Chuyển mùa là giai đoạn thời tiết thay đổi với nhiệt độ lúc nóng, lúc lạnh, nắng mưa bất thường nên nếu hệ miễn dịch của cơ thể yếu đi, bạn rất dễ mắc bệnh.
Đặc biệt vào giao mùa thu – đông, không khí lúc ẩm, lúc hanh khô có thể khiến cho các loại virus gây bệnh sinh sôi mạnh. Đây là khoảng thời gian cơ thể rất khó thích nghi với thời tiết, và cảm cúm dễ xảy ra. Nếu không phòng và điều trị cúm đúng, kịp thời có thể dẫn tới một số biến chứng nghiêm trọng về tim mạch, hô hấp, viêm phổi… Các triệu chứng dễ nhận thấy của cảm cúm là sốt cao, đau đầu, cơ thể mệt mỏi và đau nhức, ho khan, đau họng và sổ mũi.
Không gian làm việc khép kín tại môi trường công sở là điều kiện thuận lợi để virus cảm cúm tồn tại và lây lan. Khi một người tại văn phòng bị cảm cúm thì khả năng lây lan cho những người khác là rất cao. Kết quả nghiên cứu của Giáo sư – Tiến sĩ Charles Gerba (khoa Dịch tễ học, thống kê sinh học và khoa học môi trường tại Đại học Arizona – Mỹ) về cách virus cảm cúm lây lan trong môi trường công sở nói rõ: nguyên nhân lây lan không phải do người bệnh không che miệng khi hắt hơi hay ho, mà do virus lây lan gián tiếp từ những vật dụng mà người bị bệnh đã động vào.
Giáo sư Gerba đã cho đặt những virus vô hại lên tay một số người tham gia nghiên cứu và cho họ vào một văn phòng. Trong vòng bốn tiếng đồng hồ, những người này đã làm virus lây lan sang một nửa số người tham gia và một nửa số vật dụng trong văn phòng. “Chúng tôi rất ngạc nhiên về tốc độ lây lan của virus. Nếu bạn hắt hơi, bạn cũng chỉ làm không khí xung quanh bị ô nhiễm. Nhưng nếu chạm phải virus thì bạn sẽ mang chúng đi khắp tòa nhà”, giáo sư Gerba nói rõ. Hầu hết các virus cúm và cảm lạnh có thể tồn tại khoảng 2-3 ngày trên bề mặt các đồ vật, trong khi virus liên quan đến các vấn đề về dạ dày có thể tồn tại tới 30 ngày.
Theo nghiên cứu trên, những nơi dễ tồn tại virus nhất là: điện thoại, máy tính để bàn, bàn phím, chuột, máy in, máy fax, nút bấm trong thang máy, lò vi ba, bồn rửa tay và các cạnh bàn.
Không có phương pháp cụ thể nào để ngăn chặn virus cảm cúm lây lan, chỉ có thể phòng tránh bằng một số cách sau:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước ấm, cũng có thể sử dụng nước rửa tay có chứa chất cồn để khử trùng. Sau khi rửa xong dùng khăn giấy tắt vòi nước để tránh tái nhiễm lại virus.
- Không chạm tay vào mũi, miệng, mắt; tránh bắt tay và ôm ấp người khác; đặc biệt là giữ khoảng cách với người đang bị bệnh.
- Lau các đồ vật dễ tồn tại virus bằng khăn lau khử trùng ít nhất một lần một ngày.
- Mở cửa sổ để phòng làm việc thông thoáng, ngăn sự ẩm mốc, đề phòng các bệnh dị ứng khác.
- Không nên bỏ bữa, tăng cường ăn nhiều trái cây, rau xanh giúp phòng ngừa cảm cúm, cũng giúp nhanh khỏi bệnh nếu có.
Một số biện pháp giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, tránh bị cảm cúm
- Giữ ấm cơ thể khi trời trở lạnh, đặc biệt là giữ ấm chân. Nên mang theo vài đôi vớ mỏng để thay khi đến công sở vì chân có thể ra mồ hôi, không được để chân ướt mồ hôi trong một khoảng thời gian quá dài vì sẽ tạo ra mùi khó chịu và cơ thể dễ bị nhiễm lạnh.
- Thường xuyên bổ sung vitamin cho cơ thể trong các bữa ăn hằng ngày, đặc biệt là vitamin C, giúp cơ thể tăng sức đề kháng, chống lại sự tấn công của các loại vi khuẩn gây bệnh cảm cúm. Cũng nên bổ sung tỏi và các chế phẩm từ tỏi trong chế độ ăn uống vì chúng có tác dụng phòng ngừa cúm, tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể.
- Súc miệng bằng nước muối vài lần mỗi ngày có thể giúp ngăn chặn viêm họng cũng như ngăn ngừa nhiễm trùng phát sinh.
- Nên ngủ đủ giấc, ít nhất 7 tiếng mỗi ngày. Khi ngủ ít, các tế bào trong cơ thể không kịp phục hồi sau một ngày làm việc mệt mỏi, sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút khiến dễ bị nhiễm bệnh.
- Nên tăng cường vận động, tập thể dục thể thao, vì hoạt động thể chất thường xuyên giúp lưu thông máu, tránh triệu chứng mệt mỏi. Quá trình tập luyện thể thao khiến cơ thể bị mất nước, tạo điều kiện để bạn uống nhiều nước hơn – điều này có tác dụng thanh lọc cơ thể, loại bỏ độc tố và giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tích cực, phòng tránh nhiễm bệnh.
- Cần tránh xa khói thuốc lá, dù hút thuốc chủ động hay thụ động đều ảnh hưởng đến lớp màng nhầy bên trong mũi, khiến cho mũi dễ bị viêm, dễ bị nhiễm virus cúm. Tuy nhiên, cũng nên từ bỏ hoặc hạn chế tối đa việc hút thuốc lá vì điều đó thật sự tốt cho sức khỏe nói chung và giảm tỷ lệ nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm khác.