Chủ đề “Phụ nữ đọc sách” đã từng là một hình tượng lãng mạn, tốn biết bao giấy mực của nhiều họa sĩ nổi danh trên thế giới. Có thể kể đến Johannes Vermeer với hai bức tranh phụ nữ đọc thơ, Theodore Roussel, Manet, Picasso, Henri Matisse… đều có tranh phụ nữ đọc sách.
Tiếp sau thành công của triển lãm Dạo bước qua vùng đất của sơn mài tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với những tên tuổi đang gây chú ý của nghệ thuật sơn mài Việt Nam hiện đại, The Muse Artspace tiếp tục tổ chức một triển lãm mới diễn ra từ 22.9 đến 22.10.2023 tại The Muse Artspace 47 Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), với một chủ đề đặc biệt thú vị: Phụ nữ đọc sách.
Ở thế kỷ 18-19 vẫn còn ít phụ nữ đọc sách, làm thơ, tham gia đàm luận các vấn đề chính trị xã hội. Cho đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, phụ nữ mới bắt đầu có quyền bầu cử, thực sự tham gia vào các công việc và hoạt động xã hội mà trước đó chỉ có đàn ông mới tham gia. Bởi thế, vào thời điểm đó, chủ đề này là nguồn cảm hứng sáng tác thi vị của nhiều họa sĩ. Chủ đề phụ nữ đọc sách và tính biểu tượng của nó tại Việt Nam, so với thời đại bây giờ, hẳn đã có ít nhiều thay đổi.
Theo giám tuyển Vân Vi, đồng sáng lập không gian nghệ thuật The Muse Artspace, triển lãm lần này với những góc nhìn đa dạng về hình ảnh người phụ nữ đọc sách của các họa sĩ Việt như: Trịnh Lữ, Phan Cẩm Thượng, Trần Thu Huyền, Nguyễn Văn Trinh, Trịnh Quỳnh Trâm, Nguyễn Hoàng Dung, Cao Thục, Cao Nam Tiến, Trương Văn Ngọc, Bảo Huỳnh, Dương Mạnh Quyết, Đỗ Anh Hoa, Nguyễn Phương Hoa, Minh Đàm, Hải Tiger, Nguyễn Minh Quân, Nguyễn Hà Phương.
Qua những bức tranh của họ – những người dành nhiều thời gian cho việc quan sát, chiêm nghiệm cuộc sống; và qua cách họ đặt tâm tư vào chủ thể, phần nào ta có thể nhìn thấy phụ nữ trong một khía cạnh đương thời ở Việt Nam.
Liệu họ sẽ thấy hình ảnh một phụ nữ bên cạnh sách vở là một hình ảnh trìu mến hiện lên trong tâm tưởng? Một người đẹp bên cạnh thú vui đọc sách tao nhã? Hay họ sẽ gắn nó với bộn bề đa nhiệm của những phụ nữ hiện đại – vừa là con người của gia đình, vừa khát khao phát triển nhận thức và cống hiến cho xã hội?
“Một chủ đề đơn giản mong muốn có những góc nhìn đa dạng. Cho dù chúng ta thấy góc nhìn này không mới – sự thật là như vậy, và nếu chúng ta may mắn nhận thấy một góc nhìn mới, thì đấy chính là phần thưởng cho việc thưởng thức nghệ thuật này”, giám tuyển Vân Vi bày tỏ.
Cũng như lời tự bạch của họa sĩ, dịch giả nổi tiếng Trịnh Lữ về bức Người nữ đọc sách của ông: “Nguồn sinh lực nuôi dưỡng cảm hứng sống từ ngôn từ trong sách đã biến thành nguồn sữa mẹ của nhân loại. Mọi lí do đọc sách riêng tư của từng cá thể người nữ đã trở thành một lí do phổ quát có tính nhân loại. Người nữ trở lại với chức năng Người Mẹ, và sang thế kỷ 21 này, ngay trong xã hội Việt Nam của chúng ta, họ đang rủ nhau Đọc sách cùng con.
Trong bức tranh có tính ẩn dụ này, tôi không mô tả chân dung hai mẹ con cùng đọc sách, mà tìm cách tạo hình cho ý tưởng về “nguồn sữa mẹ” của nhân loại từ những trang sách mà họ đang đọc cùng nhau. Tôi cho họ đọc một cuốn sách về các hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta – một biểu tượng phổ quát về cuộc sống của nhân loại. Và cho những trang sách ấy âu yếm phát sáng bao trùm hai mẹ con”.
Đến với triển lãm lần này, khán giả sẽ không chỉ thưởng lãm vẻ đẹp thuần túy của nghệ thuật hội họa, mà đồng thời còn cảm nhận được sự rung cảm, đồng cảm của những người nghệ sĩ tài hoa khi sáng tạo trong một chủ đề mang tính thông điệp xã hội.
Hình ảnh phụ nữ đọc sách có ba khía cạnh thú vị. Thứ nhất, về mặt mỹ học, là hình thể đẹp; thứ hai là hình ảnh mang tính biểu tượng cho sự vươn đến tri thức, và thứ ba nữa bên cạnh tri thức còn thế giới tinh thần, thế giới riêng tư của con người mà người xem chỉ có thể cảm nhận được. Trong triển lãm mỗi họa sĩ giới thiệu trước công chúng cái nhìn độc đáo và ấn tượng của mình về hình tượng người phụ nữ đọc sách.