Ba cha con nhà kia vừa từ dưới nước lên, ông bố nói hai con trai tì tay vào ghế rồi cả ba cha con cùng… hít đất.
Không tập được thành thạo như bố, hai cậu trai ức lắm, thỉnh thoảng kêu lên “bố ăn gian”. Ông bố cười, làm lại nhé, nào đếm một, hai… Người đi ngang qua cười vui vẻ cùng ba cha con.
Có thể thấy đa phần các ông bố đều thích có con trai, thế nhưng, bao nhiêu ông bố biết chơi với con, dạy con học hành? Nhiều ông bố coi việc dạy dỗ con là của vợ, việc ông ở bên ngoài, con hư tại mẹ không biết dạy. Có phải con trai hư bởi suy nghĩ này?
Thậm chí, nhiều bà vợ hy sinh tuổi thanh xuân, không dám ly dị với một ông chồng khó tính, trái nết chỉ vì con trai. Có ông bố nói thì con mới sợ, chứ mẹ nói không ăn thua. Nhiều ông bố đến khi con hư mới nhận ra mình đã quá thờ ơ trong việc dạy dỗ con. Các nhà tâm lý phân tích rằng, muốn dạy con trước hết phải biết chơi với con. Và, nhiều bậc cha mẹ cũng thừa nhận rằng, chơi với con là việc khó (và chán) nhất! Mâu thuẫn là ở đây, thích có con trai nhưng lại không muốn chơi với con, điều này đẩy khoảng cách cha – con ngày càng xa, đến lúc nào đó con không thích gần gũi bố là lẽ đương nhiên.
Trên Facebook có những ông bố thỉnh thoảng lại đưa lên clip sinh hoạt gia đình mấy bố con chơi với nhau. Ông bố có hai con trai đang ở tuổi khám phá cuộc sống và “quậy” hết biết. Nhìn bố bày các thứ ra sàn rồi cả ba cha con cùng chơi đùa mới thấy bố vất vả! Chơi với con đã mệt, dọn dẹp còn mệt hơn. Tuy nhiên, rất nhiều người vào bấm “like” và những câu bình luận chúc mừng và khen ông bố tuyệt vời, có người còn thú nhận không làm được như vậy!
Nhiều ông bố cứ nghĩ đã là con cái rồi, từ từ… gần gũi, ngày qua ngày, con lớn lên khi nào không hay, nhìn lại con trai đã cao hơn bố, tư tưởng của nó cũng khác hơn nhiều, đến lúc con cãi tay đôi bố mới bật ngửa, còn mắng con là “đồ mất dạy”. Con có ai dạy đâu mà mất? Mọi thứ đã muộn!
Nhãn tiền trên các phương tiện thông tin đại chúng, khi sự việc đã lỡ, không còn cứu vãn được nữa, tệ hại hơn, con đứng trước vành móng ngựa, nhiều ông bố cúi đầu thú nhận sai sót của mình không dạy con đến nơi đến chốn. Có trường hợp, con trai còn oán hận bố vì lối sống cá nhân không tốt đẹp, dẫn đến con cái mất phương hướng và việc gì đến đã đến!
Lại có người đổ lỗi cho “bây giờ”, hồi xưa con cái như cây như cỏ lớn lên, cha mẹ cắm mặt làm ăn, con vẫn ngoan. Ai cũng biết xưa khác, giờ khác. Bao nhiêu cám dỗ, triệu thứ trò chơi… Cha mẹ lại không nhiều con cái, không quan tâm đến con thì quan tâm đến ai?
Bởi có những ông bố vô trách nhiệm mà gánh đã nặng càng nặng thêm trên vai người mẹ. Thế nhưng, có đứa con nghĩ lại biết thương mẹ, có đứa lây bệnh vô cảm như cha. Đau khổ nhất chỉ có người mẹ mang nặng đẻ đau, con dại cái mang, lại đổ thừa cho số phận bắt mình gánh chịu, nhà vô phước…
Chơi với con, biết vậy nhưng thực hành không dễ. Tâm lý con người luôn là tâm lý muốn chinh phục và chiến thắng, ngày vợ sinh con trai, ông bố cười hể hả, có con nối dõi, thế nhưng sẽ làm gì tiếp theo thì có những ông bố không hề nghĩ đến. Lại thêm, cuộc sống đôi lúc không như mong muốn, làm ăn không thuận lợi, người cha lao tâm khổ tứ vì công việc, trách con không biết nghĩ… Có thực mới vực được đạo, bây giờ không làm sau này lấy gì lo cho con?
Nước mắt chảy xuống, trời tạo dựng nên con người đồng thời đặt lên vai gánh nặng phải gánh. Gánh đời đa dạng và muôn màu không ai giống ai, nỗ lực hết mình với con cái không chỉ lo làm hay lo hưởng thụ riêng cho mình mà còn phải biết chơi với con nữa, đó cũng là trách nhiệm. Nghĩ xa hơn, mai mốt về già, bố ngồi trên xe lăn, có con trai đưa ra biển hay ra công viên hít thở khí trời mỗi ngày, việc nhỏ nhặt đó thôi mà nhiều người cho là có phước lớn lắm mới có được…