Có người gọi mùa mưa Sài Gòn là mùa lội nước, đặc biệt mùa mưa năm nay đã lập nên những kỷ lục mà người dân phải ngao ngán: mưa lớn nhất, ngập sâu nhất, lâu nhất… Những cơn mưa thường thường bậc trung nhưng gặp lúc triều cường là đủ nhấn chìm nhiều con đường thành dòng sông nhỏ. Không chỉ ngập đường, gây cản trở giao thông, nước còn tràn vào nhà dân làm xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Những điểm nóng cứ mưa là ngập, người dân đã “kêu ca, cầu cứu” nhưng vẫn chưa có biện pháp nào khắc phục nên phải tự xoay xở, chống ngập bằng nhiều cách.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh biến thành sông (sáng 7-11)- Ảnh: Sĩ Chương
Đường Nguyễn Hữu Cảnh trong cơn mưa sáng 7-11
Mới đây, ngày 7-11, do ảnh hưởng của cơn bão số 13, mưa kết hợp triều cường đã gây ngập rất nhiều tuyến đường tại các quận huyện như Bình Chánh, Thủ Đức, Hóc Môn, Q.7, 2, 6, 8, 11, quận Bình Thạnh… Một số tuyến đường bị ngập sâu cả mét khiến giao thông gần như tê liệt. Nhiều dịch vụ phát sinh “ăn theo” nước ngập như chùi bugi xe, khiêng kéo xe qua khỏi chỗ ngập được dịp làm ăn nhộn nhịp. Tại chân cầu Tân Hóa (đường Tân Hóa), đường Hòa Bình (quận 11) mỗi lần có người dẫn bộ xe chết máy đi qua là có vài thanh niên lao ra, phụ giúp đẩy xe nhưng chủ yếu là để gạ lau chùi bugi. Đoạn đường ngập nước nặng Kha Vạn Cân (Thủ Đức) có dịch vụ kéo xe qua đường ray tránh ngập với giá 20 ngàn đồng cho một lượt xe, lau chùi bugi, sửa xe chết máy, kéo xe ra khỏi đoạn đường ngập…với giá vài chục ngàn. Nước ngập vào giờ cao điểm khiến hàng ngàn phương tiện ùn ứ kéo dài, hàng loạt xe máy lưu thông đến đây bị ngập qua khỏi bánh xe khiến nhiều xe bị chết máy. Một mình khổ chủ với chiếc xe chết máy, tiến thoái lưỡng nan nên các dịch vụ trên trở thành giải pháp hữu hiệu khá đắt khách. Ngập nặng nhất là khu vực xung quanh dự án kênh Tân Hóa – Lò Gốm. Giờ cao điểm dòng người rồng rắn dắt xe lội qua biển nước chỉ vài trăm mét phải mất cả tiếng đồng hồ, ai cũng mệt mỏi, ngao ngán mà vẫn phải chịu trận.
Một con đường bị ngập nước triều cường ở Q.2
Trên đường Hòa Bình, Q.11, một người dân chèo xuồng tham gia giao thông cùng xe cộ – Mậu Trường
Đường chính ngập sâu, nước tràn vào các con hẻm hai bên đường cùng với nước cống tràn vào nhà dân. Các tuyến đường như Âu Cơ (Q. Tân Bình), Quốc lộ 13 (P. Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức), Nguyễn Xí (Q. Bình Thạnh), Phạm Phú Thứ, Đồng Đen, Bàu Cát, Hồng Lạc (Q. Tân Bình), Khuông Việt (Q. Tân Phú), Kinh Dương Vương (Q.6), Phan Đình Phùng đoạn dưới chân cầu Kiệu (Q. Phú Nhuận), Lương Định Của (Q.2), An Dương Vương (Q. Bình Tân), Linh Đông (Q. Thủ Đức), Huỳnh Tấn Phát (Q.7), Bến Phú Định (Q.8)… đều ngập ít nhất là nửa mét, có đoạn ngập sâu cả mét. Một số nhà dân phải lấy bao tải hoặc tận dụng nhiều vật dụng có sẵn để ngăn nước tràn vào nhà. Nhiều nhà phải dùng cả máy bơm để bơm nước ra khỏi nhà. Trời dứt mưa, nhiều nhà mang xô chậu ra tát nước. Người dân có vẻ đã quen với cảnh sống chung với ngập nên rất cơ động, đồ đạc đều dọn lên cao để tránh hư hại.
Đường Phan Đình Phùng cũng biến thành sông mỗi khi mưa lớn
Đường 3-2 (Q.10) thường bị ngập rất sâu mỗi khi có nước
Trong danh sách mưa là ngập còn có các đoạn đường nằm trong khu vực triều cường như Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bùi Hữu Nghĩa, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), một số tuyến Trần Hưng Đạo, Châu Văn Liêm, Hồng Bàng (Q.5), An Dương Vương (Q.6), Nguyễn Văn Quá, Song Hành, Phan Văn Hớn (Q.12), Phan Huy Ích (Q. Gò Vấp), Đỗ Xuân Hợp (Q.9), xa lộ Hà Nội, Lê Văn Việt (Q.9), Kha Vạn Cân (Q. Thủ Đức) vì nhiều lý do như công trình đang thi công cũng thường xuyên gây ngập.
Theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM, tình trạng ngập nặng là do đường bị thấp trũng, hệ thống thoát nước không đáp ứng khi có mưa lớn cùng với triều cường. Nguyên nhân đã biết, nhưng điều người dân quan tâm là giải pháp chống ngập hiệu quả của thành phố để không phải sống chung với ngập nữa.
[custom_gallery style=”1″ source=”post” link=”image” description=”0″ size=”170×170″ limit=”20″]