vùng lãnh thổ, thuộc vào nhóm trung bình.
Tiếp cận sâu hơn, báo cáo đánh giá mức tăng trung bình về phát triển con người tại nước ta hiện nay đã chậm đi, từ 1,7%/năm thời kỳ trước năm 2000 xuống còn 0,96%/năm. Bên cạnh đó, có tới hơn 50% người nghèo không được hưởng trợ cấp xã hội và chỉ có 20% người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Việt Nam dành ít hơn 1% GDP để trợ cấp xã hội cho người nghèo.
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam được xem là ở mức thấp nhưng chất lượng việc làm mới là quan trọng.Những việc làm có năng suất, tạo ra giá trị gia tăng còn ít, trong khi các công việc phi chính thức và những công việc nhiều rủi ro lại chiếm đa số. Có đến 70% việc làm thuộc khu vực không chính thức và đó là bằng chứng cho thấy sự gia tăng của tình trạng phi chính thức hóa thị trường lao động hậu khủng hoảng. Đã vậy, năng suất lao động của người Việt Nam chưa được cải thiện bao nhiêu, vẫn thấp hơn so với lao động ở nhiều nước, chỉ bằng một nửa so với người Thái Lan hay người Malaysia, thậm chí bằng 1/12 năng suất lao động của người Singapore!
Bà Pratibha Mehta – điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc cho rằng tại Việt Nam, thách thức hàng đầu về chính sách chính là làm sao nâng cao được khả năng đối phó với những cú sốc gây ra tổn thương cho con người và điều này cần được coi trọng như chính sách xóa đói giảm nghèo.
Song song với sự kiện này, ngày 12-9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng mới công bố bảng xếp hạng năng suất sáng tạo của một số quốc gia và Việt Nam chỉ đứng ở vị trí 16 trong số 24 nước được khảo sát. Thực hiện việc này, ADB muốn các nhà hoạch định chính sách có một công cụ để đo lường “sự tiến bộ trong quá trình bồi dưỡng tính sáng tạo và năng lực sáng chế ở 22 nền kinh tế châu Á”. Để thấy rõ hơn sự khác biệt về năng lực sáng tạo của các nước châu Á so với châu Âu và Mỹ, trong bảng xếp hạng về chỉ số năng suất sáng tạo (CPI) có thêm hai quốc gia ngoài châu Á là Hoa Kỳ và Phần Lan. Dựa trên ba thước đo chính ở đầu vào (rèn luyện năng lực sáng tạo, cơ chế khích lệ sáng tạo và môi trường kích thích sáng tạo) cùng các thước đo đầu ra (số bằng sáng chế có được, giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp, số sách và phim ảnh được sản xuất…), Nhật Bản là nước đứng đầu trong bảng xếp hạng. Bốn vị trí kế tiếp thuộc về Phần Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan. Tuy đứng trên Kazakhstan, Philippines, Sri Lanka, Bangladesh, Fiji, Pakistan, Myanmar và Campuchia nhưng Việt Nam đứng sau cả Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia lẫn Lào. Một trong những điều hết sức éo le là người Việt luôn tự tin mình thông minh và sáng tạo, điển hình là trong ngày 14-9, nhân kỷ niệm 40 năm Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO), các nhà chức trách của nền giáo dục nước nhà tỏ ra rất tự hào về trí tuệ Việt Nam cũng như sự đóng góp của Việt Nam cho nền toán học thế giới nhưng lại không chỉ ra được các công trình nghiên cứu tầm cỡ thế giới hoặc số bằng sáng chế do người Việt là chủ sở hữu được các tổ chức quốc tế hoặc nước khác công nhận.
Nguyễn Thắng