Dự án Handbook của USGuide, với cuốn cẩm nang xin du học sau đại học Mỹ – Just Do It đã ra đời. Just Do It tổng hợp có chọn lọc những chia sẻ về kinh nghiệm chuẩn bị và xin học cao học tại Mỹ của các bạn nước ngoài như Ấn Độ, Trung Quốc và của các lưu học sinh Việt Nam tại Mỹ để phù hợp với thực tế của các sinh viên Việt Nam. Báo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần xin trích giới thiệu nội dung “Làm thế nào để chọn được trường và chương trình học thích hợp”.
Chọn ngành
Bao gồm các tiêu chí chọn ngành: Đam mê/Năng khiếu: Chọn những ngành mình đam mê và có năng khiếu thay vì những ngành “hot”, chạy theo xu hướng,… Nếu không rõ mình muốn làm gì có thể tìm trên mạng về đặc điểm, yêu cầu của những ngành nghề mình thích để so sánh. Khả năng ứng dụng: Xác định xem những ngành đó ra trường có thiết thực ở đất nước mình định làm việc hay không. Phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp: Chọn những ngành có thể vận dụng những kiến thức đã học, liên quan đến bằng cấp, kinh nghiệm, kỹ năng đã có và mục tiêu về tương lai, nghề nghiệp,…
Bước 1: Xác định sở thích, mục tiêu học tập và nghề nghiệp: Để xác định, nên đặt ra cho bản thân mình những câu hỏi: Tôi muốn làm nghề gì? Có kiếm được việc cho ngành đó tại đất nước mình định sinh sống không? Để đi sâu vào ngành này cần có những bằng cấp nào? Học tại Mỹ nâng cao nghề nghiệp của tôi như thế nào? Học vị cao học có giúp tôi đạt được mức lương cao hơn không?
Bước 2: Tham vấn các trung tâm thông tin và các chuyên gia tư vấn giáo dục về ngành mong muốn: Đại sứ quán Hoa Kỳ, trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: educationusa.state.gov, Trung tâm thông tin hoặc tư vấn giáo dục có trụ sở tại Mỹ, Ủy ban phụ trách học bổng Fulbright, các trung tâm hợp tác giữa hai nước, thư viện Hoa Kỳ, Viện giáo dục quốc tế (IIE),… Ngoài ra, các giáo sư, sinh viên tại Hoa Kỳ cũng là nguồn tham khảo hữu ích.
Bước 3: Tìm hiểu về nguồn tài trợ và chi phí trung bình cho ngành đó tại một số trường tiêu biểu.
Chọn trường
Các tiêu chí chọn trường: Bạn có thể nộp đơn xin vào vài ba chục trường và đợi xem trường nào nhận mình rồi mới quyết định. Tuy nhiên, hoàn chỉnh hồ sơ xin học là một việc mất thời gian, và dù bạn có thể dùng lại hồ sơ của trường này cho trường khác, thì mỗi trường có thể có thêm một hai yêu cầu cá biệt mà bạn phải bổ túc. Hơn nữa, mỗi hồ sơ cần kèm lệ phí, càng xin nhiều trường càng tốn kém. Các chuyên gia khuyên bạn nên lựa chọn cẩn thận để đi đến một danh sách không quá 10-15 trường khi nộp đơn. Lập biểu đồ so sánh những điểm khác nhau giữa các tiêu chí của các đại học và cho điểm: Chọn trường, khoa theo học và chương trình đã được kiểm định, được công nhận, bằng cấp có giá trị.
Nên chú ý chương trình học để đi đúng vào chuyên sâu của mình. Chương trình học sẽ bao gồm một số yếu tố: bạn đến đó học những môn gì, có các hướng lựa chọn ra sao. Các thông tin thêm như cho điểm dễ không, bài tập lớn nhiều không, chắc chắn có internship không, cũng nên được xét đến.
Giáo sư/Khoa (Professor/faculty): đôi khi học với một giáo sư nào đó còn quan trọng hơn là tại một trường có danh tiếng.
Quy mô lớp học: có người thích học trong một lớp nhiều sinh viên, đa dạng văn hóa để có cơ hội tương tác, giao lưu và học hỏi tốt hơn, cộng với cơ hội mở rộng quan hệ. Có người thích một lớp ít sinh viên vì người học có thể giao tiếp gần gũi trực tiếp hơn với bạn bè và thầy cô, chất lượng cũng đảm bảo chuyên sâu hơn.
Vị trí địa lý: Các thành phố lớn dân cư đa dạng hơn song các thành phố nhỏ lại yên tĩnh, ít đắt đỏ hơn. Thông thường, nên học ở thành phố, hay ít nhất là cùng bang nơi bạn định làm việc. Thứ nhất, trong thời gian học bạn sẽ phát triển những mối quan hệ tại địa phương, điều đó có lợi cho công việc sau này của bạn. Thứ hai, khi phỏng vấn xin việc, trong nhiều ngành, bạn sẽ dễ tìm cơ hội phỏng vấn ở nơi đang học hơn là tại những bang khác. Trong một số ngành nghề đặc biệt, liên quan đến chính trị hoặc các tổ chức quốc tế, học tập ở thủ đô hay một số thành phố lớn – nơi các tổ chức này đặt trụ sở sẽ làm tăng cơ hội của bạn lên nhiều lần khi ra trường. Một vài thí dụ khác, nếu bạn muốn làm trong lĩnh vực chứng khoán, bạn nên chọn học ở New York City hơn là Sacramento. Nếu muốn làm kỹ sư dầu khí, học ở Houston, Texas tốt hơn là một thành phố bờ biển miền Tây Bắc. Đối với người Việt Nam, chọn trường ở những nơi có cộng đồng người Việt sống đông đúc như California hay Texas sẽ giúp tăng cơ hội tìm kiếm công việc thực tập (internship). Ở các trường đại học lớn, các lớp của sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai thường rất đông, và người dạy có thể là nghiên cứu sinh chứ không phải giáo sư. Ở trường đại học đơn ngành hoặc trường nhỏ hơn, các giáo sư sẽ đứng lớp và sinh viên phải tham gia nhiều hơn vào bài học ngay từ đầu. Tham khảo tỷ lệ sinh viên với giáo viên sẽ cho biết điều này. Tỷ lệ càng cao thì sự chú ý dành riêng cho từng cá nhân sinh viên càng thấp.
Thời tiết khí hậu cũng là yếu tố cần cân nhắc bởi mỗi thành phố lại đa dạng khác nhau.
Thứ hạng (Ranking) và danh tiếng (Reputation): hai tiêu chí khác nhau nhưng đều mang tính tương đối như nhau. Tất nhiên chúng ta phải lấy một cái gì đấy làm chuẩn, và ranking của US news là một chuẩn tốt. Tuy nhiên danh tiếng, mà cụ thể là danh tiếng về đào tạo kỹ sư có khả năng làm việc cũng là một cái cần nhắc đến. Ở Mỹ có một số trường có thể xếp hạng không cao nhưng do các tính chất đặc thù mà được nhà tuyển dụng đánh giá rất cao. Ví dụ như NJIT là một trường ranking không cao nhưng sinh viên lại được ưa thích khi ra trường.
Học phí (Tuition fee): Không cần đặt nặng những vấn đề như tuition fee vì trong quá trình học master sinh viên sẽ thường được các professor chọn làm nghiên cứu sinh và được lương khá cao.
Chi phí sinh hoạt (Living cost): Sinh hoạt phí cao nhất ở các thành phố lớn, ở California và vùng Đông Bắc. Chi phí có thể thấp hơn ở phía Nam, Trung, Tây và các vùng khác.
Thực tập hoặc các chương trình học ở nước ngoài hoặc cơ hội được làm assistant.
[note color=”#e9e9e9″]Cuộc thi du học Úc “Win Your Future Unlimited”
Cuộc thi “Win Your Future Unlimited” được tài trợ bởi 22 trường đại học và cao đẳng Úc, cùng với năm nhà tài trợ vàng: Educational Testing Services (ETS), National Australia Bank, Qantas, Telstra, và The University of New South Wales. Đây là sân chơi hoàn hảo cho các bạn học sinh, sinh viên khát khao học tập tại Úc chia sẻ ước mơ, dự định tương lai. Suất học bổng một năm tại Úc cùng 15.000 AUD tiền mặt và rất nhiều cơ hội hấp dẫn khác.
1. Đối tượng tham gia:
– Sinh viên toàn thế giới từ 18 đến 30 tuổi (ngoại trừ công dân Úc hoặc công dân tạm trú tại Úc, sinh viên quốc tế đã hoặc đang học tập tại Úc).
– Có điều kiện tới Úc vào tháng 11-2013 và học tập vào năm 2014.
– Trình độ tiếng Anh và học vấn đủ đáp ứng yêu cầu của khóa học và quá trình xin thị thực.
2. Cách thức đăng ký: hạn chót ngày 18-11-2013:
Đăng ký tại: https://futureunlimited.com.au/create-postcard/ để sáng tạo và nộp một tấm postcard, kèm theo tối đa 50 từ giải thích việc học tập tại Úc sẽ giúp bạn thực hiện những ước mơ của bạn như thế nào.
Bài dự thi của bạn sẽ được đánh giá trên tiêu chí: Lý do thuyết phục và mong muốn học tập tại Úc của bạn cũng như sự sáng tạo thể hiện qua câu từ và hình ảnh bạn dùng.
Tham khảo thêm tại: http://futureunlimited.com.au/how-to-enter/ và http://www.studyinaustralia.gov.au/global/why-australia.
Các bài dự thi đã đăng: http://futureunlimited.com.au/gallery/.
3. Cơ cấu giải thưởng:
1 giải thưởng chung cuộc:
Vé máy bay Qantas khứ hồi tới Úc.
Học phí đại học cho năm học 2014 (bao gồm chi phí học tiếng Anh, nếu yêu cầu) tại một trong 22 trường (http://futureunlimited.com.au/sponsors/) tài trợ cho cuộc thi 15.000 AUD tiền mặt.
Chi phí ăn ở trong năm 2014.
Bảo hiểm y tế và một suất thực tập 10 tuần.
Ngoài ra bạn sẽ được tài trợ các gói cước dịch vụ truyền thông, tín dụng, gói dịch vụ cao cấp gồm có các vé xem phim, sự kiện âm nhạc, thể thao tại Úc trong năm 2014.
7 giải thưởng tuần:
Chuyến du lịch Úc, từ ngày 5 đến 7-12-2013, được tham quan các địa danh nổi tiếng như: Adelaide, Brisbane, Gold Coast, Hobart, Melbourne, Perth và Sydney và gặp gỡ đại diện của 22 trường đại học tài trợ cho cuộc thi.
Giải thưởng bao gồm: Vé máy bay Qantas khứ hồi tới Úc và vé di chuyển qua các địa điểm trên tại Úc; Chi phí ăn ở, đi lại và các chi phí liên quan khác.
- Thông tin chi tiết xem tại: http://futureunlimited.com.au/.[/note]
M.L tổng hợp