Chuyến leo núi cuối tuần, người bạn chạy cùng tôi nói: “Cậu hãy cố gắng hết sức có thể, tớ sẽ đi cùng cậu”.
Có những khoảnh khắc không thở được, tôi dừng lại. Bạn không cố vượt lên trước mà nói: “Hãy thở, thở đi nào, thở đi.”
Trước chúng tôi là một cậu thanh niên đi một mình, rất nhanh.
Bạn tôi hỏi: “Em đi leo núi một mình à?”
Dạ không, đám bạn em đi chậm quá, ở tuốt dưới kia.
Tôi nhớ ra nhóm trẻ tương tự cậu đang ngồi nghỉ chân ở một tán cây mát bên dưới. Họ hơi tái mặt và đang thở dốc vì trời nóng quá. Còn cậu, dường như để tỏ ra cứng rắn, đã đứng dậy và chạy thật nhanh vượt qua mặt người huấn luyện của tôi. Trên đường cùng lên cao, chúng tôi gặp lại cậu hai lần. Cậu đều đang ngồi thở dốc vì mang theo đồ đạc cho bạn. Nhưng hễ mỗi lần thấy chúng tôi, cậu vội vàng đứng dậy chạy thật nhanh về phía trước, bỏ lại những kẻ lạ sau lưng.
Đó là khoảnh khắc tôi nghĩ về áp lực của xung quanh, đè nặng lên vai chính tôi và những người trẻ như cậu bé.
Có thời gian đứng trong lớp tập võ thuật, tôi lóng ngóng nhìn một bạn trai tập động tác, và cách anh cười vào hai đứa yếu hơn tập hoài không đúng tư thế chuẩn.
Tôi nhớ lần cụp mắt xuống, khi xung phong giải thích một đoạn văn, và cô giáo nói: “Thôi ngồi xuống đi, sai rồi, để bạn giải thích cho nghe nè.”
Khi tôi đứng trong phòng thay đồ của đám cưới, đã nghe các cô gái xung quanh nói về chiếc váy đắt tiền và cây son đồ hiệu mà người bạn khác sử dụng, với ít nhiều thèm muốn.
Trong bài tập vẽ thứ bao nhiêu không nhớ trong lớp tiểu học, cô cầm thước chỉ sang bài kế bên, nói màu sắc của mình quá xấu, hãy làm theo bạn kế bên.
Có bao nhiêu đứa trẻ khác đã lớn lên với áp lực phải bằng một ai đó xung quanh, thấy mình thua kém đến ngạt thở, đuổi theo bức bối dồn nén từ ấu thơ, không thể thoát khỏi cảm giác “phải vượt qua” một ai đó vì ám ảnh thất bại?
Một số bài viết tôi đọc nói về áp lực bạn bè (hay áp lực với người xung quanh), và lý giải:
Nguyên nhân phổ biến khiến người trẻ hút thuốc hoặc thử chất gây nghiện là họ bị thách thức từ những bạn bè đi cùng. Họ có nhu cầu thuộc về một nhóm người – và cảm giác được chấp nhận – là phải thử dùng thứ giống hệt bạn.
Lý do khiến bạn gái giằng co với cha mẹ đòi chiếc điện thoại đời mới, bạn trai đòi chiếc xe tay ga mới… xuất phát từ nhu cầu được là ai đó, có những vật phẩm tương tự với sự công nhận từ nhóm bạn, ngang hàng bạn bè thay vì bị loại bỏ vì không có được “chuẩn mực” từ những người trong nhóm.
Những thách thức có thể nhận diện như: “Mày có cua được con nhỏ đó không mà đòi chơi với bọn tao?” Và cậu trai vì muốn được là “người của nhóm”, được chứng nhận mình cũng đào hoa như bất kỳ ai, có thể hạ gục bất kỳ cô gái nào, đã đi cua người bạn kia. Chỉ có một điều quan trọng: Cậu không hề thích cô từ ban đầu, cậu bày ra mọi chiêu trò vì kẻ khác bên ngoài trái tim cậu.
“Nếu mày muốn chơi, thì về nhà lấy tiền của mẹ mày mà chơi” – Là 1 đối thoại phổ biến với những ai hay ngồi ở quán game sẽ nghe được. Bạn biết đấy, sau sự thách thức này là hành động cô lập. Đứa trẻ không có tiền sẽ không thể đứng đó chơi game cùng bạn. Nhưng nó nhận được một gợi ý “lấy tiền của mẹ” để tiếp tục được đón nhận trong trận đấu kế tiếp. Rất nhiều hành động ăn cắp tài sản của gia đình cho trận game bắt đầu đơn giản từ đối thoại này. Nó có thể được giải thích bằng nhiều nguyên do: thiếu tiền, khao khát trở lại bàn phím, tham gia trận đấu, cùng với áp lực phải chứng tỏ mình cũng có nguồn lực như bất kỳ ai khác trong cuộc chơi.
“Tại sao cậu còn chơi với nó? Cái con chơi bẩn bạn bè ấy?” – Đó là khi ta (dù không tin lắm vào câu nói trên), sẽ dần xa lánh bạn mình, xa lánh người bị loại bỏ, xa lánh đứa trẻ bị tất cả coi thường hoặc dè bỉu. Ở điểm cực đoan, ta góp tay vào đánh họ, bắt nạt họ, dán tờ giấy đùa giỡn lên lưng họ, biến họ thành trò cười. Dù không tin vào trò vui đó, nhưng ta vẫn làm, để có thể nhiều năm sau sẽ ân hận vì điều mình gây ra, hoặc mình đã hủy hoại một người bạn bằng hành vi nhỏ nhít trên tay thời thơ dại.
“Cả lớp trốn giờ này rồi, cậu không trốn thì ở lại làm gì?” – Trò này chính tôi từng tham dự khi học trung học. Tôi đã suy nghĩ rất lâu về nó sau buổi bỏ học hôm ấy. Tôi thực sự không có nhu cầu nghỉ học (vì biết mẹ trả tiền để tôi được tới trường). Tôi cũng chẳng chán ghét gì môn học đó lẫn cô giáo, nên chẳng thấy gì cần phải trốn. Nhưng khi đó, lý do “cả lớp” và “cậu” khiến tôi nao núng. Tôi sợ đến lớp chỉ có một mình nhìn cô, sợ bỏ lỡ mất buổi đi chơi vui cùng bạn, sợ từ chối với bạn thân mình. Mẹ tôi sau đó đã có cuộc trò chuyện vô cùng khó chịu, bà nói: “Nếu con không thích học nữa thì nghỉ thôi, mẹ không cần đóng tiền nữa.” – Chỉ tới khi nỗi sợ phải đánh đổi, mới khiến tôi từ bỏ hành động này khi được rủ rê tương tự nhiều năm sau.
Áp lực của xung quanh sẽ xuất hiện suốt đời, từ khi ta bé đến khi lớn.
Tôi sẽ mãi mãi bị ám ảnh mình có bằng được bạn bè nào đó khi lớn lên. Mình có thành công. Mình là một kẻ không ra gì. Mình học cùng họ và sau đó không được bằng gì họ. Tất cả những điều đó sẽ quẩn quanh và đặt câu hỏi mãi trong sự tồn tại của ta trong đời.
Áp lực với xung quanh không hẳn xấu xa, nó đúng đến một chừng mực, và sai đến một điểm thắt.
Tôi từng học cực kỳ dốt Toán, nhưng phải ngồi chung với một lớp toàn bạn bè học chuyên Toán, Lý. Sự thôi thúc phải trả lời được câu hỏi của thầy (không sẽ bị cả lớp dòm), phải bằng bạn bè, khiến tôi chịu làm bài tập về nhà, và chịu hỏi bạn khi không thể giải quyết vấn đề. Áp lực bạn bè trở thành điều tốt nâng đỡ tôi. Áp lực xung quanh có lẽ cũng giúp nhiều người ngừng hút thuốc khi họ đối mặt với ánh nhìn khó chịu trong đồng nghiệp, khi họ bị phớt lờ vì nhổ nước bọt ngay hành lang văn phòng.
Áp lực là điều tốt khi nhờ nó ta thay đổi một số thói quen xấu của mình và đẩy mình mạnh mẽ hơn đúng như điều bản thân kỳ vọng trong đời.
Lần đầu tôi tập chơi skateboard, bạn đỡ lấy lưng tôi và nói: “Tôi ở ngay sau lưng, tay tôi đây, em có thể cảm thấy, giờ thì chuyển động xem nào.” – Tôi ngã hàng trăm lần sau đó. Nhưng bạn luôn đứng cạnh và nói, không sao, em có đau chưa? Nếu đau thì lúc khác tập tiếp.
Không có nhu cầu ép buộc, không so sánh, không kỳ vọng, không nhận xét sai gì… đó là cách một người đã đưa tôi trở lại với skateboard sau khoảng ba lần tôi đi mua ván và chưa bao giờ đứng được lên. Cảm giác không bị soi mói sự vụng về, không bị cười đùa khi ngã xuống, không bị so sánh với người giỏi hơn… làm giảm đi sự thất vọng của cú ngã. Nó giúp tôi đứng dậy mỗi ngày.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về áp lực với xung quanh, đọc một mớ bài báo để gọi tên chính xác hành động và cảm xúc đó là gì. Nhiều lời khuyên được đưa ra như “hãy tin vào điều trái tim mình cảm thấy”, “hãy dũng cảm nói không”, “hãy công khai bày tỏ quan điểm của mình nếu không muốn”. Nhưng khi nhìn lại tất cả, đó là điều khó nhất mà ta có thể làm.
Năm 12 tuổi, tôi thực sự sẽ không hiểu “dũng cảm nói không” là gì, nếu mẹ không đe dọa sẽ cho tôi nghỉ học.
Năm 16 tuổi, tôi không hề “dũng cảm nói không” và đã sử dụng thuốc lá mãi đến năm 24 tuổi. Tôi khao khát được công nhận, khao khát được “là ai đó” trong những người bạn.
Năm 20 tuổi, tôi không thực sự hiểu “hãy tin vào điều trái tim mình cảm thấy” là gì, và đã từ bỏ nhiều thứ để làm theo điều người khác dẫn dụ.
Có cách nào để gieo vào trái tim người trẻ một tấm gương, để họ nhìn thấy họ mỗi ngày, nhìn thấy sâu kín nhất họ ao ước gì, sợ hãi gì, lo lắng gì, hỗn loạn gì… để hiểu mỗi hành động xảy ra, họ đều biết nó sẽ gây ra kết quả gì kế tiếp trong đời họ? – Tấm gương đó, cần rất nhiều đối thoại mỗi ngày, với cha mẹ, với bạn thân, với bạn không thân, với người anh lớn. Quay trở về với bản thân, trần trụi và đơn giản, khó khăn biết bao khi gỡ bỏ những ánh nhìn như thanh chắn thép khỏi lồng ngực.
Và liệu cậu trai có cần phải chạy lên đỉnh núi thật nhanh, chỉ vì có đám bạn yếu ớt chậm như rùa bên dưới, và phải vượt qua hai kẻ lạ mặt như tôi thình lình hiện ra đâu đó?