Đất trời sang thu, thời tiết cũng thay đổi từ nóng ấm sang se lạnh. Sự chuyển mùa này làm nhiều người thích thú vì thoát được nắng nóng của mùa hè; nhưng lại là “nỗi ám ảnh” của những người dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi, viêm mũi dị ứng, đặc biệt là bệnh viêm xoang. Nếu không lưu ý phòng bệnh, thì đây là thời điểm dễ mắc bệnh hoặc dễ bị tái phát đối với người đã có tiền sử với những bệnh kể trên.
Xoang là một hệ thống các khoang chứa khí nằm bên trong hộp xương sọ mặt. Có bốn cặp xoang gần như đối xứng hai bên thành bên hốc mũi. Lót trong lòng các xoang là màng niêm mạc đường hô hấp nối liên tục với niêm mạc khoang mũi họng. Hệ thống xoang trước gồm xoang hàm, xoang sàng trước và xoang trán với các lỗ xoang đổ vào khe mũi giữa. Hệ thống xoang sau gồm xoang sàng sau và xoang bướm với các lỗ xoang đổ vào hốc mũi qua khe bướm sàng. Do cấu tạo này nên xoang sẽ giúp làm giảm trọng lượng của khối hộp sọ và tham gia vào quá trình điều hòa không khí. Theo đó, các xoang có nhiệm vụ hết sức quan trọng là làm ấm nguồn không khí đi vào phổi mỗi khi thời tiết lạnh và làm mát không khí khi trời nóng nhờ vào sự điều hòa của hệ thống mao mạch của xoang.
Tuy nhiên, khi xoang bị tổn thương, viêm hoặc nhiễm khuẩn, sự thay đổi thất thường của thời tiết sẽ khiến cho tình trạng bệnh viêm mũi, viêm xoang trở nên trầm trọng. Bệnh không chỉ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu hơn, các triệu chứng trở nên dai dẳng hơn mà việc tái phát cũng diễn ra nhanh hơn.
Bác sĩ Leong Hoo Kwong, chuyên gia tư vấn phẫu thuật Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Gleneagles (Singapore) cho biết viêm xoang hoặc nhiễm trùng xoang là tình trạng viêm các xoang và đường mũi. Bệnh thường gây nhức đầu hoặc đau nhức ở vùng hốc mắt, mũi, vùng má hoặc ở một bên đầu. Người bị nhiễm trùng xoang cũng có thể bị ho, sốt, hơi thở hôi, nghẹt mũi, chảy nước mũi trong (hoặc nước mũi đục, vàng khi đang ở tình trạng viêm cấp tính).
Viêm xoang được phân loại thành cấp tính (bắt đầu đột ngột và thời gian ngắn) hoặc mạn tính (dài hạn). Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp nhiễm trùng xoang gây ra do virus, vi khuẩn hay nấm. Nhiễm trùng trở thành mạn tính khi mủ tích tụ và không thể thoát ra ngoài được. Một số nguyên nhân góp phần gây viêm xoang mạn tính là bệnh nhiễm trùng răng, nghẹt mũi, dị ứng, tổn thương mũi hoặc xoang, chất kích thích từ không khí, giảm miễn dịch, thay đổi nội tiết tố.
Đối với những bệnh nhân viêm xoang mạn tính, để hạn chế bệnh tái phát và trở nên nặng hơn khi thời tiết trở lạnh, có thể áp dụng những phương pháp sau:
- Làm ấm vùng mũi mỗi khi thức dậy vào buổi sáng bằng cách dùng hai bàn tay xoa vào nhau tạo nhiệt rồi áp vào hai bên vùng cánh mũi và miệng, đồng thời hít vào thở ra đều đặn, thực hiện như vậy từ 3-5 phút. Ngoài ra nên tránh ngoáy mũi vì sẽ gây tổn thương phần tiền đình mũi và niêm mạc mũi.
- Súc miệng bằng nước muối sinh lý sau khi đánh răng. Giữ cho họng và miệng không bị viêm sẽ hạn chế việc bị viêm xoang cũng như bệnh viêm xoang tái phát, bởi hệ thống xoang và các bộ phận đường hô hấp trên liên thông với nhau.
- Luôn giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, ngực và mũi. Khi đi ra ngoài cần mang khẩu trang để không chỉ giữ ấm mà còn hạn chế sự xâm nhập của bụi, vi khuẩn. Nên tắm nước nóng khi thời tiết trở lạnh, và hạn chế ở trong môi trường có máy điều hòa nhiệt độ.
- Tăng sức đề kháng cho cơ thể qua chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, uống nước đều trong mỗi giờ, sẽ làm loãng chất nhầy trên mũi thuận lợi cho việc lưu thông không khí. Trong chế độ ăn nên bổ sung kẽm (có trong nghêu sò, đậu phộng, hạt bí…), Omega-3 (có nhiều trong cá hồi, cá nục…), những thực phẩm giàu vitamin A, C, canxi (có trong khoai lang, đu đủ, bí đỏ, chanh, bưởi, dâu tây, các món ăn từ đậu…). Nếu được, nên uống một tách trà nóng với vài lát gừng tươi vào mỗi buổi sáng để giữ ấm cơ thể.
Không nên uống sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa vì có thể làm tăng chất nhầy gây tắc mũi. Chất nhầy đặc và sệt trong rãnh xoang có thể ảnh hưởng tới sự lưu thông khí và tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Hạn chế ăn đồ cay, uống cà phê, nước sô-đa và thức uống có cồn. Một số đồ ăn cay và cà phê, nước sô-đa có thể gây chứng ợ nóng hoặc trào ngược axit lên cổ họng có thể gây ảnh hưởng đến tai, mũi, họng. Đồ uống có cồn như bia, rượu có thể làm mất nước trong cơ thể khiến chất nhầy trong mũi đặc lại, sưng màng ở mũi và xoang. Ngoài ra, người bệnh viêm xoang cũng không nên ăn các món ăn đã từng bị dị ứng, các loại nước uống quá lạnh, và người bệnh nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.
- Theo healthline.com