Nhiều vấn đề lớn liên quan đến tình hình kinh tế – xã hội đã được mổ xẻ trong những ngày họp cuối tuần qua của Quốc hội.
Bên cạnh các phát biểu về kế hoạch tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, nợ công, nhiều đại biểu đã tỏ ra bức xúc về tệ nạn tham nhũng làm thất thoát hàng chục ngàn tỉ đồng; quá nhiều vụ án đã được xét xử nhưng việc thu hồi đồng tiền về cho ngân sách không được bao nhiêu. Trong khi đó thất thoát do tình trạng “đánh cắp” tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp còn phổ biến.
Nhắc lại một giải pháp được đề cập trong báo cáo của Chính phủ là thu hồi triệt để tài sản liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng, một số đại biểu nhấn mạnh tính cần thiết của giải pháp này.
Bởi trong điều kiện kinh tế – xã hội còn khó khăn, nhiều công trình, hạng mục cấp thiết ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tính mạng của nhân dân không đủ vốn để đầu tư thì đây là tội ác cần bị pháp luật xử lý nghiêm minh.
Vì vậy, thu hồi tài sản bị thất thoát là hết sức cần thiết và có tính răn đe cao trong công tác phòng, chống tham nhũng, chống được tư tưởng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, tội phạm tham nhũng ngồi tù chỉ một thời gian nhưng gia đình, vợ con họ được sống an nhàn, sung túc cả đời.
Nếu thu hồi đầy đủ tài sản do tham nhũng gây ra, cùng với các hình phạt tù tội của bản thân, cộng thêm gia đình phải gánh chịu, khắc phục hậu quả kinh tế thì nhiều người sẽ không dám phạm tội.
Tổng hợp từ phiên thảo luận tổ trước đó, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, một số vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, liên quan đến một số cán bộ cấp cao được phát hiện, khởi tố và xử lý nghiêm minh đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội.
Cử tri đánh giá cao quan điểm xử lý không có “vùng cấm” trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng, gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Công tác phòng, chống tham nhũng tại một số địa phương chưa hiệu quả. Có hành vi hối lộ trá hình qua việc chủ đầu tư xây dựng chung cư ở các đô thị bán “suất ngoại giao” cho những người có thẩm quyền.
Liên quan đến tình hình này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang nêu thực tế buồn trong cổ phần hóa khi còn phổ biến tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gây bức xúc dư luận.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, theo ông còn có nguyên nhân chủ quan, đó là kỷ cương, kỷ luật trong thực thi chính sách, pháp luật chưa nghiêm. Việc cổ phần hóa còn thiếu công khai, “lợi ích nhóm”, có hiện tượng can thiệp chưa đúng quy định của pháp luật.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật dẫn hàng loạt những sai phạm cụ thể trong quá trình cổ phần hóa, mà nổi bật là Cảng Quy Nhơn để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình bán vốn nhà nước.
Trong chuyển nhượng vốn Nhà nước tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành hai văn bản cho phép Vinalines bán cho Công ty Hợp Thành 75,01% cổ phần tại Cảng Quy Nhơn theo phương thức thỏa thuận trực tiếp.
Từ những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Bộ hủy bỏ hai văn bản nói trên và kiến nghị thu hồi số cổ phần đã bán cho Công ty Hợp Thành.
Ví dụ tiếp theo được ông Giang nêu là sai phạm ở Tổng công ty rượu bia, nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam… mà cách làm đã ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư khi tham gia vào cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh thương mại, làm chậm quá trình cổ phần hóa.
Phải chăng vì những nguyên nhân trên đây mà tổng số doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa năm 2017 và 2018 chỉ có 37 doanh nghiệp, đạt 31,5% so với kế hoạch, số lượng doanh nghiệp chưa hoàn thành là 76 và được điều chuyển sang giai đoạn 2019-2020, khiến áp lực cổ phần hóa ngày càng nặng nề hơn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã có công văn về việc điều chỉnh, sửa đổi danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 gửi lấy ý kiến các bộ ngành, sau khi tổng hợp báo cáo và kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương và tập đoàn kinh tế về điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa và tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong số 76 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2017-2018, các bộ, địa phương và doanh nghiệp nhà nước đề xuất được điều chỉnh lộ trình cổ phần hóa sang giai đoạn 2019-2020 đối với 73 doanh nghiệp và điều chỉnh phương án sắp xếp đối với ba doanh nghiệp.
Đồng thời, trong tổng số 27 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa thuộc giai đoạn 2019-2020, các bộ, địa phương đề xuất điều chỉnh phương án sắp xếp đối với hai doanh nghiệp. Như vậy, tổng số doanh nghiệp cần thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2019-2020 là 98 doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa, trong số 98 doanh nghiệp còn lại chưa hoàn thành cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020, các bộ, địa phương kiến nghị điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa, 45 doanh nghiệp thuộc Hà Nội và 34 doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh.
Ngành, lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp trên chủ yếu tập trung tại một số lĩnh vực như dịch vụ công ích; cung cấp, phân phối nước sạch, thoát nước; công viên, vườn thú, chiếu sáng đô thị, môi trường; doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển kinh tế ngành, địa phương và hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế khác…
Đáng chú ý, văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn cho biết, một số bộ, địa phương đề xuất điều chỉnh phương án không thực hiện cổ phần hóa đối với sáu doanh nghiệp để chuyển sang hình thức sắp xếp khác (như bán, tái cơ cấu lại, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) do một số nguyên nhân như không thể xác định được giá trị doanh nghiệp, không đáp ứng điều kiện để tiếp tục cổ phần hóa.
Trước các kiến nghị trên, trong phần ý kiến của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tại các văn bản tham gia ý kiến đối với đề xuất điều chỉnh lộ trình cổ phần hóa và tỷ lệ nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các bộ Tài chính, Nội vụ, Tư pháp đều đề nghị hai thành phố này thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp theo kế hoạch phê duyệt.
Do thực tế việc thực hiện cổ phần hóa 76 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa trong giai đoạn 2017-2018 đã không hoàn thành theo kế hoạch, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần có phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về việc thay đổi lộ trình hoàn thành cổ phần hóa theo đề xuất của các bộ, địa phương, doanh nghiệp nhà nước để các cơ quan này có căn cứ và cơ sở tiếp tục thực hiện quá trình cổ phần hóa.
Còn việc các bộ, địa phương đề xuất điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công ích, cung cấp nước sạch, chiếu sáng đô thị…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo quy định các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Tuy nhiên, các địa phương đều đề xuất được nắm cổ phần trên 50% hoặc trên 65% tại doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa. Việc xem xét quyết định điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng – văn bản của bộ này nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước mắt có thể xem xét, chấp thuận đề xuất của các bộ, địa phương để nhà nước nắm giữ chi phối (trên 50% đến dưới 65%) tại doanh nghiệp khi thực hiện chào bán cổ phần lần đầu (IPO) và không chấp thuận đối với đề xuất thay đổi tỷ lệ Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp trên 65%.