Ung thư đại – trực tràng là một trong năm loại ung thư thường gặp nhất ở nước ta. Ngày càng nhiều người từ 50 tuổi trở lên bị loại ung thư đại – trực tràng và đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao.
Nhiều người nghĩ rằng đây là bệnh “trời kêu ai nấy dạ” nhưng khi trao đổi với chúng tôi, BS Võ Kim Điền, Trung tâm điều trị Ung thư Hy Vọng (Bệnh viện FV), Ủy viên Ban chấp hành Hội Ung thư Việt Nam và Hội Ung thư TP. Hồ Chí Minh cho biết chúng ta có thể phòng tránh bệnh bằng lối sống và cách ăn uống khoa học hơn.
Người lớn tuổi nên cẩn thận triệu chứng đại tiện ra máu
Ung thư đại – trực tràng (UTĐTT) thường xuất hiện ở người từ 50 tuổi trở lên, trong đó độ tuổi 60 là thường gặp nhất. Nếu người trên 40 tuổi đại tiện ra máu thường xuyên thì nên lưu ý để kiểm tra vì đây là một trong những dấu hiệu quan trọng để nhận biết bệnh. Đại tiện ra máu cũng là một dấu hiệu hay gặp ở người bị bệnh trĩ, xuất huyết đường ruột… nên tốt nhất là đi khám để được chẩn đoán chính xác.
Ung thư đại – trực tràng có tính di truyền nên nếu trong gia đình có người mắc bệnh thì chúng ta nên kiểm tra trước độ tuổi của người bị bệnh khoảng 10 năm. Những người bình thường thì từ độ tuổi 50 trở lên, chúng ta nên đi khám định kỳ mười năm một lần. Người có triệu chứng bất thường về tiêu hóa thì cần tầm soát trực tiếp bằng nội soi.
Một số trường hợp UTĐTT có kèm theo các polyp trong lòng đại tràng. Một người phát hiện có polyp trong đại tràng có thể là giai đoạn tiền ung thư, trong thời gian từ 10 đến 15 năm có thể biến chứng thành UTĐTT. Do vậy, các bác sĩ khuyên rằng nếu phát hiện có polyp trong đại tràng thì nên đi cắt bỏ.
Trường hợp có nhiều polyp (thường gọi là đa polyp), nguy cơ biến chứng thành ung thư rất cao, cần cắt bỏ toàn bộ khu vực này để phòng ngừa. Những polyp lớn từ 1 – 2cm thì nguy cơ ác tính càng nhiều hơn, polyp nhỏ nguy cơ ít hơn.
Người bị UTĐTT có thể được điều trị phối hợp nhiều phương thức khác nhau như xạ trị, hóa trị, phẫu thuật… Phương pháp làm hậu môn nhân tạo hiện nay cũng có nhiều tiến bộ, không cồng kềnh khó khăn như trước mà giúp người bệnh có cảm giác tốt hơn, chất lượng sống tốt hơn.
Ung thư đại – trực tràng có khuynh hướng di căn xa, với những bệnh nhân đã phẫu thuật đại tràng hoàn toàn có thể di căn đến gan và phổi. Vì vậy, việc điều trị và tái khám sau điều trị cần được thực hiện nghiệm túc.
Trên thực tế đã từng có những tình huống đáng tiếc khi người bệnh bị UTĐTT nhưng khi đi khám, không được chẩn đoán cẩn thận nên cứ điều trị như trĩ trong thời gian kéo dài. Đến khi ung thư di căn mới phát hiện UTĐTT thì cơ hội điều trị cho bệnh nhân cũng không còn nhiều. Vì vậy, chúng ta cũng nên chọn những nơi khám bệnh uy tín để được phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả.
Bệnh có thể phòng ngừa từ cách ăn uống
Theo BS Võ Kim Điền, ngoài nguyên nhân di truyền thì phần lớn những người bị UTĐTT là do ăn uống và thói quen sinh hoạt chưa khoa học. Chế độ ăn nhiều thịt, ít chất xơ sẽ tăng khả năng bị ung thư đường tiêu hóa.
Các chất xơ, có nguồn gốc từ rau tươi và các loại trái cây giúp làm giảm nguy cơ bị UTĐTT. Khi chúng ta ăn nhiều thịt, mỡ, đạm thì chất xơ sẽ gia tăng kết hợp chất xơ với các yếu tố sinh ung dẫn ra ngoài, nhờ đó mà các chất sinh ung không có cơ hội tồn đọng trong lòng ruột, giảm thời gian ứ đọng phân.
Các loại nước uống chứa cồn làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng và đại tràng. Sử dụng 15g/ngày sẽ làm tăng nguy cơ ung thư. Thuốc lá không những được biết đến như là những “sát thủ” của bệnh lý tim mạch hay ung thư phổi. Gần đây thuốc lá đã được công nhận là những yếu tố nguy cơ rất quan trọng gây UTĐTT cho cả hai giới, nhất là khi kết hợp với rượu bia. Vì vậy, chúng ta nên bỏ thuốc lá, tránh xa môi trường có khói thuốc lá và hạn chế rượu bia ngay từ hôm nay.
Hoạt động thể lực, vận động hay luyện tập thể dục sẽ làm giảm nguy cơ mắc UTĐTT, trên cơ sở là ngăn ngừa tình trạng béo phì và cũng làm giảm thời gian ứ đọng chất sinh ung trong lòng đại tràng. Tập thể dục khoảng 20-40 phút mỗi ngày và tốt nhất là vào buổi sáng.
Các yếu tố trên đây chúng ta có thể kiểm soát được, tuy nhiên cũng có yếu tố không thể kiểm soát được như tuổi tác và bệnh ung thư xảy ra ở những người lớn tuổi. Một điểm cần lưu ý là tuổi thọ ngày càng tăng, do vậy chúng ta luôn luôn đối mặt với những yếu tố nguy cơ UTĐTT. Việc xác định các yếu tố nguy cơ là rất quan trọng để từ đó có biện pháp phòng ngừa tích cực hơn. Vì vậy, người từ tuổi trung niên cần tích cực hơn trong việc khám sức khỏe định kỳ.