Chuyến thăm bốn quốc gia Nam Mỹ vừa qua của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo một lần nữa cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của người khổng lồ châu Á với tư cách là một thị trường xuất khẩu và nguồn đầu tư trực tiếp và tài chính cho khu vực. Trung Quốc muốn tăng cường quan hệ với các nước này, đặc biệt là quan tâm đến một hiệp ước thương mại với các nước trong khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur). Tuy nhiên, một số nước Mercosur đã trở nên cảnh giác trước sự mất cân bằng thương mại ngày càng tăng giữa họ với Trung Quốc. Mặc dù hiện nay Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Mercosur nhưng các nhà sản xuất khu vực Mỹ Latin lại không vui mừng về triển vọng cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu rẻ từ Trung Quốc. Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn Economist (Anh) cho rằng đây là điều thường thấy ở nhiều nơi trên thế giới và vấn đề này sẽ khiến cho nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới phức tạp hơn nhiều.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của toàn bộ khu vực Mỹ Latin, nhưng là đối tác thương mại lớn nhất củaBrazilvàChile. Theo số liệu của Trung Quốc, trong năm 2011, thương mại với khu vực này là 242 tỉ USD, tăng vọt lên 31,5% so với năm trước đó. Có đến 60% lượng hàng hóa của khu vực xuất khẩu sang Trung Quốc là tài nguyên thiên nhiên, trong khi đó hầu hết các nước trong khu vực nhập khẩu từ Trung Quốc hàng hóa được chế biến hoặc sản xuất. Nhu cầu nhập khẩu cao của Trung Quốc đối với những mặt hàng này giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của những nước xuất khẩu nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưBrazil,PeruvàChile. Tuy nhiên, mặc dù gã khổng lồ châu Á đã nhập khẩu khá nhiều tài nguyên thiên nhiên trong khu vực, nhưng dòng hàng hóa chảy từ phía Trung Quốc sang khu vực này còn tăng nhanh hơn trong những năm gần đây, đến mức báo động đối với các nhà sản xuất địa phương.