Tiến sĩ Tống Trung Tín – viện trưởng Viện Khảo cổ học ViệtNam- đã thông báo như vậy tại hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2012 sáng 26-12. Kết quả khai quật được các nhà khảo cổ và sử học đánh giá là bất ngờ, thậm chí đáng kinh ngạc. Theo giáo sư Phan Huy Lê, hố khai quật này lần đầu tiên cho thấy diễn tiến văn hóa liên tục từ thời Lý đến thời Trần với giai đoạn thế kỷ XIII và XIV, thời Lê sơ và Lê trung hưng.
Hố khai quật tại khu vực Bắc Đoan Môn
Ảnh TTXVN
Hố khai quật rộng 500m2, sâu 4,2 mét, rộng nhất từ trước đến nay trong khu vực điện Kính Thiên. Hàng chục năm nghiên cứu với rất nhiều nghi vấn về dấu ấn Lý Trần ở khu vực trọng yếu này đã ít nhiều có lời giải đáp. Giáo sư Phan Huy Lê khẳng định: “Kiến trúc có quy mô lớn, rất ghê gớm, chưa từng thấy tại bất kỳ kiến trúc nào dù chúng ta chưa biết chính xác tên gọi, công năng của nó”.
Kiến trúc này bao gồm đường nước lớn xây hoàn toàn bằng gạch vuông, gạch bìa, có hai hàng cọc gỗ đóng sát hai bên phục vụ chống lún, phần cao nhất còn lại cao hai mét, phần rộng nhất hai mét. Song song với đường nước chạy theo hướng đông – tây này có dấu tích móng sành là dấu tích móng tường thời Lý rộng 1,6 mét. Có thể nói đây là một đường nước bằng gạch khổng lồ chưa bao giờ thấy trong bất cứ di tích khảo cổ nào ở ViệtNam.
Tuy khẳng định được niên đại vào thời Lý nhưng giới nghiên cứu vẫn chưa thể kết luận công năng của đường nước được xây dựng rất kỳ công này. Nhiều chuyên gia nghiêng về giả thiết đây là đường nước nhằm phục vụ việc thoát nước của khu vực quan trọng thuộc trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời Lý. Dù vậy, cũng có ý kiến lưu ý không nên bỏ qua các giả thiết cho rằng đây là dấu tích về phong thủy của hoàng cung thời Lý hoặc thậm chí là dấu tích móng nền kiến trúc lớn của khu trung tâm thời Lý.
Ông Vũ Quốc Hiền (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) lưu ý: “Cần có kế hoạch bảo quản ngay các viên gạch. Chỉ cần qua mùa xuân ẩm ướt thì rêu mốc sẽ xâm lấn và việc cạo đi sẽ rất ảnh hưởng đến hiện vật”.
Gia Minh tổng hợp