Hạ viện Nhật Bản vừa thông qua hai văn kiện lịch sử, đó là hai đạo luật đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ hai (1939-1945) cho phép quân đội Nhật được chiến đấu ở nước ngoài. Tuy về mặt thủ tục, hai văn kiện này còn cần được Thượng viện thông qua, nhưng hầu hết mọi người tin rằng chúng sẽ sớm trở thành luật. Một trong những nhà lãnh đạo ngành hành pháp Nhật đã thúc đẩy mạnh cho việc hình thành các đạo luật này là Thủ tướng Shinzo Abe, với lý do chúng cần thiết cho việc thực hiện chủ thuyết “tự vệ chung”. Theo chủ thuyết này, quân đội Nhật Bản có thể được huy động chiến đấu ngoài nước phù hợp với ba điều kiện sau:
- Khi Nhật Bản hay một đồng minh gần gũi bị tấn công, với hậu quả có thể đe dọa sự tồn vong của Nhật Bản và gây ra những nguy cơ rõ rệt cho dân tộc Nhật.
- Khi không có một phương tiện phù hợp nào có thể đẩy lùi cuộc tấn công để đảm bảo sự tồn tại của nước Nhật và bảo vệ dân Nhật.
- Việc sử dụng quân đội được hạn chếở mức tối thiểu cần thiết.
Tuy vậy, việc thông qua hai đạo luật trên không phải hoàn toàn suôn sẻ. Các cuộc thăm dò cho thấy có đến hơn 50% người dân Nhật chống lại chúng. Bên trong Hạ viện, vào thời điểm biểu quyết, các đại biểu thuộc phe chống đối đã bỏ ra khỏi phòng họp, chỉ còn thiểu số phe đối lập thuộc đảng Phục hưng Nhật Bản bỏ phiếu chống. Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe và các đồng minh chiếm đa số (hai phần ba) tại Hạ viện. Còn tại Thượng viện, đảng LDP và các đại biểu chịu hợp tác cũng chiếm đa số. Ngay cả trong trường hợp bị Thượng viện bác bỏ, các đạo luật trên cũng sẽ được giao trở lại cho Hạ viện để quyết định.
Bên ngoài nước Nhật, phản ứng của Trung Quốc là điều có thể dự liệu trước. Bắc Kinh đã tố cáo Nhật Bản “phá hoại hòa bình và an ninh khu vực”. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, thúc giục Nhật Bản kìm chế, không làm phương hại đến chủ quyền và các quyền về an ninh của Trung Quốc. Trong khi đó, Tân Hoa xã miêu tả hành động của Hạ viện Nhật Bản là “một kịch bản đầy ác mộng”, làm tổn thương 70 năm hòa bình. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đưa ra lập trường chống lại việc quân đội Nhật Bản mở rộng hoạt động ra bên ngoài biên giới và kêu gọi Tokyo hãy góp phần vào việc bảo vệ hòa bình và an ninh khu vực, cần minh bạch hơn trong các chính sách quốc phòng.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)