Từ xưa đến nay, con người vẫn luôn ao ước có được sức khỏe, sự giàu sang và vẻ đẹp. Để khỏe mạnh, giàu có, chỉ có một cách duy nhất là ăn uống đầy đủ và chăm chỉ lao động, nhưng để có vẻ đẹp thì có vô số cách và những quan niệm rất khác nhau về thế nào là đẹp, hấp dẫn và tạo ra ở mỗi nơi, mỗi lúc những tiêu chí đánh giá sắc đẹp rất mới lạ.
Một trong những dân tộc đầu tiên trên thế giới biết làm đẹp là người Ai Cập cổ đại. Từ 5.000 năm trước, họ đã biết kẻ mắt, cạo đầu, đội tóc giả, xức nước hoa, đeo vòng xuyến, mặc áo bó…
Khác với mọi người hôm nay thường kẻ mắt rất mỏng, thì họ vẽ lông mày – lông mi cực đậm và dài, hơn thế còn tô nguyên cả mí mắt, làm nên một dải xanh quyến rũ.
Với suy nghĩ râu tóc là thứ không sạch sẽ, đa số nam nữ đều cạo trọc, thay vào đó đội tóc giả bằng lông ngựa.
Riêng với nữ, mái tóc sẽ được rẽ làm ba, một để sau lưng, hai để trước ngực, có màu sắc đen nhánh tương phản với làn da được bôi trắng hoặc dát vàng sang trọng.
Cả hai giới đều thích sự mảnh mai nên trong tranh, tượng luôn miêu tả một người rất gọn gàng dù thực chất anh ta béo phì. Ngày nào, người dân cũng tắm bùn và triệt khử mùi hôi trên cơ thể bằng nước hoa.
Phụ nữ Hy Lạp cổ đại cũng làm đỏm và trang điểm không kém. Ngoài việc tô lông mày đậm, họ còn để tóc dài, khoe ngực trần, xem bộ ngực nở nang và trắng muốt là một thước đo đánh giá sắc đẹp. Vì có làn da trắng nên ai nấy thường nhuộm tóc trắng bằng giấm tạo ra vẻ thuần khiết.
Ở Trung Quốc cổ đại, nữ giới có khá nhiều kiểu lông mày to nhỏ. Họ thường vẽ và tô lông mày theo các hình dạng, màu sắc khác nhau, mà ấn tượng nhất là kiểu lông mày to như con sâu bướm vào thời Tề và Lương, với cách vẽ ngắn song tô đậm gấp đôi.
Cùng với lông mày nổi bật màu đen hoặc xanh đen, các cô gái còn thích khuôn mặt bầu bĩnh, và vào thời Đường, những ai có mặt tròn, trán rộng, má đầy đều được gọi là mỹ nhân.
Tại Việt Nam, vào thời Lê mạt – Nguyễn sơ, nữ nhi cũng thích khuôn mặt tròn, lông mày dày, và coi nó là vẻ đẹp chuẩn mực của thục nữ; điều ấy được thể hiện qua câu thơ “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” trong Truyện Kiều.
Tuy thích da trắng, song người Hoa ngày xưa và cả hôm nay lại sợ da trắng bệch – trắng nhợt, nghĩ nó là da của người chết nên thường xuyên đánh phấn hồng cho khuôn mặt hồng hào và gò má đào lạ mắt.
Truyền thống bôi má đào đã khởi nguồn từ thời Nam Bắc triều, khi công chúa Shouyang nằm mơ thấy một bông đào rơi xuống má, để lại một dấu đỏ suốt mấy hôm.
Từ đó, cung nữ bắt đầu bôi mặt và đính vảy cá, kim sa lên trán cho đẹp. Vì thế, trong tranh, tượng nước này luôn thấy các mỹ nhân mũm mĩm và có má hồng như em bé.
Nữ giới Nhật Bản thời Heian lại không để lông mày mà cạo sạch và vẽ một lông mày giả, cao vượt vị trí cũ. Họ sẽ bôi trắng phần lông mày cũ để nó chìm đi và làm mắt to ra.
Ngược với người Hoa, người dân ở đây rất trọng màu trắng, càng trắng càng tốt vì trắng mang đến phú quý.
Thay vì bôi trắng một cách nhè nhẹ đủ sáng da, họ thường bôi mặt rất dày, khiến mặt trắng xóa, đồng thời tô môi thật đỏ, cùng một hàm răng đen bóng ấn tượng. Ai nấy đều xem geisha và các nghệ sĩ có da trắng, tóc đen, môi đỏ là hiện thân của sắc đẹp.
Mặc dù không để ý lắm đến thân thể, làm đôi lúc người hơi béo tốt, nhưng phụ nữ thời Phục hưng rất chú tâm đến vẻ thanh thoát trên khuôn mặt và thường nhổ bớt những sợi tóc để trán được cao hơn. Họ cũng hay cạo sạch lông mày và nhuộm tóc vàng giúp khuôn mặt rạng ngời.
- Xem thêm: Nữ thần lúa ở Đông Nam Á
Sau khi bôi thuốc nhuộm từ nghệ, vỏ hành, sulphure, soda, mọi người thường phơi tóc hàng giờ dưới nắng song cố gắng tránh nám vì da trắng cũng là một điểm tạo nên vẻ tinh khôi giống thần tiên, do già trẻ đều yêu văn học nghệ thuật cổ đại.
Ngoài ra, họ còn đeo những chuỗi ngọc trai là biểu tượng của sự thuần khiết, lấy cảm hứng từ thần Vệ Nữ – người sinh ra từ bọt biển và có làn da trắng tựa châu ngọc.
Từ thời Ai Cập, Hy Lạp, La Mã cổ đại, nữ giới luôn xem bộ ngực căng tròn là hấp dẫn và bộc lộ sự trưởng thành của một cô gái.
Với ngực nở, hông to, phụ nữ sẽ được rất nhiều chàng trai để ý vì có thể làm mẹ và vợ tốt. Vì thế, khi đến tuổi cập kê, ai nấy đều thích khoe ngực, và đặc biệt vào thế kỷ 15-16 còn có mốt khoe toàn bộ ngực.
Không dừng lại ở đó, vào thế kỷ 17 nhằm hấp dẫn hơn, phụ nữ Anh còn lấy bút vẽ lên ngực những đường gân xanh như mạch máu, cho cảm giác về một làn da trong suốt, gợi tình.
Trong khi phụ nữ khoe ngực quyến rũ, xem đây là điểm nhấn, bắt mắt nhất trên cơ thể thì nam giới từ thời Trung cổ đến đầu thế kỷ 19 lại trưng bắp chân, phơi bày một đôi chân khỏe mạnh, vững chãi.
Sở dĩ như vậy vì nam nhi không có nhiều đường cong; hơn thế, thời này luôn phải mặc những bộ áo quần rất dày, dài đến gối và chỉ lộ cẳng chân.
Để thể hiện sự cường tráng do quần áo đã che kín người, họ chỉ còn cách hướng sự chú vào những cơ bắp ở chân, làm sao cho chúng to ra, thậm chí là đệm những tấm mút vào tất tăng kích cỡ.
Bắt đầu từ thời La Mã, người ta đã dùng những miếng dán, hạt dính làm đẹp, nhưng nhiều nhất là vào thế kỷ 18, khi ấy ở châu Âu, bệnh đậu mùa đang hoành hành và mỗi năm cướp đi sinh mạng của 400 nghìn người, với những ai sống sót thì cũng bị căn bệnh gây rỗ nặng.
Ngoài ra, việc trát phấn chứa nhiều chì cũng làm da mặt bị hỏng nên nhiều người đã lấy những miếng dán nhỏ đa dạng để che đi khuyết điểm.
Những hình tròn, hình vuông, tam giác, lưỡi liềm, ngôi sao hay trái tim được dán tùy ý trên người, với mỗi nơi truyền tải một ý nghĩa riêng, như trên trán chỉ sự quý phái, gần mắt – e lệ, quanh môi – vui vẻ, cánh mũi – dữ dằn, gò má – lịch thiệp, trên ngực – hào phóng.
Vào thập niên 30 của thế kỷ 20, từ tóc dài nữ giới đồng loạt chuyển sang tóc ngắn hoặc cuộn tóc lên cao bởi họ xem tóc cúp hay tết trên đầu là mốt mới.
Cùng với mái tóc gọn gàng, thiếu nữ cũng giải phóng cơ thể bằng các loại váy mỏng, vạt góc để khoe đôi chân dài, nhảy múa, chơi thể thao.
Việc này hoàn toàn khác với thời Victoria khi ai nấy đều mặc dày, kín đáo và còn có những cái đai bằng gỗ hoặc kim loại ở váy nặng trĩu.
Tuy nhiên, ở thời Victoria, nữ giới đã bắt đầu chú trọng đến việc tạo hình cơ thể bắt mắt; đó là hình đồng hồ cát với ngực nở, eo thon và hông nảy.
Trong khi nhiều người vẫn ăn mặc tự nhiên, xem việc béo tốt là một vẻ đẹp phồn thực, trù phú thì nhiều người đã chọn những cái áo đặc biệt có thể nén bụng, đẩy ngực và hông gợi cảm.
Vào thập niên 60, những cơ thể hình chữ V đã được coi là vẻ đẹp lý tưởng, với sự xuất hiện của khá nhiều nữ diễn viên có thân hình bốc lửa như Marilyn Monroe không cần áo nịt, váy phồng mà vẫn đẹp với nhiều đường cong hút hồn.
Đến thập niên 1980, nhờ các nghệ sĩ như Cher và Farrah Fawcett, mọi người lại hướng tới quan điểm cái đẹp là phải có một làn da ngăm đen và mái tóc xù. Từ khắp nơi, người ta đổ về các bãi biển tắm nắng, làm da sạm đi.
Ngoài làn da như ý, cuối thế kỷ 20, nam nữ Âu, Mỹ còn thích có nhiều cơ bắp nổi cuộn, và thường tập luyện nhằm đạt kết quả. Đặc biệt là phụ nữ Brazil, tuy là phái yếu song họ không chịu thua nam giới trong việc tập thể hình để có thân hình săn chắc.
Trong khi rất nhiều người chỉ thay đổi râu tóc, vóc dáng, trang phục thì một số người để làm đẹp còn xăm, chích và xiên lên người.
Tiêu biểu là người Maori ở New Zealand. Với họ, không có gì đẹp bằng những hình xăm ta-moko trên cơ thể.
Đã 1.000 năm qua, người ta dùng những cái búa và dùi để tạo hình xăm. Cả nam lẫn nữ đều xăm, song nhiều nhất là nam với cả cơ thể, còn nữ chủ yếu nhấn mạnh đến cằm và môi.
Ngoài ra, còn có các dân tộc khác như Atayal – Đài Loan, Berbers – Tamazgha, Hausa – Nigeria, Kurdish – Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ xăm một chỗ, mà còn xăm trên toàn khuôn mặt, cổ, ngực, tay chân.
Trong mắt người Karo ở Ethiopia, vẻ đẹp thể hiện ở sự gồ ghề nên thường làm sẹo ở lưng và bụng ngay từ nhỏ. Họ tin rằng, những vết sẹo sẽ giúp thiếu nữ xinh hơn, còn nếu trơn nhẵn thì “xấu xí”.
Do vậy, cô gái nào càng có nhiều sẹo, càng có lắm kẻ yêu. Riêng người Dagomba – Ghana, họ còn dùng sẹo chữa các bệnh được tin từ máu, và việc cắt da, cắt thịt là để tẩy chúng khỏi cơ thể.
Người Yanomami – Brazil từ lâu cũng làm đẹp bằng cách xiên những que nhọn quanh miệng – mũi đánh dấu sự tự lập, trưởng thành và duyên dáng. Người Apatani – Ấn Độ lại thích đeo nút, chọn những cái nút chai để lồng vào hai cánh mũi.
Có khá nhiều dân tộc châu Á thích răng đen, răng khiểng, răng nhọn. Một ví dụ là người Thái, Tày, Dao, Si La ở Việt Nam.
Từ lâu, đồng bào đã có tục nhuộm răng đen. Thay vì đánh răng 3 lần một ngày thì họ liên tục nhai trầu, lá thuốc để đen răng với quan niệm các chất trong đó sẽ giúp răng chắc, không sâu và còn có độ bóng, loáng. Người ta cũng xem nụ cười có hàm răng đen rất dễ thương.
Thi sĩ Hoàng Cầm trong bài thơ Bên kia sông Đuống đã từng ca ngợi “Những cô hàng xén răng đen. Cười như mùa thu tỏa nắng”. Nhật Bản trước đây cũng từng xem răng đen là đẹp và nhuộm răng thể hiện sự cao quý.
Đến nay, họ không còn duy trì răng đen nữa, nhưng lại chuyển sang thích răng khểnh yeaba, là loại răng nhấp nhô, có đỉnh nhọn như răng nanh, mà theo họ khi cười xinh gấp đôi.
Nhiều dân tộc trên thế giới cũng từng xem việc cà răng (mài răng nhọn) và căng tai (giãn rộng tai) là một yếu tố làm nên sắc đẹp, sức mạnh và phẩm chất con người.
Ở nước ta, đồng bào Ede, Bana, Mnong, Mạ, Stieng, Cơ tu, Brau trong một thời gian dài đã có tục cà răng căng tai nhằm thể hiện những nét đẹp mạnh mẽ – kiên cường. Trong tục này, người ta sẽ không để răng mọc đều nhau mà sẽ mài chúng nhọn.
Vào tuổi trưởng thành, theo cách tính của buôn làng, nam nữ sẽ phải cà răng. Thông thường phải cà đi sáu cái răng cửa hoặc hơn, dùng những viên đá, cái cưa hoặc giũa để mài răng.
Công việc gây nhiều đau đớn, song nếu ai chịu nổi sẽ được cộng đồng thừa nhận là đã đến tuổi trưởng thành, có đủ ý chí, nghị lực để làm những việc lớn và dựng vợ gả chồng. Còn nếu không thì hãy còn non yếu và bị chê cười.
Song hành với cà răng, họ cũng căng dáy tai, dùng những que gỗ, sỏi đá xiên vào dái tai từ nhỏ cho đến lớn để mỗi lúc nó càng to ra và xệ tới cổ.
Người ta xem lỗ tai càng to càng sang trọng, hùng dũng. Để thêm đẹp và khẳng định địa vị hơn người, nhà giàu thường đeo ngà voi vào tai, còn bình dân đeo xương, đá, gỗ, nứa.
Hiện nay, ở nước ta không còn nhiều người duy trì tục làm đẹp cũng như lễ nghi này, hình ảnh người cà răng căng tai chỉ còn thấy ở các thế hệ người già 70, 80 tuổi.
Dân tộc Kayan giữa biên giới Thái Lan và Burma lại xem cổ dài là tuyệt mỹ. Từ bốn, năm tuổi, bé gái đã được đeo những cái vòng bằng đồng và đến khi trưởng thành có tới 25 cái, nặng vài kilôgam trên cổ.
Không bao giờ họ tháo vòng ra vì nó là biểu tượng của bộ tộc và sự thanh lịch. Người Maya, Incas xưa kia cũng thường quấn đầu xem đầu dài và nhọn là thanh tú, sang trọng.
Bắt đầu từ 3.000 năm trước, người Maya đã bó đầu của trẻ bằng những sợi dây và tấm gỗ để trán dài ra vài lần, và nó đã được điện ảnh thu nhận để làm nên các nhân vật người ngoài hành tinh.
Không chỉ có người Maya, nhiều dân tộc cũng từng làm như vậy như người Hawaii, Tahiti, Vanuatu, Mangbetu, Chinook, Choctaw.
Do quan niệm chân bó sẽ giống bông sen, cho phép chạy nhảy thanh thoát, đồng thời thể hiện địa vị cao quý, từ thế kỷ 10 đến nhưng năm 1940 ở Trung Quốc đã có tục bó chân, bẻ những ngón chân quặp vào trong làm chân nhỏ xíu, đi vừa được những đôi hài mini.
Mới đầu, tục này nảy sinh trong cung đình do cung nữ nghĩ ra để cho bàn chân thon nhỏ, nhảy múa duyên dáng hơn rồi truyền ra dân gian.
Từ 6 tuổi, nữ nhi đã phải bó chân, mà nhiều khi tóp lại chỉ bằng 1/3 chân cũ. Tuy chân có nhỏ đi, song nó lại bị biến dạng và gây ra những cơn đau đớn nên giữa thập niên 1950 đã bị cấm.
Ngoài tục bó chân, từ thời Hán, người ta còn để móng tay dài đến 20cm vì giới quý tộc không phải đụng tay vào bất cứ thứ gì, kể cả tắm rửa, ăn uống.
Ngoài ra, họ còn quan niệm thân thể là do cha mẹ sinh ra, không được bức hại nên nam nữ đều nuôi móng tay cho đẹp, và đeo những cái đê giữ móng. Khác với tục bó chân, nhiều người Hoa hôm nay vẫn để móng tay dài.
Phần lớn phụ nữ đều thích thon thả. Phụ nữ hiện đại càng muốn giữ thân thể hình đồng hồ cát nên thường ăn kiêng để giảm cân.
Thế nhưng, phụ nữ Mauritania, Maroc, Jamaica, Tonga, Fiji, Tahiti, Samoa, Nauru, Kuwait lại ăn cật lực cho béo vì tại đây, mọi người đánh giá cái đẹp bằng cân nặng và xem sự đồ sộ, đẫy đà là món quà quý của tự nhiên.
Từ nhỏ, bé gái Mauritania đã được dùng sữa bò, lạc đà và nhiều món ăn giàu đạm khác cung cấp tới 16.000 calo/ngày. Ai cũng nặng 80, 90kg trở lên với suy nghĩ càng to càng phúc hậu, đáng yêu.
Còn có khá nhiều cách làm đẹp khác trên thế giới khó mà kể hết được. Có những cái đến nay đã không còn nữa, trở thành lỗi thời hoặc hủ tục, cũng có những cái vẫn phát triển do đảm bảo tính nhân văn, thẩm mỹ, sức khỏe và hợp với thời đại.