Julie Zhuo, Phó giám đốc của Facebook, cho biết cô cũng từng bị choáng khi nghe tin một nhân viên thông báo sắp nghỉ việc. Theo cô, đây là dấu hiệu cho kỹ năng quản lý tồi tệ.
Một người sếp tốt phải thường xuyên hỏi han nhân viên của mình về công việc của họ, và biết nhanh chóng nhận ra những lúc có vấn đề nảy sinh. Nếu bị choáng bởi quyết định nghỉ việc của một nhân viên, rất có thể bạn đang cần cân nhắc lại cách quản lý của mình.
Đó là phát biểu của Julie Zhuo, Phó giám đốc của Facebook trong mảng thiết kế sản phẩm và tác giả của cuốn sách The Making of a Manager (tạm dịch: Để trở thành một người quản lý). Julie là một trong những nhân viên đầu tiên của Facebook, và cô được thăng tiến lên làm sếp vào 10 năm về trước, khi ở tầm 25 tuổi; cuốn sách chứa đựng tất cả những bài học về quản lý cô đã học được từ thời điểm đó trở đi.
Một bài học mà Julie đã chia sẻ trong một buổi phỏng vấn với Business Insider là bạn nên biết trước rằng nhân viên cảm thấy không hài lòng về công việc trước khi họ quyết định nghỉ làm. Julie chia sẻ cô đã học được điều này một cách trực tiếp – chính cô cũng cảm thấy bất ngờ khi nghe tin đồng đội của mình từ chức. “Đối với những trường hợp mà tôi cảm thấy bất ngờ khi nghe tin, vốn dĩ các nhân viên đó không cảm thấy đủ thoải mái để có thể nói cho tôi biết”, Julie chia sẻ. “Trong những tháng trước đó, họ cảm thấy khó khăn trong việc tâm sự với tôi”.
Một điều quan trọng mà cô rút ra được từ đó rằng cô đã có thể làm khác để được nhân viên của mình tin tưởng. Trong quyển sách, Julie đã lập ra vài chiến lược để có thể thành lập nên sự tin tưởng đó.
Một trong số đó là đảm bảo các cấp dưới biết được họ có thể chia sẻ cho mình biết được đâu là những chướng ngại vật lớn nhất đối với họ, chứ không phải chỉ đơn thuần báo cáo rằng tất cả mọi chuyện đều ổn khi họ đang gặp rắc rối với một dự án nào đó.
Một chiến lược khác là thường xuyên chia sẻ những lời góp ý và phê bình – tới mức mà nó bắt đầu khiến bạn trở nên khó xử với họ. (Ví dụ: “Khi bạn nói (X) vào tuần trước, nó làm tôi cảm thấy như bạn không thật sự hiểu dự án của tôi đang nói gì”).
Julie cũng đề xuất các quản lý tổ chức những buổi gặp mặt trực tiếp với cấp dưới của họ mỗi tuần một lần. Và thỉnh thoảng những người quản lý cũng nên dùng những buổi gặp mặt đó để thảo luận về những chuyện như: “Có gì đang làm bạn thấy hài lòng hay không hài lòng? Có mục tiêu nào của bạn thay đổi không? Dạo gần đây bạn đã học được những gì, và sắp tới mong sẽ học được những gì?”. Nếu sử dụng những chiến lược quản lý này, rất có thể bạn sẽ biết được khi nào nhân viên cảm thấy bản thân không phù hợp với công việc. Bạn cũng sẽ không thể (hoặc không muốn) ngăn họ tìm kiếm một công việc khác, nhưng ít nhất như vậy bạn có thể mau chóng tìm được giải pháp (hoặc nhân viên khác để thay thế cho họ).
Nếu sự thật là họ đang cảm thấy không hài lòng, bạn cũng sẽ không muốn kiên quyết rằng họ sẽ ổn với công việc hiện tại đâu.
Đã có một lần Julie cảm thấy hoàn toàn bất ngờ khi một nhân viên thông báo xin từ chức. “Nếu tôi đã hiểu được họ quan tâm tới những gì, nếu tôi hiểu được điểm mạnh, đam mê và những thứ tương tự”, cô chia sẻ. “Nếu đã hiểu được thì chúng tôi đã có cuộc trò chuyện này từ rất lâu rồi”.
Ở một vài công ty công nghệ hàng đầu, các quản lý cũng đang khuyến khích nhân viên mình chia sẻ với họ khi trong quá trình phỏng vấn tìm công việc khác. Ví dụ như trên trang web của Netflix: “Chúng tôi sẽ rất vui khi biết sẽ có người nhanh chóng thuê bạn nếu có ngày bạn rời khỏi Netflix. Chúng tôi coi việc thỉnh thoảng đi phỏng vấn cho những công việc khác là hoàn toàn lành mạnh, và chúng tôi khuyến khích nhân viên hãy trao đổi với quản lý của họ về kiến thức họ thu được trong những lúc đó”.
Julie bảo cô không thật sự mong nhân viên của mình hoàn toàn cởi mở về việc đi tìm kiếm công việc khác. Điều cô thật sự muốn biết là “nếu họ cảm giác như mình không đạt được kết quả mong muốn từ công việc, hoặc nếu họ không cảm thấy có động lực, hoặc nếu tôi đang đòi hỏi X hoặc Y mà họ lại muốn làm Z hơn”.
Suy cho cùng, đối với sự nghiệp của cấp dưới và cả của chính họ, quản lý nên biết né tránh ảo tưởng rằng tất cả mọi chuyện đang diễn ra suôn sẻ. Như Julie đã nói, “Tôi không muốn mình bị bất ngờ và cứ khăng khăng trong đầu rằng họ vẫn đang hài lòng và hạnh phúc khi họ thông báo họ sẽ từ chức”.