Cử tri cả nước đang kỳ vọng trong các phiên chất vấn tại Quốc hội diễn ra từ ngày 4 đến 6-6 tới đây, năm nhóm vấn đề lớn thuộc trọng tâm phát triển đất nước sẽ được mổ xẻ thấu đáo. “Ghế nóng” trong ba ngày chất vấn sẽ dành cho các bộ trưởng.
Nhóm vấn đề thứ nhất là giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là tại các thành phố lớn, và giải pháp xử lý triệt để những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông BOT.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và một số vị bộ trưởng các bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ… cùng tham gia trả lời và giải trình những vấn đề có liên quan.
Chủ tịch của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nơi có nhiều vấn đề liên quan chưa giải quyết được, cũng sẽ tham gia trả lời trong phiên chất vấn về nội dung này.
Nhóm vấn đề thứ hai là công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo, nhất là trong quản lý, sử dụng đất công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi giải phóng mặt bằng. Tình trạng ô nhiễm lưu vực sông và kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, thực trạng xử lý rác thải và giải pháp, các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu.
Nhân vật chính giải trình là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ngoài ra các vị tham gia giải trình ở nhóm thứ nhất và chủ tịch tỉnh Đồng Nai cũng sẽ “chia lửa” về nội dung này.
Nhóm vấn đề thứ ba là chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông, công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập, tình trạng xuống cấp về chuẩn mực đạo đức, lối sống trong ngành giáo dục. Đây là vấn đề lớn với nhiều hiện tượng tiêu cực diễn ra gần đây gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chịu trách nhiệm trả lời chính, tham gia trả lời có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và một số vị bộ trưởng khác.
Nhóm vấn đề thứ tư, người chịu trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Nội dung chất vấn tập trung vào thực trạng thị trường lao động, công tác quản lý xuất khẩu lao động, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm sau đào tạo. Tình trạng bạo hành và xâm hại tình dục đối với trẻ em cũng nằm trong nhóm này.
Nhóm vấn đề thứ năm theo dự kiến là công tác quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị, nhất là công tác cấp phép xây dựng các chung cư cao tầng tại các khu trung tâm của các thành phố lớn. Đây là vấn đề tồn tại nhiều tiêu cực.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chịu trách nhiệm trả lời chính nội dung này, với sự tham gia của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và bộ trưởng một số bộ khối kinh tế.
Đây là vấn đề gây phẫn nộ trong nhân dân khi nguồn lực lớn của đất nước, nhất là các khu đất vàng rơi vào tay các doanh nghiệp bạch tuộc sang nhượng dự án, phân lô bán nền, làm thất thu ngân sách nhà nước.
Tuần qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trên cơ sở tổng kết thực tiễn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, sắp tới Chính phủ sẽ có những định hướng mới đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó sẽ chuyển hướng tập trung và lựa chọn vào những dự án, những nhà đầu tư có trình độ công nghệ cao, sử dụng ít đất đai, ít tài nguyên và có khả năng lan tỏa chuyển giao công nghệ và liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước.
Phát biểu này được đưa ra trong phiên họp thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, nhân có ý kiến cho rằng tăng trưởng của Việt Nam đang dựa vào yếu tố nước ngoài, như vậy là thiếu bền vững.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài thì kết quả phát triển của nền kinh tế hiện nay có sự đóng góp rất lớn của khu vực đầu tư nước ngoài, đã giúp làm thay đổi diện mạo của nền kinh tế Việt Nam trên một số phương diện.
Một là chiếm tỷ trọng cao trong vốn đầu tư toàn xã hội. Hai là chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất công nghiệp và hơn 70% trong giá trị hàng xuất khẩu, tạo ra sự dịch chuyển ngành nghề trong xã hội và tạo việc làm cho 4,2 triệu lao động.
Theo bộ trưởng thì cần nhìn một cách tích cực và khách quan đối với khu vực đầu tư nước ngoài, bởi khu vực này đã trở thành một thành phần không thể thiếu đối với nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế sâu rộng.
Mặt khác cần phải đặt vấn đề làm thế nào để khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển nhanh hơn, bắt kịp tốc độ phát triển của khu vực kinh tế FDI, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu và tạo lập được sự liên kết chặt chẽ giữa hai khu vực để hỗ trợ, bổ trợ cho nhau cùng nhóm phát triển.
Trong Báo cáo Nghiên cứu Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2017 với chủ đề “Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp”, nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra yếu kém lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là chủ yếu dựa vào đóng góp của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khi khu vực này đã và đang bộc lộ những tồn tại lớn như: thiếu vắng công nghệ cao và chuyển giao công nghệ không hiệu quả; sản xuất chủ yếu ở ngành chế biến chế tạo đang gây ra ô nhiễm môi trường; đóng góp vào ngân sách không tương xứng trong khi còn có những hành vi chuyển giá…
Theo các chuyên gia, sản xuất của khu vực FDI vẫn mang nặng tính gia công, ở vị trí cuối chuỗi sản xuất toàn cầu và Đông Á với giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam rất thấp. Với một nền kinh tế dựa vào khu vực FDI chủ yếu là sản xuất gia công, Việt Nam có thể sẽ bước vào “bẫy giá trị thấp”. Động lực từ khu vực này đóng góp thiếu bền vững vào tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam.
Các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Việt Nam cần định vị lại vai trò động lực tăng trưởng của các thành phần kinh tế. Trong đó, định vị lại vai trò động lực quan trọng cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước, trong bối cảnh khu vực Nhà nước thiếu hiệu quả và dần bị thu hẹp.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên tạo lập điều kiện để các lực lượng thị trường hoạt động tốt và có hiệu quả tốt nhất như: các chính sách thúc đẩy cạnh tranh như giảm can thiệp điều tiết của Nhà nước, tư nhân hóa, chống độc quyền, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực, tháo dỡ các rào cản đặc biệt là thể chế để khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng.
Các chính sách tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng không chỉ cần nhất quán và hài hòa giữa các khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp ngoài quốc doanh và khu vực hộ gia đình mà còn phải nhất quán và công bằng giữa các doanh nghiệp trong cùng một loại thể chế.
Các số liệu được công bố gần đây cho thấy giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp FDI chiếm 50% cả nước, kim ngạch xuất khẩu của FDI chiếm 73%, biểu hiện một sự phát triển không bền vững.