Các lãnh đạo của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ hôm 11-11 đã gửi thông báo đến Nhà Trắng cho biết, họ sẽ không tiếp tục vận động để Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua trong khoảng thời gian cuối trước khi ông Obama rời Nhà Trắng. Như vậy là những nỗ lực thông qua TPP trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức thất bại.
Cùng lúc, đại diện chính quyền Obama thừa nhận không còn cách nào để Mỹ thông qua TPP trước khi tổng thống mới đắc cử Donald Trump nhậm chức.
Việc thỏa thuận tự do thương mại lớn nhất phải tạm ngừng có thể coi như thất bại lớn nhất của Tổng thống Obama. Suốt nhiều tháng qua, Nhà Trắng đã tích cực vận động hành lang cho TPP, với hy vọng nó sẽ được thông qua nếu bà Hillary Clinton trở thành tổng thống Mỹ.
TPP không thể thông qua trong nhiệm kỳ Obama cũng đồng nghĩa với việc uy tín của nước Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương bị suy giảm. Cách đây một năm, nhiều chính trị gia đảng Cộng hòa đã rất tích cực ủng hộ cho các chính sách thương mại tự do mà Tổng thống Obama đưa ra. Tuy nhiên đến nay, nhất là sau khi ông Donald Trump thắng cử, quan điểm của nhiều người trong số đó đã thay đổi. Họ trở nên lạnh nhạt với chính hiệp định mà họ từng nỗ lực bảo vệ trong hàng loạt vòng đàm phán với Nhật và 10 nước châu Á – Thái Bình Dương khác trước đó không lâu.
Trong khi đó, phía Trung Quốc đang có những động thái đáng chú ý. Báo Financial Times trích nguồn từ các quan chức Trung Quốc cho biết ông Tập Cận Bình đang nhen nhóm lại những nỗ lực nhằm thúc đẩy một hiệp định khu vực châu Á – Thái Bình Dương mở rộng kiểu như TPP và có nhiều nước tham dự hơn.
Với việc Chủ tịch Tập Cận Bình chuẩn bị tham dự cuộc họp thượng đỉnh của tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) sắp diễn ra tại Peru, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông cho biết Trung Quốc sẽ lấp chỗ trống của TPP.
Ông nói Trung Quốc tin rằng cần thiết lập một kế hoạch làm việc mới, thực tiễn, để phản hồi tích cực trước các kỳ vọng, cũng như duy trì tiến độ và thiết lập một khu vực thương mại tự do ở châu Á – Thái Bình Dương sớm nhất có thể.
Các quan chức Trung Quốc trước đây cũng tìm cách thúc đẩy đề xuất này tại APEC, nhưng đã gặp phải sự phản đối từ các quan chức Mỹ – những người muốn ưu tiên thúc đẩy đàm phán TPP. Trước đó, nhiều quan chức Hoa Kỳ từng cảnh báo rằng sự thất bại của TPP sẽ mở cửa cho Trung Quốc đẩy mạnh những thỏa thuận thương mại của riêng mình.
Những nỗ lực của Trung Quốc tập trung vào việc kết thúc các cuộc hội đàm liên quan đến thỏa thuận được biết đến dưới tên gọi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực với 10 nước thành viên ASEAN cùng các nước Australia và Ấn Độ. Diễn biến mới đã tạo điều kiện cho Trung Quốc nắm lấy vai trò người dẫn dắt như một cường quốc hàng đầu đứng lên kêu gọi những thỏa thuận thương mại khu vực, điều này cho thấy sự dịch chuyển trong chính sách của Mỹ đến cùng với sự thắng cử của ông Trump và Trung Quốc đã tận dụng cơ hội này ra sao.
Quyết định nắm lấy quyền chủ động dẫn dắt các thảo luận về thỏa thuận thương mại của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Hạ viện Nhật Bản vừa thông qua Hiệp định TPP sau nhiều tuần tranh luận gay gắt. Với dự đoán bà Hillary sẽ thắng cử, Chính phủ Nhật đã vội vã thông qua thỏa thuận này vì cho rằng bà sẽ mở lại các cuộc đàm phán. Theo quy định của Nhật Bản về việc thông qua các hiệp định, nếu như Thượng viện không thông qua TPP trong vòng 30 ngày thì hiệp định này tự động trở thành luật.
Thủ tướng Abe dự kiến sẽ có cuộc gặp với ông Trump tại New York vào những ngày tới và TPP được coi là một trong những nội dung quan trọng của chương trình làm việc.
Đ.N (DNSGCT)